Vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) rộng gần 140km2, được bao bọc bởi eo núi Cổ Ngựa nên kín gió và sở hữu cảnh quan hoang sơ, hữu tình. Từ năm 2011, vịnh đã được công nhận danh thắng cấp quốc gia và đang phát triển thành khu du lịch quốc gia vào năm 2030. Thế nhưng, hiện vùng vịnh này đang rơi vào tình trạng ô nhiễm nặng, bởi rác thải nhựa và quá trình nuôi trồng thủy hải sản của người dân thải ra.
Khó quản lý lồng bè trên Vịnh Xuân Đài. |
Khó quản lý lồng bè di động
Chỉ 5 năm trở lại đây, số lượng lồng bè, ao đìa nuôi hải sản tại thị xã Sông Cầu tăng chóng mặt. Theo báo cáo của địa phương, lồng bè nuôi tôm cá đã tăng gấp 2,5 lần so với quy hoạch với 82.000 lồng (mật độ nuôi tăng lên gấp 3 lần, 200 lồng/ha) và còn hàng trăm hecta ao đìa đang tràn ra các đầm vịnh. Chủ yếu nuôi tôm hùm, tôm sú, tôm thẻ chân trắng và các loài cá biển. Hình thức chăn nuôi theo kiểu “du canh du cư”, di động theo mùa, thời tiết, khí hậu… rất khó quản lý.
Mới vào buổi sáng, vùng nước ở vịnh đã xộc lên mùi hôi tanh của cá mắm và rác thải. Hàng ngày dù đã có xe dịch vụ đi thu gom rác thải đưa về bãi rác tập kết nhưng dọc tuyến kè ở phường Xuân Thành (thị xã Sông Cầu), vị trí tiếp giáp với vịnh Xuân Đài thấy chất đầy rác thải nhựa. Ngoài vùng nuôi tôm cá giữa vịnh Xuân Đài là bức tranh bát nháo, rối ren.
Anh Đỗ Vạn (36 tuổi, khu phố Dân Phước, phường Xuân Thành) đang nuôi 3.000 tôm hùm xanh và 400 cá bớp, lo lắng: “Đáng ra nay đã xuất bán tôm rồi, nhưng do dịch Covid-19 nên nhiều hộ vẫn phải kéo thêm thời gian nuôi. Dự báo, đến tháng 4 này là nước vịnh Xuân Đài sẽ bị ô nhiễm nặng, nên các chủ tôm cá đang đứng ngồi không yên. Ông Nguyễn Tư Lợi (61 tuổi) đang thả nuôi 13.000 tôm hùm ở vịnh Xuân Đài than thở: “Khoảng 5 năm trở lại đây, người nuôi tăng chóng mặt. Các hộ không ngừng tăng về số lồng bè, thả nuôi vài chục ngàn con. Số người mới nuôi tăng vùn vụt, cứ vài đêm có thêm hàng chục hộ dân kéo lồng bè ra nuôi. Hiện nay, các chủ nuôi giàu có, họ làm bè lớn giữa vịnh để nuôi. Có bè gỗ cả trăm triệu, quy mô như cái sân đá bóng. Mỗi ngày có hàng tấn thức ăn đổ xuống vịnh, mặt nước giờ ô nhiễm nặng lắm rồi…”.
Theo ước tính của giới chuyên môn (đã được UBND thị xã Sông Cầu đưa ra vào tháng 11-2019), mỗi ngày có từ 7,2 tấn đến 11,5 tấn chất thải xả thẳng ra vịnh Xuân Đài. Trong đó, bao gồm bùn thải, thức ăn nuôi trồng thủy sản dư thừa, thùng xốp, bao bì, túi ni lông… Nguy hại hơn, còn có cả hóa chất và kháng sinh.
Bài toán sinh kế
Theo ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, theo quy hoạch, tới đây địa bàn thị xã sẽ giảm diện tích nuôi trồng thủy hải sản xuống còn khoảng 1.000ha với khoảng 32.900 lồng nuôi (vịnh Xuân Đài là 747ha). Dự kiến có khoảng 3.400 hộ dân được giao quyền sở hữu diện tích mặt nước để hưởng lợi và gán trách nhiệm vào đó…
Tuy nhiên, trên thực tế, rất khó để thực hiện theo quy hoạch trên. Hiện, địa phương đang rất lúng túng trong việc sắp xếp, xử lý các lồng bè, ô đìa trái phép. Nan giải hơn là việc quản lý và thay đổi tập quán chăn nuôi kiểu “du canh du cư” và thường xuyên di chuyển của những cư dân ở đầm, vịnh…
Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu nhìn nhận, quy hoạch vướng nhất là câu chuyện sinh kế của người dân. Bởi, tại địa phương, công nghiệp, du lịch vẫn chưa phát triển, người dân chỉ có thu nhập chính từ nuôi hải sản. Bây giờ, theo quy hoạch mỗi hộ từ nuôi 10 lồng phải cắt giảm xuống còn 3 lồng nữa thì rất khó. Muốn làm được, cần phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ nhiều lĩnh vực du lịch, thủy sản, công nghiệp và phải làm cùng một lúc thì mới được…
Theo SGGP