Đầu tư “ăn” cổ tức, có tức tới cổ?

03/10/2020 17:02

Trong thời gian gần đây, hàng chục doanh nghiệp vừa công bố trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao đã thu hút được các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang rơi vào vùng trũng thông tin.

“Ăn cổ tức, tức tận cổ”

Có thể kể đến CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (mã: RAL) dự kiến trả cổ tức đợt 1/2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 25%, tương đương 2.500 đồng/cp.Ngày chốt quyền và ngày thanh toán lần lượt là 9/9 và 24/9.

dau-tu-co-phieu-an-co-tuc-1348-160146069

Đầu tư "ăn" cổ tức là chiến lược được các nhà đầu tư giá trị lựa chọn và theo đuổi.

Hay như CTCP Giống cây trồng Miền Nam (mã: SSC) và CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (mã: SGN), CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) cùng có kế hoạch trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20%, tương đương mỗi cổ phiếu sẽ được nhận nhận về 2.000 đồng. Tổng Công ty Thiết bị Điện Đông Anh (mã: TBD) dự tính trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2019 tỷ lệ 15% và cổ phiếu tưởng tỷ lệ 15%.

Đáng chú ý nhất là CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (Khahomex, mã: KHA) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông thực hiện chia cổ tức đến hết năm 2019 và tạm ứng cổ tức năm 2020 với tổng tỷ lệ là 67% (năm 2019 là 47% và tạm ứng năm 2020 là 20%).

Nguyên nhân các doanh nghiệp có tỷ lệ chi trả cổ tức thường hấp dẫn các nhà đầu tư là do hầu hết các nhà đầu tư cá nhân không phải là cổ đông chiến lược của doanh nghiệp thì việc được nhận cổ tức không chỉ mang lại ý nghĩa về mặt lợi nhuận tài chính đơn thuần, mà còn là một sự cam kết của doanh nghiệp đối với quyền lợi của các cổ đông nhỏ, lẻ.

Trong đó, nhóm doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt luôn nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, nhiều sự “ngộ nhận” đối với chiến lược này, khiến các nhà đầu tư “tức tận cổ”.

Theo chia sẻ của một nhà đầu tư, cứ đến mùa trả cổ tức là lúc anh này có hứng thú nhất với thị trường chứng khoán. Bởi, tâm lý chờ “ăn cổ tức” rồi bán ra thì đương nhiên sẽ được lãi khoản cổ tức được chia theo lượng cổ phiếu nắm giữ.

Tuy nhiên, đây chính là một trong những hiểu lầm nghiêm trọng của các nhà đầu tư bởi lẽ cả cổ tức tiền mặt và cổ phiếu đều khiến giá cổ phiếu bị giảm trừ tương đương với tỷ lệ cổ tức được chia vào ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức.

Thậm chí, ngay cả những nhà đầu tư dài hạn, tạm thời quên khoản đầu tư để nhận tỷ lệ cổ tức cao hơn lãi ngân hàng cũng có khi mắc sai lầm bởi vài năm sau bỗng nhận thấy phần giảm của thị giá cổ phiếu còn lớn hơn nhiều so với cổ tức đã nhận được.

Hiểu sao cho đúng

Thực tế, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng ngày càng có xu hướng giảm thì chiến lược đầu tư nhận cổ tức sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định và tương đối cao. Thậm chí, chiến lược đầu tư “ăn” cổ tức có thể giúp nhà đầu tư hưởng lợi nhuận kép nếu lãi suất giảm mạnh.

Tuy nhiên, khi theo đuổi chiến lược này nhà đầu tư cần hiểu rõ đặc điểm của cổ tức, đặc biệt là cổ tức tiền mặt. Khi các công ty chia cổ tức tiền mặt chứng tỏ là đơn vị đó có tiền mặt, kinh doanh có lãi.

Chẳng hạn giá cổ phiếu A của 1 doanh nghiệp trên sàn đang là 20.000 đồng/cp, doanh nghiệp sử dụng chính sách ổn định cổ tức với mức 25%/năm (tương đương mỗi cổ phiếu nhận về 2.500 đồng). Theo đó, lợi suất cổ tức của doanh nghiệp này sẽ đạt 12,5%.

Sau khi chia cổ tức, thị giá cổ phiếu A sẽ điều chỉnh về mức 17.500 đồng/cp. Giả định doanh nghiệp làm ăn không có gì tiến triển, đi ngang trong năm thì các nhà đầu tư vẫn nhận được 2.500 đồng/cổ phiếu mỗi năm, đây là mức khá hấp dẫn khi lãi suất ngân hàng hiện nay chỉ còn khoảng 6%/năm.

Giả sử sau một thời gian giá cổ phiếu A vẫn giữ nguyên ở mức 17.500 đồng/cp, sẽ kích thích được một bộ phận lớn nhà đầu tư mua vào bởi lúc này giá cổ phiếu đang ở mức rẻ, mà cổ tức vẫn được nhận bằng với thời điểm 20.000 đồng/cp, khi đó lợi suất sẽ còn cao hơn mức 12,5%, chính điều này sẽ làm giá cổ phiếu tăng trở lại.

Nhà đầu tư lúc này vừa được nhận cổ tức, vừa được hưởng mức chênh lệch của giá cổ phiếu. Nhìn vào đây có thể thấy, chiến lược này có mức độ rủi ro tương đối thấp nhưng chỉ đúng với các công ty có kết quả kinh doanh tốt, phát triển bền vững.

Hiện nay trên thị trường chứng khoán có một số doanh nghiệp chi trả mức cổ tức rất cao nhưng chỉ trong vòng 1-2 năm kinh doanh thuận lợi, nhưng khi bắt đầu khó khăn giá trị công ty có thể giảm nhanh chóng, lúc này nhà đầu tư đã rơi vào “bẫy cổ tức”.

Theo chuyên gia phân tích Hoàng Nguyên-Công ty chứng khoán SSI, ngay cả đối với khoản cổ tức bằng cổ phiếu vốn được xem là ảo, nhà đầu tư vẫn có thể tìm thấy tiềm năng tăng giá. Bởi khi phát hành cổ phiếu, giá cổ phiếu giảm xuống sẽ tác động đến việc mua vào từ đó giá cổ phiếu sẽ quay đầu tăng giá. Tuy nhiên, diễn biến này chỉ đúng với doanh nghiệp có lượng cổ phiếu lưu hành ở mức thấp.

Theo ông Nguyễn Văn Toại – Giám đốc tư vấn đầu tư, khối tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán VPS, cổ tức chỉ mang lại lợi nhuận kỳ vọng ở mức vừa phải không phải là làm giàu nhanh nên chiến lược này phù hợp với những người coi đầu tư chứng khoán là một kênh sinh lời bền vững, không thích hợp với những người ưa thích mạo hiểm.

Linh Đan

Bạn đang đọc bài viết "Đầu tư “ăn” cổ tức, có tức tới cổ?" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.