1 triệu giao dịch/giây trên thị trường chứng khoán: Tại sao không?

Admin

27/05/2025 12:30

Nhiều sàn giao dịch tài sản mã hoá ở thời điểm hiện tại có thời gian xử lý giao dịch rất nhanh, lên đến 1 triệu giao dịch/giây, đi kèm với nhiều công nghệ phụ trợ. Đây là điều mà các sàn giao dịch chứng khoán nên tham khảo nếu có cơ hội.

Trong bối cảnh nền kinh tế số ngày càng phát triển, thị trường chứng khoán không chỉ là kênh huy động vốn quan trọng mà còn là thước đo "sức khỏe" của nền kinh tế. Tuy nhiên, để thị trường vận hành hiệu quả, niềm tin của nhà đầu tư đóng vai trò then chốt và niềm tin ấy chỉ có thể được củng cố khi tính minh bạch và công bằng được đảm bảo. 

Trước những thách thức về gian lận, thao túng giá và thông tin bất đối xứng, việc ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech), dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp minh bạch thị trường chứng khoán ra sao? Người Đưa Tin (NĐT) có cuộc trao đổi với ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Big Data và AI không đơn thuần là công nghệ

NĐT: Thưa ông, Blockchain, Big Data và AI có thể đóng vai trò như thế nào trong việc nâng cao tính minh bạch và làm sạch thị trường chứng khoán?

Ông Phan Đức Trung: Blockchain, Big Data, AI là các công nghệ đều có thể ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực. Chúng ta không nên gói gọn các công nghệ này là ứng dụng để giải quyết một vấn đề. Trong đó, blockchain sẽ giúp xử lý việc phân tán dữ liệu, gia tăng tính minh bạch của thị trường. Ngoài ra, có rất nhiều thị trường đã ứng dụng công nghệ blockchain để tăng tốc giao dịch, chuẩn hóa dữ liệu.

1 triệu giao dịch/giây trên thị trường chứng khoán: Tại sao không?- Ảnh 1.

Ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Một ví dụ điển hình về việc ứng dụng công nghệ blockchain để tăng tính minh bạch và chuẩn hóa dữ liệu trong thị trường tài chính là việc Hong Kong (Trung Quốc) phát hành trái phiếu kỹ thuật số trị giá 750 triệu USD trên nền tảng blockchain riêng của HSBC mang tên Orion. 

Điều này đã rút ngắn thời gian thanh toán từ năm ngày xuống chỉ còn một ngày, đồng thời giảm thiểu chi phí và tăng tính minh bạch trong quá trình giao dịch. 

Việc sử dụng blockchain trong trường hợp này không chỉ giúp tăng tốc độ giao dịch mà còn chuẩn hóa dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi và xác minh thông tin.

NĐT: Theo ông, cần có những điều kiện gì (về dữ liệu, hạ tầng, chính sách) để ứng dụng Big Data hiệu quả trong quản lý và giám sát thị trường chứng khoán tại Việt Nam?

Ông Phan Đức Trung: Chúng ta có thể lấy ví dụ từ DeepSeek – nền tảng trí tuệ nhân tạo được phát triển trên nền tảng xử lý dữ liệu hiệu quả, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các quỹ đầu tư nội địa. DeepSeek không chỉ là kết quả của một chiến lược đầu tư bài bản vào AI, mà còn là ví dụ điển hình cho cách công nghệ có thể tạo ra giá trị kinh tế thực tiễn khi được triển khai trong một môi trường thông tin được tổ chức tốt và có định hướng lợi nhuận rõ ràng.

Mô hình này cho thấy rằng Big Data và AI không đơn thuần là công nghệ, mà là công cụ mang lại hiệu quả vượt trội nếu được ứng dụng đúng cách và được hỗ trợ bởi chính sách đầu tư hợp lý.

Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa dữ liệu lớn và chính sách điều hành hiệu quả cũng đang mở ra nhiều hướng đi mới. Một ví dụ gần đây là sự xuất hiện của các nền tảng như Robo-advisor – công cụ ứng dụng AI và Big Data để hỗ trợ quyết định tài chính. Người dùng chỉ cần nhập các thông tin cơ bản như mục tiêu tài chính, mức độ chịu rủi ro và thời gian đầu tư, hệ thống sẽ tự động đưa ra danh mục đầu tư tối ưu, thực hiện điều chỉnh định kỳ và tối ưu hóa về thuế. Đây là bước tiến quan trọng trong việc cá nhân hóa và tự động hóa các dịch vụ tài chính, cho thấy tiềm năng to lớn của AI trong lĩnh vực đầu tư.

Tuân thủ quy định cần ưu tiên hơn công nghệ

NĐT: Vậy đâu là rào cản lớn nhất đối với việc ứng dụng Blockchain, Big Data và AI trong thị trường chứng khoán Việt Nam? 

Ông Phan Đức Trung: Những sàn giao dịch tài sản mã hoá ở thời điểm hiện tại có thời gian xử lý giao dịch rất nhanh, đi kèm với nhiều công nghệ phụ trợ. Đây là điều mà các sàn giao dịch chứng khoán nên tham khảo nếu có cơ hội.

Ví dụ như một số sàn giao dịch tiền mã hoá như Coinbase, họ có thể xử lý 200-300 nghìn giao dịch/giây (TPS). Thậm chí, một số sàn khác có thể xử lý lên đến 1 triệu giao dịch/giây. Tốc độ xử lý giao dịch nhanh chóng sẽ thúc đẩy thị trường, cải thiện tần suất giao dịch và khả năng khớp lệnh.

Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý rằng vấn đề liên quan đến quy định luôn phải được ưu tiên trước vấn đề công nghệ. Nếu chúng ta chỉ tập trung giải quyết vấn đề công nghệ mà bỏ qua quy định thì sẽ rất khó trong quá trình thực thi. Đặc biệt, khi ứng dụng Big Data vào thị trường thì cần phải có những quy định chặt chẽ về khai thác và chia sẻ dữ liệu.

1 triệu giao dịch/giây trên thị trường chứng khoán: Tại sao không?- Ảnh 2.

Ứng dụng Big Data vào thị trường cần quy định chặt chẽ về khai thác và chia sẻ dữ liệu.

Big Data giúp xử lý và phân tích khối lượng dữ liệu khổng lồ với tốc độ cao, nhưng nếu không có quy định chặt chẽ về việc khai thác, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu thì rất dễ dẫn đến rủi ro xâm phạm quyền riêng tư, lạm dụng thông tin người dùng hoặc thậm chí thao túng thị trường thông qua phân tích hành vi.

Do đó, cùng với việc nâng cấp hạ tầng công nghệ, cơ quan quản lý cần sớm xây dựng bộ khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, và có thể kiểm soát được việc sử dụng dữ liệu lớn. Việc này không chỉ giúp bảo vệ người dùng mà còn tạo nền tảng để ứng dụng Big Data phát huy tối đa giá trị trong việc tăng hiệu quả vận hành, phát hiện rủi ro hệ thống và hỗ trợ ra quyết định đầu tư.

Nếu thiếu quy định bảo vệ dữ liệu, mọi lợi ích mà Big Data mang lại có thể sẽ bị đánh đổi bằng sự mất an toàn và niềm tin của thị trường.

NĐT: Vậy ông có kỳ vọng gì trong việc ứng dụng công nghệ tài chính, Big Data và AI trong làm sạch, minh bạch thị trường chứng khoán?

Ông Phan Đức Trung: Tôi mong muốn rằng trước khi đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ, chúng ta cần xây dựng được hệ thống luật lệ vững chắc, làm nền tảng cho toàn bộ hoạt động thị trường. Nếu không có quy định rõ ràng, minh bạch về các sản phẩm tài chính, cách thức niêm yết, công bố thông tin, giám sát giao dịch... thì việc ứng dụng công nghệ chỉ mang tính hình thức và có thể dẫn đến hậu quả ngược, như gia tăng rủi ro hay hiểu lầm trong thị trường.

Chứng khoán có vượt 1.300 điểm trong tuần mới?

Chính vì vậy, khi nói đến việc "ứng dụng công nghệ để làm minh bạch thị trường chứng khoán", cần hiểu rằng công nghệ không phải là điểm khởi đầu. Điều cần làm trước tiên là hoàn thiện hệ thống pháp lý, từ đó công nghệ mới phát huy đúng vai trò hỗ trợ thực thi quy định một cách nhanh chóng, hiệu quả và chính xác hơn. Sự kết hợp giữa khung pháp lý mạnh mẽ và công nghệ tốt mới tạo ra một thị trường công bằng, an toàn và phát triển bền vững.

NĐT: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Bạn đang đọc bài viết "1 triệu giao dịch/giây trên thị trường chứng khoán: Tại sao không?" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com; phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.