Bộ Công Thương: Không có thuỷ điện Đak Mi 4, lũ sẽ vượt mức lịch sử

Admin

02/11/2020 15:27

Bộ Công Thương cho biết, nếu không có thuỷ điện Đak Mi 4 thì hạ lưu sông Vu Gia sẽ lên mức báo động, có thể vượt lũ lịch sử 2009 và không loại trừ xảy ra thảm hoạ.

Theo bộ Công Thương, từ đầu năm 2020, tính trung bình từ ngày 1 - 28/10/2020 lưu lượng lũ về hồ Đak Mi 4 chỉ là 775,57 m3/s. Tuy nhiên, xuất hiện chiều ngày 28/10, đỉnh lũ đã lên tới 15.571,47 m3/s gấp 20 lần so với bình thường. Thuỷ điện Đak Mi 4 đã tích lại hồ được 70 triệu m3 nước, trong khi đó dung tích hữu ích của hồ 158 triệu m3 nước, chiếm 45%.

“Như vậy, nếu không có Đak Mi 4 và quy trình vận hành an toàn, nghiêm ngặt thì vùng Đại Lộc và hạ lưu sông Vu Gia sẽ lên trên mức báo động 3, có thể vượt mức lũ lịch sử năm 2009 vài mét và không loại trừ xảy ra thảm họa”, bộ Công Thương thông tin.

Nêu chi tiết hơn về vấn đề này, thông báo từ các đơn vị chuyên môn của bộ Công Thương cho biết: Ngày 28/10, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay lũ trên sông Vu Gia lên rất nhanh. Mực nước lúc 16 giờ ngày 28/10 trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 7,55m - dưới báo động 2 là 0,25m.

Trong tình huống khẩn cấp đó, để đảm bảo an toàn cho hạ du, công ty Cổ phần Thủy điện Đak Mi - chủ đầu tư công trình thủy điện Đak Mi 4 đã cập nhật, báo cáo kịp thời với UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan để vận hành điều tiết xả nước, cho xả tràn ở mức 5.100 m3/s để có thêm dung tích tiếp nhận nước lũ vào lòng hồ.

Môi trường - Bộ Công Thương: Không có thuỷ điện Đak Mi 4, lũ sẽ vượt mức lịch sử

Công trình nhà máy thủy điện Đak Mi 4, tỉnh Quảng Nam xả lũ.

Chiều ngày 28/10, lượng nước lũ tiếp tục đổ về hồ thuỷ điện ở mức lớn hơn. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, lúc 15h45 ngày 28/10, đỉnh lũ về hồ thuỷ điện Đak Mi 4 đạt mức 15.571m3/s, Thủy điện Đak Mi 4 đã tăng lưu lượng xả tràn lần 2 ở mức 7.074 m3/s.

Với tổng lưu lượng xả qua công trình/lưu lượng đỉnh lũ về hồ là 7.074/ 15.571m3/s, Đak Mi 4 đã cắt được hơn 8.000 m3/s, tương đương trên 50% lưu lượng đỉnh lũ. Cùng thời điểm đó, nhánh sông có thuỷ điện A Vương, Sông Bung 4 đã chủ động điều tiết, hạ mức nước hồ xuống để ứng phó với cơn bão số 9.

Cụ thể, lưu lượng về hồ/lưu lượng điều tiết qua tràn ở thuỷ điện A Vương là 1.156/315 m3/s, cắt giảm trên 800 m3/s, tương đương giảm 72,7% lưu lượng đỉnh lũ. Lưu lượng về hồ/lưu lượng điều tiết qua tràn ở thuỷ điện Sông Bung 4 là 1.769/161, cắt giảm trên 1.600 m3/s, tương đương giảm 90,8%% lưu lượng đỉnh lũ. Lưu lượng về hồ/lưu lượng điều tiết qua tràn ở thuỷ điện Sông Tranh 2 là 9.868/4.386 m3/s, giảm trên 5.400 m3/s, tương đương giảm 55,55% lưu lượng đỉnh lũ.

Dẫn lời các chuyên gia, thông báo của bộ Công Thương cho biết: Nếu không có Đak Mi 4 cùng các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 và và quy trình vận hành an toàn, nghiêm ngặt thì vùng Đại Lộc và hạ lưu sông Vu Gia sẽ lên trên mức báo động 3, có thể vượt mức lũ lịch sử năm 2009 vài mét và không loại trừ xảy ra thảm họa.

Cách mà Đak Mi 4 và một số hồ thủy điện nói trên “gánh” một phần lũ cho hạ du, theo lý giải của bộ Công Thương có thể hiểu rằng, thủy điện là một dạng hồ chứa dùng để điều tiết nước kết hợp với phát điện. Khi mưa lũ, thủy điện có nhiệm vụ tích nước, lượng nước tích lại chính là lượng lũ giảm đi nhờ hồ thủy điện.