Vingroup giải thể, thay đổi hoạt động một loạt thương hiệu chỉ trong 42 ngày

Admin

31/03/2020 12:30

Sáp nhập Vinmart và Vinmart+ vào tập đoàn Masan

Ngày 3/12/2019, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã đạt thỏa thuận về việc sáp nhập Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp VinEco vào Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan. 

Đầu tư - Vingroup giải thể, thay đổi hoạt động một loạt thương hiệu chỉ trong 42 ngày

Toàn bộ hệ thống Vinmart và Vinmart+ đã được sáp nhập vào tập đoàn Masan.

Theo nội dung thỏa thuận, VinCommerce, VinEco và Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan sẽ sáp nhập để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ. Theo đó Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Trong thông tin mới phát đi, Vingroup không chia sẻ về tỷ lệ sở hữu của tập đoàn này trong công ty mới. Tuy nhiên, ở thông báo gửi nhân viên sáng ngày 3/12, Vingroup cho biết tỷ lệ sở hữu trong công ty mới của họ không còn là đa số. Hoạt động này theo Vingroup là nằm trong chiến lược tập trung vào mảng công nghệ và công nghiệp. 

Sau khi tiếp quản, Masan Consumer sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách với nhà cung cấp, khách hàng. Nhân viên của VinMart & VinMart+ sẽ được kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.

Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành, hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.

Ra đời từ ngày 11/2014, đến nay, VinMart và VinMart+ đã trở thành hệ thống bán lẻ có quy mô lớn nhất Việt Nam và với tốc độ phát triển nhanh. Với mức tăng trưởng doanh thu trung bình 80-100% mỗi năm. 

Giải thể Vinpro, sáp nhập Adayroi vào VinID

Sáng 18/12, tập đoàn Vingroup chính thức công bố trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID; toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro sẽ giải thể. Thời hạn hoàn tất là hết tháng 12/2019.

Đầu tư - Vingroup giải thể, thay đổi hoạt động một loạt thương hiệu chỉ trong 42 ngày (Hình 2).

Một siêu thị điện máy VinPro

Đại diện tập đoàn này cho biết đây là bước tiếp theo trong lộ trình tái cơ cấu của tập đoàn, nhằm tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực ưu tiên cốt lõi là công nghiệp – công nghệ, sau khi tiến hành hoán đổi cổ phần hệ thống siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart+ cho tập đoàn Masan.

Nguyên nhân được đưa ra là do Vincomerce mong muốn đánh giá và tái cấu trúc hoạt động của công ty nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường và khách hàng trong giai đoạn phát triển mới.

Adayroi đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2014, với sứ mệnh kiến tạo sân chơi công bằng với những tiêu chí và chuẩn mực cao về chất lượng hàng hoá, nguồn gốc xuất xứ; góp phần thúc đẩy và phát triển lĩnh vực thương mại điện tử và ngành bán lẻ tại Việt Nam.

Theo số liệu của iPrice, lượng truy cập của Adayroi đạt khoảng 6-7 triệu lượt/quý, đứng sau các tên tuổi lớn khác trong ngành như Shopee, Tiki, Lazada hay Sendo.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị điện máy VinPro ra mắt vào tháng 3/2015, nhằm hoàn thiện khối bán lẻ của Vingroup. Tuy nhiên, với việc thay đổi chiến lược phát triển, lĩnh vực bán lẻ không còn là ưu tiên cốt lõi của tập đoàn.

“Đóng cửa” Vinpearl Air

Đầu giờ chiều 14/1, Tập đoàn Vingroup công bố chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông vận tải, chính thức xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh này.

Lý do cho quyết định trên được doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đưa ra là để "tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp của Vingroup".

Đầu tư - Vingroup giải thể, thay đổi hoạt động một loạt thương hiệu chỉ trong 42 ngày (Hình 3).

Vingroup chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không.

Tuy nhiên, trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không VinAviation sẽ vẫn duy trì hoạt động theo cam kết với các học viên. Khoá Đào tạo đang triển khai vẫn tiếp tục được duy trì với đầy đủ những cam kết đã có với học viên.

Đồng thời, Vingroup khẳng định vẫn tiếp tục tham gia các dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng hàng không trên cả nước . 

Quyết định bất ngờ trên của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đồng nghĩa nhiều khả năng Hãng hàng không Vinpearl Air sẽ không thể cất cánh. Thông cáo của doanh nghiệp cũng không chia sẻ về tương lai của dự án hàng không này.

Tháng 7/2019, Vingroup đã tiến hành thủ tục đổi tên Công ty Phát triển thương mại và dịch vụ VinAsia (thành lập tháng 6/2017) thành Công ty Hàng không Vinpearl Air, có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, trụ sở tại quận Long Biên, Hà Nội. Từ một doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, đơn vị này được chuyển đổi sang vận tải hành khách hàng không.

Ngày 24/7/2019, tập đoàn Vingroup công bố hợp tác với tập đoàn CAE (Canada) trong việc đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới. Vingroup cũng xúc tiến các thủ tục để thành lập hãng hàng không Vinpearl Air. 

Cũng trong tháng 7/2019, Vingroup thành lập Công ty CP Hàng không Vinpearl Air, đăng ký đầu tư dự án theo mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hãng hàng không truyền thống và chi phí thấp.

Cuối tháng 12/2019, sau khi thẩm định dự án hàng không Vinpearl Air, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Theo đó, Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư lên tới 4.700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, chiếm 27,66% tổng vốn đầu tư; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác là 3.400 tỷ đồng, chiếm 72,34%. Hãng đặt căn cứ tại sân bay Nội Bài -Hà Nội.

Dự kiến, Vinpearl Air sẽ hoàn thành các thủ tục và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật để chính thức đưa vào vận hành, khai thác bay thương mại trong tháng 7/2020 với quy mô 6 tàu bay trong năm đầu tiên.

Hiếu Nguyễn