Các lãnh đạo toàn thế giới cay đắng nhận bài học xương máu từ Covid-19

23/03/2020 22:03

(Doanhnhan.vn) - Đứng trước sự lây lan nhanh chóng của dịch covid-19 hiện nay, những quyết định đúng đắn, kịp thời của các nhà lãnh đạo đất nước chính là chìa khóa để chiến thắng đại dịch, giúp tình hình dần trở nên ổn định.

Covid-19 có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Nhưng bên cạnh những mặt tiêu cực, thì dịch bệnh cũng mang lại cho chính phủ các nước những bài học giá trị khi phải đối mặt với những khó khăn chồng chất.

Đầu tiên là những thay đổi nhanh chóng trong nhận thức của những người đứng đầu đất nước.

Theo Fox News, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã quay ngoắt 180 độ, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với dịch covid-19. Với dịch bệnh lần này, ngay cả những nhà lãnh đạo có lý trí cũng bị mất cảnh giác. Như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn đến nhà hát bình thường vào ngày 6/3. Chỉ vài ngày sau, khi bộ trưởng văn hóa nước này xét nghiệm dương tính với virus, Macron mới nhận thấy tình trạng nghiêm trọng của dịch bệnh. Một tuần sau, Macron ra lệnh đóng cửa toàn bộ nước Pháp.

Thậm chí, trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở Mỹ như Disney World, sân khấu Broadway, Nhà Trắng... cũng đã đóng cửa nhằm hạn chế sự lây lan của chủng virus này. Thành phố New York, nơi được mệnh danh là thành phố không ngủ cũng phải đóng cửa toàn bộ trường học, nhà hàng từ ngày 16/3. 

Tất cả mọi người đã dần bắt đầu ý thức về việc đồng lòng với các quyết sách từ chính phủ, biết cách tự bảo vệ mình và cộng đồng, để sớm đầy lùi dịch bệnh. Mặc dù lệnh đóng cửa dịch vụ sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của đất nước. Chính phủ cũng đang tính toán đến các phương án hỗ trợ cho họ, sớm trải qua giai đoạn khó khăn này.

Các lãnh đạo toàn thế giới cay đắng nhận bài học xương máu từ Covid-19 - Ảnh 1

 Đường California, một trong những con đường tấp nập nhất San Francisco ngày 18/03

Chắc chắn với tình hình như hiện nay, lệnh đóng cửa toàn bộ đất nước sẽ diễn ra trong thời gian tới, chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Dù thiệt hại về kinh tế, nhưng lệnh đóng cửa sẽ giúp giảm thiểu số ca nhiễm bệnh mỗi ngày tơi 33%.

Những quốc gia áp dụng chính sách đóng cửa biên giới với một số nước sớm như Hongkong, Singapore, thậm chí Hàn Quốc đã cho thấy sự đúng đắn. Dù trước mắt đang phải gánh chịu tổn thất nặng nề về kinh tế, nhưng số người chết cũng như nhiễm mới vì covid-19 đã giảm thiểu rõ rệt. Đây mới là điều quan trọng nhất tại thời điểm này.

Đó cũng chính là bằng chứng xác thực thuyết phục Thủ tướng Anh, ông Vladimir Johnson mở rộng lệnh phong tỏa ra phạm vi toàn quốc để ngăn dịch COVID-19 lây lan vào tối 20/3, dù trước đó, ông Johnson còn khẳng định Anh có thể "lật ngược tình thế" trong cuộc chiến với virus corona chỉ trong 12 tuần.

Hay Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng vậy. Nếu trước đây, khi Mỹ có ca nhiễm virus corona đầu tiên, ông Trump vẫn khẳng định rủi ro sức khỏe đối với người Mỹ là thấp, coi thường mức độ nguy hiểm của dịch covid-19, vẫn khuyến khích người dân "tiếp tục cuộc sống bình thường" thì chỉ mới ngày 16/3, chính ông đã phải thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và quan điểm chống dịch của mình, chuyển sang kêu gọi họ làm việc tại nhà, không tụ tập quá 10 người... Ông còn yêu cầu chính quyền các địa phương đóng cửa trường học, quán bar, nhà hàng... để giảm nguy cơ lây nhiễm. Ở các nước phương Tây như Mỹ, người dân coi trọng tự do và riêng tư, nên có thể nói đưa ra những khuyến cáo như thế không đơn giản với ông Trump.

Theo bà Monica Schoch Spana, một nhà nhân chủng học y tế tại Mỹ, đại dịch không chỉ là hữu hình, nó còn mang theo một cái bóng gọi là đại dịch tâm lý và tổn thương xã hội. Chính vì vậy, những quyết định sáng suốt của Tổng thống Mỹ Donald Trump dù có hơi muộn, nhưng cùng với ý thức của mỗi người dân cũng sẽ giúp nước Mỹ sớm ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh này.

Tình hình của Italy cũng vậy, từ một quốc gia tự tin có thể ngăn cản được covid-19, giờ đây Italy đã trở thành tâm điểm của đại dịch ở Châu Âu và là quốc gia có số ca nhiễm bệnh nhiều thứ hai thế giới. Chỉ mới một tháng trước thôi, với ba ca nhiễm, Italy không hề lo lắng, thậm chí là tự tin rằng Covid-19 sẽ không gây ảnh hưởng gì tới nước này. 

Italy tự tin tới mức, ngày 31/1, Thủ tướng Giuseppe Conte tự hào tuyên bố rằng Italy đang áp dụng hệ thống phòng ngừa nghiêm ngặt nhất châu Âu. Nhưng thực tế, virus đã len lỏi một cách thầm lặng tới miền Bắc Italy trong khoảng giữa tháng 1 và bùng phát vào trong tháng 2. Trước tình trạng này, ngày 10/2, Thủ tướng Giuseppe Conte đã quyết định phong tỏa cả nước đến hết ngày 3/4. Lệnh phong tỏa yêu cầu 60 triệu cư dân hạn chế di chuyển, cấm các sự kiện công cộng, đóng cửa trường học...

Tất cả những ví dụ trên cho thấy, những quyết định cũng như hành động của người đứng đầu nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cũng như tính mạng người dân, có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn bất cứ lúc nào. 

Với dịch covid-19 cũng vậy, sự né tránh ban đầu vì sợ ảnh hưởng đến nền kinh tế của một số cường quốc kinh tế, đặc biệt là các quốc gia châu Âu đã khiến tình hình trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn, rất nhiều ca nhiễm mới và lây lan nhanh chóng, số người chết vì dịch bệnh càng lớn. 

Nếu như Trung Quốc, nơi khởi nguồn của Covid-19 với những hành động, quyết định kịp thời từ chính phủ đã phần nào kiểm soát thành công được đại dịch và giờ đây. Hy vọng rằng, với những bài học rút ra từ Trung Quốc, dù có chậm trễ thì sự sáng suốt, kịp thời, những chính sách, quyết định quan trọng, cần thiết cùng tầm nhìn xa của người lãnh đạo sẽ giúp đất nước sớm vượt qua mọi cuộc khủng hoảng, xoay chuyển tình thế và dần khôi phục nền kinh tế, ngăn chặn được đại dịch covid-19.

Bạn đang đọc bài viết "Các lãnh đạo toàn thế giới cay đắng nhận bài học xương máu từ Covid-19" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.