Mới đây, Bộ Công an đang điều tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại dự án 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy và ngõ 122 Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) ở TP. Hà Nội.
Công văn của Bộ công an đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp và có ý kiến chỉ đạo Thanh tra Bộ Xây dựng cung cấp thông tin tài liệu |
Làm rõ thực trạng 2 dự án
Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng về việc cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc điều tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) trong việc đầu tư dự án Khu dịch vụ tổng hợp 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội).
Theo đó, để phục vụ công tác điều tra, xác minh, Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp có ý kiến chỉ đạo Thanh tra Bộ Xây dựng và các đơn vị trực thuộc cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu gồm: Các văn bản, chủ trương, chỉ đạo của Bộ Xây dựng và tình trạng hiện nay của 2 dự án trên.
Cùng với đó là các tài liệu về kết quả thanh tra, việc xử lý kết quả sau thanh tra (trong đó có vai trò cá nhân có liên quan) của Thanh tra Bộ Xây dựng đối với 2 dự án.
Trước đó, trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội, đơn vị Kiểm toán này đã đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các đơn vị thuộc Vicem, đề nghị Vicem phải kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân. Đáng chú ý, theo Kết luận số 44/BC-KTNN của Kiểm toán Nhà nước đề xuất thay đổi phương án, sắp xếp, xử lý nhà đất của Vicem đã được Bộ Xây dựng phê duyệt đối với 3 lô đất, song chưa hoàn thành thủ tục hoặc chưa được phê duyệt lại.
Lô đất đầu tiên đó là 8.476 m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Mễ Trì (quận Nam Từ liêm, Hà Nội), Vicem đã đề xuất thay đổi từ “tiếp tục xây dựng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án”, đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương nhưng Tổng công ty chưa hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh phương án trình phê duyệt.
Còn tại lô đất 52.083 m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thay đổi từ "Xây dựng Dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy" thành "tiếp tục quản lý, sử dụng như hiện trạng, sau khi cổ phần hoá sẽ báo cáo việc sử dụng đất theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, tái cấu trúc Vicem theo quy hoạch của TP Hà Nội", được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương song Bộ Tài chính chưa có ý kiến.
Dự án Vicem Tower đến nay vẫn không có bất cứ hoạt động xây dựng nào, khiến lãng phí nguồn lực đất đai, tài chinh của Nhà nước |
Có nên thu hồi?
Trả lời báo chí về nội dung này, ông Hà Quang Hiện, Chánh Văn phòng Vicem cho hay, về toà nhà tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy, trước đây Chính phủ cũng có yêu cầu, liên quan đến việc đầu tư ngoài ngành thì phải thoái vốn. Phương án đã báo cáo Bộ Xây dựng và xin ý kiến Bộ Tài Chính… nhưng đến nay vẫn chưa xong, Vicem sẽ tập hợp lại và báo cáo Chính phủ xin ý kiến chốt lại.
Trước vấn đề này, chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, Gs. Đặng Hùng Võ cho biết trước đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đôn đốc thu hồi lại các dự án "treo" nhưng thời gian qua, dường như số các dự án "treo" lại nhiều lên.
Việc thu hồi lại dự án bỏ hoang trên đất công được nhiều chuyên gia cho rằng hoàn toàn đúng đắn và cần phải thực hiện nghiêm khắc nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia trong việc sử dụng tài nguyên phát triển các dự án, đặc biệt là bất động sản.
Tuy nhiên, thu hồi đất của các dự án treo là câu chuyện phức tạp từ xưa đến nay, bởi còn những vấn đề khó khăn về mặt khung chính sách pháp luật, giá đền bù.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm, đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, hệ thống các doanh nghiệp ngoài quốc gia luôn thiếu nguồn lực đất đai, bên cạnh đó doanh nghiệp nhà nước đang lãng phí sử dụng công sản là đất đai, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Theo luật sư Tú: "Chúng ta đã có cơ chế về giao đất, sử dụng đất đai rồi, nếu đến thời hạn mà chưa sử dụng thì cần tiến hành thu hồi lại, giao cho những tổ chức, đơn vị có nhu cầu thiết thực hơn. Cần thiết có thể bán đấu giá để đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, không thể để tình trạng này kéo dài thêm."
Theo Gs. Đặng Hùng Võ, để xử lý đối với trường hợp này, nhất là các dự án treo, các địa phương cần có chế tài phù hợp và kiên quyết. Sau một thời gian dài chạy theo sự phát triển, chắc chắn sẽ có những dự án gặp sai sót về thủ tục đầu tư. Việc rà soát lại sẽ có thể phát hiện ra dấu hiệu của tham nhũng.
Đối với trường hợp dự án sai phạm nhưng đang hình thành tài sản trên đất, theo quy định về thời hạn là 24 tháng không sử dụng đất, dự án sẽ bị thu hồi đất.
Còn trường hợp trên đất bỏ hoang đã có tài sản được hình thành hợp pháp, Nhà nước có thể thu hồi đất nhưng không thể tịch thu tài sản đầu tư trên đất vì như vậy sẽ trái với pháp luật và không đúng với Hiến pháp. Cơ quan quản lý có thể xử phạt nặng với chủ đầu tư, nếu chủ đầu tư không nộp bồi thường vào ngân sách có thể chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư khác.
Phạm Minh