Biết ăn nói chẳng lo thua thiệt

Admin

28/06/2020 06:34

Trong cuộc sống cũng như trong công việc, những người có khả năng diễn đạt tốt thường có mối quan hệ xã hội tốt,  do vậy họ gặp nhiều thuận lợi hơn.

Khả năng diễn đạt tốt không chỉ giúp người ta thành công mà còn mang lại hạnh phúc. Có nghiên cứu cho thấy, những người tính cách vui vẻ, biết ăn nói, thường hài lòng với cuộc sống hơn những người ăn nói vụng về.

Nhưng rốt cuộc, làm thế nào có được khả năng diễn đạt tốt? Trên thực tế, khả năng biểu đạt của tuyệt đại đa số mọi người không hề kém, chỉ là họ chưa biết cách vận dụng. Cuốn "Biết ăn nói chẳng lo thua thiệt" của tác giả Li Jing sẽ giúp bạn xử lý khéo léo các tình huống khó xử.

Được sự đồng ý của Nhã Nam, Zing trích một phần cuốn sách gửi tới độc giả.

Khéo léo áp dụng “chiến thuật sao băng” hóa giải tình huống khó xử

Không khí căng thẳng dễ xuất hiện tranh cãi hoặc bất đồng, điều này không hề có lợi cho giao tiếp. Khi phát hiện ra không khí có xu hướng căng thẳng thì bạn phải chú ý.

Nếu có thể áp dụng một số cách thích hợp, bạn sẽ hóa giải được bầu không khí căng thẳng, thúc đẩy quá trình giao tiếp tiếp tục diễn ra suôn sẻ. Có một cách mà từ xưa đến nay người ta vẫn hay dùng, đó chính là “chiến thuật sao băng”, giúp hóa giải bầu không khí căng thẳng.

Thế nào là “chiến thuật sao băng”? Thật ra, nó chính là việc chuyển chủ đề, thay đổi tâm điểm chú ý và “chữa cháy” cho những tình huống khó xử. Vậy tại sao lại gọi là “chiến thuật sao băng”?

Bởi lẽ khi con người ta muốn phân tán sự chú ý của đối phương thì hay lấy tay chỉ lên trời và hét lên: “Bạn nhìn kìa, đó là sao băng đấy.” Nói như vậy chắc các bạn đã hiểu được phần nào rồi. Trên thực tế, có lẽ bạn cũng thường xuyên sử dụng cách này.

Biet an noi chang lo thua thiet anh 1

Biết cách ăn nói, hầu hết vấn đề sẽ dễ xử lý hơn. Ảnh: BookArchive.

Đặc biệt là khi gặp phải tình huống không được thuận lợi, có thể hóa giải sự lúng túng cho bản thân mình thông qua cách chuyển chủ đề, chuyển sự chú ý của người khác.

Có một bà mẹ dẫn theo đứa con ba tuổi của mình đến cửa hàng tạp hóa mua đồ. Đột nhiên, đứa con hét toáng lên. Thì ra nó nhìn thấy một chiếc xe đồ chơi và muốn mẹ mua bằng được.

Bà mẹ bị đứa con quấy nhiễu không biết phải làm thế nào, chợt nghĩ ra điều gì đó và nói:

“Này, con nhìn xem cái gì kia, có phải là đại lực sĩ không?” Đứa con nín khóc nhìn về phía mẹ chỉ, sau đó ngoan ngoãn để mẹ bế đi. Nếu như con bạn cũng khóc lóc đến mức không dỗ được, còn bạn lại sợ tiếng khóc của con làm ảnh hưởng đến người khác thì cũng có thể dùng cách nêu trên.

Rất nhanh, con bạn sẽ không còn quậy phá khóc lóc nữa. Tất nhiên, đối tượng để bạn áp dụng “chiến thuật sao băng” này không chỉ giới hạn ở trẻ con, trong nhiều trường hợp quan trọng thì cách này vẫn rất hữu dụng.

Thời gian trước, trưởng phòng Giáo vụ ở trường ông Trương nghỉ hưu. Ông Trương là người có hy vọng được tiếp quản vị trí đó nhất. Bởi ông đã năm năm liên tiếp được chọn làm giáo viên giỏi cấp trường. Nhưng một tháng qua đi mà vẫn chưa có thông báo gì.

Biet an noi chang lo thua thiet anh 2

Người biết ăn nói thường xử lý mọi việc mềm mại hơn. Ảnh: HelpGuide.

Ông Trương đến tìm hiệu trưởng và ngầm ám chỉ mấy lần nhưng hiệu trưởng vẫn không có ý kiến. Ông Trương và vợ quyết định mời hiệu trưởng đi ăn cơm rồi nhân tiện hỏi thăm việc đó luôn.

Trong bữa ăn, hiệu trưởng toàn nói chuyện khác, không nhắc nhở gì đến việc bổ nhiệm vị trí mới.

Ông Trương sốt ruột, hỏi khéo: “Hiệu trưởng à! Trưởng phòng Lý nghỉ hưu đã lâu, phía giáo vụ cũng phải có người gánh vác chứ, một mình hiệu trưởng gánh hai chức liền, như vậy vất vả quá, cũng không phải là cách lâu dài”.

Hiệu trưởng mỉm cười rồi nói, “Chuyện này lãnh đạo nhà trường vẫn đang họp thảo luận. Nhưng trường chúng ta đúng là nhiều nhân tài quá nên cũng phải từ từ”.

“Nhưng, xét về tư cách… Hơn nữa, việc quyết định chọn ai chẳng phải là chỉ cần hiệu trưởng nói một tiếng là xong sao?”. Ông Trương hơi bất mãn với lời hiệu trưởng nên nói thẳng luôn.

Hiệu trưởng vừa nghe thấy vậy, sắc mặt thay đổi hẳn, định mắng cho ông Trương một trận. Lúc này, vợ ông Trương nhận thấy không ổn, vội vàng xoa dịu:

“Ôi! Đúng thật là, đàn ông các anh sao đến cả ăn cơm mà cũng nói chuyện công việc vậy! Hôm nay chúng ta chỉ ăn cơm chứ không nói chuyện công. Hai người ăn cơm đi! Anh Trương gắp thức ăn cho hiệu trưởng kìa”.

Ông Trương hiểu ý vợ cũng nhanh chóng rót rượu và gắp thức ăn cho hiệu trưởng. Tiếp đó, ông Trương và hiệu trưởng nói một số chuyện khác trong trường, thỉnh thoảng cũng xuất hiện chút căng thẳng.

Cũng may là vợ ông đều can thiệp đúng lúc, lấy danh nghĩa chúc rượu để giảm bớt không khí căng thẳng, tránh việc hai người gây lộn. Cuối cùng, hiệu trưởng cảm ơn vợ chồng ông Trương đã khoản đãi và cho biết ông rất vui với bữa cơm hôm nay.

Có thể nói, vợ ông Trương là người vô cùng nhanh trí. Bà nhạy bén nhận ra sự thay đổi không khí trong bữa cơm, đồng thời biết cách áp dụng “chiến thuật sao băng” hợp lý để chuyển chủ đề, làm giảm không khí căng thẳng, từ đó giúp hai bên nói chuyện được thuận lợi hơn.

Có những kiểu người vô cùng phiền phức

Trong khi giao tiếp, nếu gặp phải vấn đề nào nghiêm túc hay nhạy cảm khiến hai bên căng thẳng, thậm chí không trò chuyện nổi thì chúng ta có thể dùng đến “chiến thuật sao băng”, tạm thời né tránh vấn đề đó để xoa dịu không khí.

Một ngày nọ, cô Kim đang viết báo cáo thì đồng nghiệp họ Hồng cứ ở trước mặt thao thao bất tuyệt:

“Kim này, cậu biết gì chưa? Phòng mình đã chọn được trưởng phòng mới rồi đấy, chính là tay thạc sĩ quản trị kinh doanh mới đến ý. Cậu nói xem, hắn dựa vào cái gì chứ?

Cậu tốt nghiệp đại học đàng hoàng, lại có bốn năm kinh nghiệm làm việc, làm sao lại thua cái tên thạc sĩ vừa tốt nghiệp kia được chứ? Làm gì có cái lý đó, tớ bất bình thay cho cậu đấy”.

Biet an noi chang lo thua thiet anh 3

Đôi khi cần tinh tế đánh lạc hướng để tránh bị rơi vào những tình huống khó xử. Ảnh: ChurchTeam.

Cô Kim không tỏ ra kinh ngạc hay bất bình gì cả, vẫn chuyên tâm vào công việc, chỉ nói vẻn vẹn mấy câu:

“Vậy à? Tớ phải cảm ơn cậu trước vì đã nhắc nhở tớ. Hồng ạ! Cậu đúng là một người trượng nghĩa. Xem ra tớ vẫn phải nỗ lực làm việc hơn, chứ để người ta mới đến đã vượt mặt như thế thì còn mặt mũi nào nữa. Cậu nói có phải không?”.

Nói đến đây, cô Kim đột nhiên hỏi: “À phải rồi, Hồng ơi, tài liệu hôm qua tớ cần, cậu làm đến đâu rồi?”.

Lúc này cô “Hồng lắm điều” mới ngây người ra một lát rồi đáp, “Ôi! Cậu đợi lát, tớ sẽ đi tìm cho cậu ngay”. Nói xong, cô quay lưng đi ra cửa. Từ ví dụ trên có thể thấy, cô Kim đã biết chuyển chủ đề để tránh phải thảo luận về vấn đề khá nhạy cảm kia.

Trong cuộc sống cũng vậy, chúng ta khó tránh gặp phải những người như cô “Hồng lắm điều”. Họ là những người chuyên tung tin đồn để lôi kéo người khác. Khi giao tiếp với những người này, nếu bạn trực tiếp chặn họng họ thì đối phương sẽ thấy khó chịu, thậm chí còn nghĩ bạn coi thường.

“Đắc tội” với kiểu người này, rất dễ gặp phải những phiền phức không đáng có. Những kiểu người như này, một khi biết được sơ hở của bạn thì sẽ tạo vài tin đồn bất lợi cho bạn, kể cả không gây trở ngại gì lớn, cũng khiến chúng ta không được thoải mái.

Vậy phải làm sao đây? Bạn có thể vờ như không biết về những nội dung mà người đó nói, như kiểu “bịt tai không nghe” nhưng bề ngoài vẫn phải tỏ ra chăm chú lắng nghe, nịnh cho họ vui, rồi chuyển chủ đề khác là được.

Bài học: Trong quá trình giao tiếp với người khác, chẳng may nói đến những vấn đề khiến ta lúng túng thì bạn có thể sử dụng đến chiêu chuyển chủ đề. Ví dụ “Hôm nay không nói chuyện công việc” hoặc là “Không nhắc đến việc này nữa”.

Thật ra, cách chuyển chủ đề này không được lý tưởng cho lắm vì không được tự nhiên, mà khá cứng nhắc. Nếu như bạn định chuyển chủ đề thì tốt nhất là đừng dùng cách nhắc nhở, bằng không sẽ khiến người khác cảm giác không thoải mái.

Hãy thử dùng “chiến thuật sao băng” xem sao, đó là cách rất hữu hiệu giúp chúng ta tránh được những vấn đề khó xử đấy.

Bạn đang đọc bài viết "Biết ăn nói chẳng lo thua thiệt" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP.