Theo phản ánh của nhiều hộ dân tại xã Tô Mậu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, nhiều năm qua, hoạt động sản xuất giấy của Xí nghiệp An Lạc đã làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, đời sống của người dân.
Từ tỉnh lộ 171, PV Dân Việt men theo triền dốc, đi xuống con suối, nơi nước thải của xí nghiệp An Lạc vẫn được thải ra hằng ngày không qua xử lý theo phản ánh. Ghi nhận của PV, bên kia suối, từ 2 ống thải to như bắp đùi người lớn, một thứ nước nước màu vàng khè, bốc mùi khó chịu đang hòa vào dòng suối. Gặp vật cản, dòng nước thải tạo thành một màng màu vàng, xanh, trắng lẫn lộn trên bề mặt dòng suối.
2 ống xả thải liên tục đưa nước thải màu vàng chảy ra suối. |
Chị Nông Thị Đây (thôn Làng Mường, xã Tô Mậu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết, nước từ dòng suối này để phục vụ cho các cánh đồng của thôn Làng Mường, nhưng không phải lúc nào nước cũng dùng được, thậm chí lúa bị chết do lấy nước từ suối này.
“Vừa qua, khi chúng tôi có ý kiến lên xã, nhà máy lại bảo khi chúng tôi lấy nước vào ruộng thì tránh thời gian xả của nhà máy, trong khi nhà máy xả cả ngày, cả đêm. Nước có mùi rất hôi, có lúc nước xả ra đặc quánh, cho tay xuống nước còn thấy cả xương bàn tay, quanh vùng này đã có vài người bị ung thư” - chị Đây cho biết thêm.
Chị Đây cho biết thêm, nhà máy không chỉ thải nước thải ra suối gây ô nhiễm dòng nước, mà còn đốt rác thải ngay cạnh bờ suối. Mỗi khi đốt khói bay quanh vùng, mùi khói rất khó chịu, những thứ được đốt chỉ có thể là bao bì đựng hóa chất phục vụ sản xuất.
Gặp vật cản, nước thải tạo thành một màng màu vàng, xanh, trắng lẫn lộn trên mặt nước. |
Còn anh Đinh Văn Hải (thôn Làng Mường, xã Tô Mậu) bức xúc: “Ban ngày còn xả ít, chủ yếu xả nước thải vào ban đêm. Chúng tôi sống ở gần đây thường xuyên phải ngửi mùi rất khó chịu, như mùi diêm sinh, chưa kể tiếng ồn của nhà máy. Nhà máy hoạt động chẳng có giờ giấc cố định, có khi làm cả ngày, cả đêm”.
Nước thải chảy đến đâu dòng suối "chết" đến đó. |
Khu vực đặt xí nghiệp sản xuất giấy là giáp ranh giữa 3 xã Khánh Hòa, An Lạc, Tô Mậu (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái). Nhà máy đóng trên địa bàn xã An Lạc, nhưng bị ảnh hưởng nhiều nhất là người dân thuộc xã Tô Mậu do mỗi khi nhà máy xả thải, dòng nước thải lại chảy về hướng thôn Làng Mường, xã Tô Mậu.
Được biết, Xí nghiệp An Lạc (thôn 9, xã An Lạc, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) được Công ty TNHH Hapaco Yên Sơn tiếp nhận từ Lâm trường Lục Yên vào năm 2014. Xí nghiệp chuyên sản xuất giấy đế, công suất hoạt động khoảng 1.800 tấn giấy/năm. Trong quá trình sản xuất, xí nghiệp dùng nhiều loại hóa chất như NaOH, Lưu huỳnh, bột màu…
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Tô Mậu cho biết: “Chính quyền địa phương cũng có nhận được phản ánh của người dân. Cuối năm 2019, xã có làm việc với phía xí nghiệp, lãnh đạo xí nghiệp cam kết chỉ xả vào 2 ngày trong tuần, đó còn chưa nói đến chất lượng nước xả ra đã đủ tiêu chuẩn hay không”.
Tuy nhiên trái với cam kết, theo xác nhận của người dân và thực tế, Xí nghiệp An Lạc liên tục xả nước thải ra môi trường, cả ngày lẫn đêm.
Người dân quanh khu vực cho biết xí nghiệp xả thải cả ngày lẫn đêm với khối lượng lớn. |
Theo Dân Việt