BÀI TOÁN TỰ CHỦ NGUỒN CUNG, CẦN LỜI GIẢI TỪ NGÀNH MÍA ĐƯỜNG

Admin

21/07/2022 10:31

Các nước sản xuất đường lớn trên thế giới hạn chế xuất khẩu, nguồn cung toàn cầu gặp khó khăn, Việt Nam gặp nhiều thử thách trong việc đáp ứng nhu cầu đường trong nước.

aa-1658373883.jpg

Áp lực về an ninh lương thực, đè nặng các nước châu Á

Thời gian qua, thị trường Đường thế giới thể hiện những diễn biến mang tính phân hoá sâu sắc. Trong khi các quốc gia sản xuất & xuất khẩu đường chủ chốt Thế giới như Ấn Độ, Thái Lan đều đưa ra những mức dự báo sản lượng tích cực thì nhiều quốc gia lại rơi vào tình trạng thiếu hụt đường cục bộ. Có thể kể đến như khủng hoảng đường tại Nga vào tháng 3, hay Hoa Kỳ - một trong những cường quốc về đường củ cải cũng đang dự báo đứng trước nguy cơ thiếu hụt đường.

Một lý do quan trọng được cho là đứng sau sự bất hợp lý của thị trường Đường thế giới là cuộc chiến Ukraina - Nga và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự gián đoạn giữa nguồn cung và các nước tiêu thụ càng bị đào sâu hơn khi nhiều nước tiến hành bảo hộ nông nghiệp với lý do bảo vệ người tiêu dùng nội địa trước lạm phát và đảm bảo an ninh lương thực. Điển hình là trường hợp Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đường từ tháng 5 đến hết tháng 10 năm nay. Ngay lập tức, nhiều nước cũng bị lôi vào làn sóng bảo hộ này như Kazakhstan và Kyrgyzstan.

bb-1658373917.jpg

Báo động đỏ nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu. Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet

Với tình hình nguồn cung đường trên thế giới ngày càng khó khăn, tình trạng thiếu hụt cục bộ đã được ghi nhận tại nhiều nước trong khi nhập khẩu đường không còn dễ dàng như trước.

Quyết tâm tạo sân chơi lành mạnh từ chính phủ

Đối với Việt Nam, ngành Đường là một ngành nông nghiệp truyền thống quan trọng. Ngành này từng đóng vai trò trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực. Do đó, Đường mía một trong những mặt hàng được đặc biệt cân nhắc trên các bàn đàm phán của ATIGA với kết quả là Việt Nam hoãn thi hành hiệp định hai năm đối với sản phẩm này.

Đây là một trong những nỗ lực quan trọng của nhà nước Việt Nam nhằm đảm bảo thực hiện lộ trình hội nhập đầy đủ, đúng theo các cam kết, đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và công bằng lợi ích cho ngành Đường trong nước. Nhờ có thời gian “bù giờ” này, ngành Đường cũng có sự chuẩn bị trước ngưỡng cửa hội nhập.

Sau khi ATIGA có hiệu lực, Bộ Công thương vẫn tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường để đưa ra những giải pháp kịp thời với mục tiêu là tạo sân chơi lành mạnh, thúc đẩy cạnh tranh công bằng. Tháng 06/2021, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan. Đây là động thái cương quyết, đúng luật pháp quốc tế sau khi có đầy đủ bằng chứng về sự bảo hộ của quốc gia này với sản phẩm Đường mía.

Ngay gần đây, khi có dấu hiệu lẩn tránh Phòng vệ thương mại của đường Thái Lan qua các nước ASEAN, Bộ Công Thương đã ngay lập tức vào cuộc điều tra và cho ra dự thảo báo cáo cuối cùng cũng như chuẩn bị áp dụng các biện pháp áp thuế chính đáng nhằm bảo vệ ngành Đường trong nước.

Ngành mía đường phải tự lực, tự cường nhằm giữ tự chủ nguồn cung

Không chỉ tạo ra những lớp phòng vệ chính đáng đối với các sản phẩm đường nguồn gốc nước ngoài, Nhà nước cũng tạo nhiều điều kiện để ngành Đường phát triển nội lực. Một trong số đó là chính sách nhập khẩu máy móc thiết bị nông nghiệp với thuế 0%. Kết hợp cùng sự khuyến khích cánh đồng mẫu lớn, dồn điền đổi thửa nhằm mở rộng quy mô các vùng nguyên liệu. Nhiều hội nghị cũng được Nhà nước và chính quyền các địa phương tổ chức để các chuyên gia góp ý kiến cho sự phát triển của ngành Mía đường.

Theo báo cáo vừa qua của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), các nhà máy đường Việt Nam đã hoàn tất vụ mía niên độ 2021-2022. Sản lượng mía ép lũy kế toàn ngành là 7.523.728 tấn mía, sản xuất thành phẩm 741.666 tấn đường. Trong khi đó, ước tính chỉ riêng thị trường nội địa đã tiêu thụ từ 2,1 – 2,3 triệu tấn đường mỗi năm. Tức sản lượng đường trong nước chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu của thị trường.

33-1658374057.jpg

Cần tiếp tục đi tìm lời giải cho việc thiếu hụt nguồn cung nội địa. Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam bên cạnh hàng trăm triệu người tiêu dùng là hàng loạt ngành công nghiệp khác. Ước tính chỉ riêng nhu cầu tiêu thụ đường nội địa đạt 180 ngàn tấn/tháng đã tạo ra áp lực to lớn lên nguồn cung trong nước vốn sẽ không có bổ sung cho đến vụ ép mới vào cuối năm 2022. Sức ép càng tăng khi ngành sản xuất thực phẩm chuẩn bị mùa cao điểm nhất trong năm nhằm phục vụ các lễ hội lớn, nhu cầu có thể tăng từ 20-30%.

44-1658374193.jpg

Ngành FMCG là một trong những ngành chịu ảnh hưởng mạnh bởi sự thiếu hụt đường. Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet

Đây không chỉ là thách thức mà còn là trách nhiệm và cũng là cơ hội của ngành Đường: phục hồi để trở thành nguồn cung tự chủ, đảm bảo nguồn cung vững chắc cho thị trường trong nước. Muốn tránh phụ thuộc vào đường nhập khẩu, bản thân ngành Đường cần thay đổi để bắt kịp lại tiến trình hội nhập. Khi đó, Nhà nước mới có thể nắm chắc cán cân cung cầu thị trường nội địa cũng như đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia và an sinh cho người dân.