Tìm kiếm cơ hội với cổ phiếu ngành cảng biển

14/08/2020 16:30

Thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2020 tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt hơn 397,5 triệu tấn. Trong đó, lượng hàng container thông qua cảng đạt hơn 11,8 triệu Teus, tăng lần lượt 6% và 8% so với cùng kì năm 2019.

Cục Hàng hải Việt Nam nhận định, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 7 tháng đầu năm tăng 6% so với cùng kì năm 2019 là mức tăng trưởng tốt trong những tháng gần đây, dù hoạt động hàng hải chưa thoát khỏi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Vượt qua thách thức

Với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay tại nhiều quốc gia nên các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như châu Âu, Mỹ, Nam Mỹ... và một số thị trường châu Á chưa thể liên thông như trước đây, quá trình lưu thông hàng hóa sẽ còn bị đứt quãng.

Đặc biệt, với làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 đang bùng phát trở lại trong nước càng khiến các doanh nghiệp ngành này gặp nhiều khó khăn. Ngay cả khi lưu thông lại được cũng sẽ phải chịu thêm nhiều chi phí phát sinh khi nhập cảnh ở nhiều quốc gia trên thế giới.

nganh-cang-bien-6843-1597234010.jpg

Các doanh nghiệp ngành cảng biển có lợi thế về lượng tiền mặt lớn và nợ vay thấp (Ảnh: internet)

Theo dự báo của các chuyên gia, khó khăn của nhóm doanh nghiệp ngành cảng biển sẽ thể hiện rõ ràng hơn trong kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm bởi theo thống kê trước đó của Cục hàng hải Việt Nam nửa đầu năm 2020 dù hoạt động hàng hải vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh, song sản lượng hàng hóa qua một số khu vực cảng biển vẫn đạt mức tăng trưởng cao.

Có thể kể đến như Cảng biển Quảng Trị tăng hơn 72% do mới phát sinh hàng xuất khẩu gỗ dăm sang Trung Quốc và hàng cát, thạch cao chở ra Ninh Bình; khu vực Quảng Ngãi tăng 44% do nhập khẩu mặt hàng khô, tổng hợp tăng mức kỉ lục hơn 1.300%.

Ngoài ra, một số khu vực cảng biển như: Nam Định, Cần Thơ, Thanh Hóa, Thái Bình cũng có mức tăng tương đối cao, từ 20 - 28% so với cùng kì năm 2019. Đáng chú ý, một số khu vực cảng biển có mức tăng hàng hóa container mạnh như: Khu vực Mỹ Tho tăng 354%, Thanh Hóa tăng 115%, An Giang tăng 85%, Đà Nẵng tăng 11%...

Nhìn vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp cảng biển đang niêm yết có thể thấy, khó khăn do dịch bệnh đối với nhóm doanh nghiệp này chỉ ở mức độ không đáng kể.

Cụ thể, CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (mã: DVP) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với doanh thu thuần giảm gần 18% so với cùng kỳ còn 237 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ khoảng 1 tỷ đồng xuống còn 139,4 tỷ đồng.

Cũng có kết quả kinh doanh “không đến nỗi” trong 6 tháng đầu năm, CTCP Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng (mã: TCL) ghi nhận doanh thu đạt 512,2 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 43 tỷ đồng, giảm 3,6% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cảng biển khác như CTCP Cảng Hải Phòng (mã: PHP), CTCP Cảng Sài Gòn (mã: SGP), CTCP Vận tải và xếp dỡ Hải An (mã: HAH), CTCP Kho vận miền Nam (mã: STG), CTCP Transimex (mã: TMS)… cũng đều ghi nhận kết quả kinh doanh tăng, hoặc chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Có thể làm của để dành

Theo ý kiến của các chuyên gia, với diễn biến dịch bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm, khả năng hiệu quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này sẽ kém khả quan trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, không giống với những lĩnh vực kinh doanh khác, nhóm doanh nghiệp này lại có lợi thế về lượng tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn tương đối lớn, vay nợ thấp.

Có thể kể đến như Cảng Đình Vũ có tới 920,7 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 66,2% tổng tài sản và đặc biệt không vay nợ. Hay như Cảng Hải Phòng có tới 2.571,7 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 44,7% tổng tài sản nhưng chỉ vay nợ là 708,2 tỷ đồng...

Hơn nữa, theo ông Phạm Quốc Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải cho biết, giá dịch vụ bốc xếp container xuất nhập khẩu tại cảng biển nước sâu của Việt Nam đang rất thấp (bằng 45-80%) khi so với những cảng chuyển tải lớn như Hong Kong, Singapore hay Malaysia, Trung Quốc… thậm chí không tương đồng giá với cảng Phnom Penh (Campuchia) - một cảng sông với mức đầu tư không lớn. 

Theo đó, các doanh nghiệp đề nghị tăng giá trong 3 năm liên tiếp (2021 - 2023), mỗi năm 10%, đưa giá bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang sà lan, ôtô, toa xe tại cầu cảng (shipside) bằng 90% giá CY (đưa từ bãi container này sang bãi container khác). Nếu đề nghị được chấp thuận sẽ hỗ trợ lớn cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này.

Thực tế, trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2018 trình Bộ trưởng trong tháng 9/2020 về các vấn đề như tiếp tục tăng có lộ trình đối với giá dịch vụ xếp dỡ container; sửa đổi, bổ sung biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải, sử dụng cầu bến, phao, neo và dịch vụ lai dắt cho phù hợp với thực tế, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước và khắc phục được các vướng mắc hiện nay.

Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành cảng biển dù không mấy nổi bật nhưng luôn giữ được nhịp độ giao dịch ở mức ổn định. Chẳng hạn như cổ phiếu DVP đã duy trì giao dịch tại vùng giá 36.000 đồng/cp kể từ đầu năm đến nay mặc dù cũng có thời điểm cùng với xu thế chung của thị trường, mã cổ phiếu này lao dốc xuống vùng giá 30.000 đồng/cp nhưng cũng rất nhanh chóng lấy lại “phong độ”.

Cổ phiếu TCL cũng duy trì được vùng giá 25.000 đồng/cp trong nhiều tháng qua với thanh khoản ổn định ở mức trung bình hơn 50.000 đơn vị mỗi phiên. Các cổ phiếu khác như PHP, SGP, HAH... cũng có diễn biến tương tự.

Có ý kiến cho rằng, nếu mua cổ phiếu doanh nghiệp cảng biển lúc này, nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với mùa công bố kinh doanh cuối năm không khả quan nhưng lại mở ra cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn lựa chọn cổ phiếu giá tốt so với tiềm lực và nội lực doanh nghiệp.

Bảo Hân

Bạn đang đọc bài viết "Tìm kiếm cơ hội với cổ phiếu ngành cảng biển" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.