Vì sao máy bay Boeing 747 vẫn phải cập nhật phần mềm thông qua một chiếc đĩa mềm 'cổ lỗ sĩ'?

Admin

13/08/2020 15:32

Trong bối cảnh công nghệ lưu trữ đang có những bước phát triển như vũ bão, việc ngành hàng không vẫn sử dụng một chiếc đĩa mềm "cổ lỗ sĩ" (ra mắt lần đầu từ năm 1971) thực sự khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ.

Được trình làng lần đầu vào năm 1988, tức cách đây 32 năm, dòng máy bay chở khách 747-400 của hãng Boeing vẫn đang nhận được các bản cập nhật phần mềm quan trọng thông qua…một chiếc đĩa mềm 3,5 inch – một thiết bị lưu trữ tưởng chừng đã bị "tuyệt chủng" trong thời điểm năm 2020.

Theo đó, một nhóm các chuyên gia nghiên cứu bảo mật tại Pen Test Partners vừa được tiếp cận với một chiếc Boeing 747-400 của hãng Bristish Airway, sau khi hãng hàng không này quyết định cho đội bay của mình nghỉ hưu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Vì sao máy bay Boeing 747 vẫn phải cập nhật phần mềm thông qua một chiếc đĩa mềm cổ lỗ sĩ? - Ảnh 1.

Máy bay Boeing 747-400

Trong quá trình kiểm tra toàn bộ các thiết bị điện tử hàng không của chiếc Boeing 747-400, nnóm nghiên cứu của Pen Test Partners đã phát hiện ra một ổ đĩa mềm 3,5 inch trong buồng lái, vốn được sử dụng để cập nhật các cơ sở dữ liệu dẫn đường quan trọng dành cho việc điều khiển máy bay. Một kỹ sư được chỉ định sẽ sử dụng một chiếc đĩa mềm có chứa các bản cập nhật mới nhất để tải vào cơ sở dữ liệu trên máy bay. Bản thân cơ sở dữ liệu này phải được cập nhật sau mỗi 28 ngày.

Trong bối cảnh công nghệ lưu trữ đang có những bước phát triển như vũ bão, việc ngành hàng không vẫn sử dụng một chiếc đĩa mềm "cổ lỗ sĩ" (ra mắt lần đầu từ năm 1971) thực sự khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ.

Tuy nhiên, đĩa mềm 3,5 inch trên thực tế vẫn đang được sử dụng trên khá nhiều loại máy bay chở khách khác nhau. Chẳng hạn, rất nhiều chiếc máy bay Boeing 737 vẫn đang sử dụng đĩa mềm để tải các phần mềm điện tử hàng không trong suốt nhiều năm.

Theo một báo cáo năm 2015 của Aviation Today, các cơ sở dữ liệu chứa trên những đĩa mềm này ngày càng lớn hơn. Một số hãng hàng không đã ngừng sử dụng đĩa mềm, nhưng nhiều hãng hàng không khác vẫn phải mời các kĩ sư tới để cập nhật các thông tin về sân bay, đường bay, đường băng, v.v. vào cơ sở dữ liệu trên máy bay hàng tháng.

Vì sao máy bay Boeing 747 vẫn phải cập nhật phần mềm thông qua một chiếc đĩa mềm cổ lỗ sĩ? - Ảnh 2.

Ổ đọc đĩa mềm trên Boeing 747-400

Theo nhiều chuyên gia công nghệ, việc các hãng hàng không vẫn ưa chuộng việc sử dụng đĩa mềm là có lý do. Theo đó, các hãng hàng không quan niệm: Công nghệ càng thấp thì mức độ an toàn càng cao. Việc sử dụng đĩa mềm, thay vì kết nối vào các hệ thống kỹ thuật số, sẽ giúp hạn chế tối đa việc những kẻ có ý đồ xấu xâm nhập vào hệ thống và gây ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay.

Trên thực tế, quân đội Mỹ cũng từng sử dụng những chiếc đĩa mềm từ thập niên 1970 mãi tới tận năm 2019 để điều phối các lực lượng chiến lược như máy bay ném bom hạt nhân, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Theo nhiều chỉ huy quân đội Mỹ, việc sử dụng đĩa mềm lạc hậu sẽ giúp đảm bảo yếu tố bảo mật cho hệ thống quản lý lực lượng hạt nhân chiến lược tự động của nước này. Nói cách khác, hệ thống này không thể bị hack, vì không sử dụng Internet để truyền tải.

Tham khảo The Verge