Vụ bé trai bị bạo hành: Hàng xóm có nghi ngờ nhưng không ai để ý

Admin

25/11/2020 15:55

TTO - Ngày 24-11, ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, đã có chia sẻ với báo giới về vụ việc cháu bé N.Q.D. (15 tuổi, quê Quảng Ngãi) đi làm thuê và bị chủ quán bánh xèo ở Bắc Ninh bạo hành.

Vụ bé trai bị bạo hành: Hàng xóm có nghi ngờ nhưng không ai để ý - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: “Tất cả mọi hành vi xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động có hành hạ ngược đãi trẻ em, thì đều bị pháp luật xử lý cực kỳ nghiêm khắc và nghiêm minh” - Ảnh: HỒNG QUÂN

Cung cấp thông tin mới nhất về vụ việc, ông Đặng Hoa Nam cho biết các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện các hoạt động để bảo vệ cháu bé cũng như điều tra, xác minh và xử lý chủ quán Nguyễn Thị Ánh Tuyết.

Qua câu chuyện bạo hành ở Bắc Ninh, ông Hoa Nam nhấn mạnh bản thân cháu bé này không biết khi mình gặp vấn đề thì mình phải gặp ai, tố cáo với ai. 

Nhà hàng xóm ngay liền kề có nghi ngờ, có biết là quát tháo, biết cháu này phải thường xuyên làm việc từ suốt đêm đến sáng nhưng không ai để ý mà tố cáo.

Tức là, vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được người dân quan tâm, do đó những hành vi xâm hại trẻ em không được ngăn chặn.

Do vậy, cục trưởng Hoa Nam cho rằng phải làm tốt công tác phòng ngừa bằng tuyên truyền đến các hộ gia đình, các chủ sở hữu doanh nghiệp, các cơ sở dịch vụ…; làm sao để cho mọi người dân khi chứng kiến hoặc nghi ngờ bất kỳ một hành vi xâm hại trẻ em, bóc lột thế nào thì ngay lập tức báo cho các cơ quan chức năng.

Cụ thể là công an xã, phường, hay đơn giản nhất là gọi Tổng đài quốc gia về trẻ em số 111.

Vụ bé trai bị bạo hành: Hàng xóm có nghi ngờ nhưng không ai để ý - Ảnh 3.

Nạn nhân N.Q.D. bị đánh thương tích đầy người, đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: DANH TRỌNG

Bên cạnh đó, ông Hoa Nam nhấn mạnh cần phải bổ sung đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách hoặc là cán bộ cấp tương đương với người không chuyên trách giải quyết vấn đề bảo vệ trẻ em.

Ông Hoa Nam dẫn chứng ở TP.HCM, nhiều chủ sử dụng lao động lẫn người lao động chưa thành niên đều là người di cư. Do đó, để kiểm soát, phải lo được an sinh xã hội cho dòng di cư từ địa phương này sang địa phương khác, nhất là di cư đến các khu công nghiệp, các khu đô thị.

Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, tình trạng lao động trẻ em tồn tại chủ yếu ở khu vực phi chính thức. Người sử dụng lao động ở khu vực này ít có hiểu biết về pháp luật. Do đó, khi vụ việc xảy ra và bị phát hiện, họ nhận ra thì đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

"Điều này đòi hỏi có thêm những chính sách tổng thể và các dịch vụ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người di cư, trước hết là về học hành, khám chữa bệnh… Trên hết là nhu cầu được bảo vệ an toàn…" - ông Đặng Hoa Nam nói.

Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần phải hình thành một dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, sự hưởng ứng tham gia của cộng đồng và đặc biệt quan trọng là của các mạng lưới dịch vụ công ích như bưu điện để thu thập thông tin tốt hơn, chính xác hơn.