Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa gửi công văn số 30/CV-HHBĐS tới Tổ công tác của Chính phủ; Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) kiến nghị các giải pháp với Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phản ánh những vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật.
Bất động sản du lịch thiệt hại nặng nề
Theo đó, văn bản của VNREA nhìn nhận, trong bối cảnh chung, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) bị ảnh hưởng nặng nề do việc thực hiện cách ly xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS nhà ở, kinh doanh dịch vụ BĐS (môi giới, tư vấn BĐS), các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS nghỉ dưỡng được cho là bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả.
Điều đó thể hiện qua việc doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS nhà ở, hoạt động xây dựng và cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn.
Khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mua nhà ở giảm sút mạnh trong khi áp lực thu hồi vốn đầu tư, lãi vay ngân hàng ngày càng lớn. Các công ty, sàn giao dịch BĐS giảm sút từ 60 - 70%, nhiều sàn giao dịch phải ngừng hoạt động.
Đối với các BĐS du lịch, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này giảm sút dự kiến lên đến gần 90%, phần lớn các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng phải đóng cửa hoặc giảm công suất.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh BĐS trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê… bị đình trệ, gián đoạn. Hầu hết các cơ sở cho thuê văn phòng, thương mại phải giảm giá từ 30 - 50% tiền thuê trong thời gian chống dịch Covid-19.
BĐS công nghiệp, nông nghiệp được hình thành có quy mô lớn, công nghệ đầu tư, máy móc thiết bị đứng trước hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong xây dựng chuỗi hàng hoá dịch vụ, logistics phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, dư nợ tín dụng của các doanh nghiệp BĐS đang ở mức cao, áp lực trả lãi vay, nợ vay rất lớn, với sự tác động của dịch bệnh Covid-19 có thể dẫn đến nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh mất khả năng thanh toán, phá sản, thu gọn quy mô và diện tích kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành có hoạt động kinh doanh đa ngành nghề bị tác động nặng nề từ dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nhất là gặp khó khăn về hồ sơ chứng minh bị ảnh hưởng hoặc thiệt hại của dịch bệnh để được hưởng chính sách tín dụng và thuế như công bố. Bởi việc đánh giá thế nào là “ảnh hưởng trực tiếp” không hề đơn giản và có thể có những cách hiểu khác nhau.
VNREA đã gửi công văn tới các thành viên của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Ảnh: Internet) |
Kiến nghị hỗ trợ tín dụng, thuế
Để doanh nghiệp tiếp cận được các hỗ trợ của Chính phủ, nhanh chóng phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, VNREA kiến nghị tới các cơ quan liên quan một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS.
Về tín dụng, cần quy định cụ thể, chi tiết danh mục hồ sơ, thủ tục để các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thực hiện việc xin hỗ trợ lãi suất theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, không gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Liên quan đến lĩnh vực thuế, do dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng, vì vậy cần áp dụng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế đối với tất cả các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong thời gian công bố dịch. Bởi việc xác định thiệt hại của từng doanh nghiệp do dịch bệnh vừa gây khó cho cơ quan thuế, vừa làm gia tăng thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong thời gian có dịch; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và 50% thuế giá trị gia tăng trong thời hạn 1 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho cả quý III, IV/2020 và quý I, II/2021 như đã quy định cho quý I, II/2020; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, theo đó thời gian gia hạn là 12 tháng; cho phép miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho giai đoạn 6 tháng cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021.
Giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất trong thời gian có dịch và 12 tháng sau khi hết dịch để đảm bảo doanh nghiệp tập trung nguồn lực phát triển dự án, kế hoạch sản xuất đủ thời gian phục hồi,
Đồng thời, gia hạn nộp thuế đối với các loại thuế như thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu linh kiện phục vụ sản xuất, thuế nhập khẩu, thuế nhà thầu nước ngoài, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... Đề nghị điều chỉnh thời hạn gia hạn nộp thuế lên 12 tháng thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch dự kiến sẽ kéo dài. Hiệp hội còn đề xuất giảm tiền thuê đất năm 2020 và 2021 cho các doanh nghiệp.
Trong công văn, Hiệp hội đã đề xuất được tạm dừng đóng tất các các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động và thời gian tạm dừng đến hết tháng 12/2020.
Trước những nội dung đã trình bày, VNREA kiến nghị Thủ tướng, các Bộ, ngành liên quan sớm xem xét giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc để giúp các doanh nghiệp mau chóng vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.
Đây là lần thứ 3 từ đầu năm đến nay, VNREA có các kiến nghị gửi lãnh đạo Trung ương. Trước đó, VNREA đã có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan kiến nghị kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS.
Phạm Minh