Bên cạnh những tỉnh, thành phát triển, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều huyện, xã khó khăn với những hoàn cảnh cần sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Trên hành trình giao hàng khắp mọi miền đất nước, đơn vị chuyển phát nhanh BEST Express có cơ hội đi qua nhiều địa phương từ Bắc vào Nam, gặp gỡ không ít trường hợp đáng thương, trong đó có cặp song sinh 6 tuổi Duy và Khánh. Hai em hiện sống cùng ông bà nội tại huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ.
Trong lần đến khảo sát hoạt động trang trí bưu cục BEST Express tại địa phương, chị Phạm Hồng Trang, nhân viên Marketing không khỏi xúc động khi tận mắt thấy những em bé chân đất, mặt mũi lấm lem, nô đùa trước cửa nhà. Nhiều em học sinh phải học bài trên chiếc bàn cũ, những gia đình chen chúc trong căn nhà nhỏ tạm bợ. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, đây là lần đầu Trang bắt gặp những hoàn cảnh đáng thương này. Trong đó, Trang đặc biệt chú ý đến Duy và Khánh, học sinh lớp một trường tiểu học Trung An 1. Hai bé là một trong những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã.
Trong những ngày lưu lại đây, Trang cùng đồng nghiệp thường ghé nhà thăm hỏi, động viên và tặng hai bé những chú gấu bông. Lần đầu nhận quà, Duy - Khánh thích thú, mân mê món quà trông bình thường nhưng lại là niềm ao ước của hai em. Cặp song sinh cũng không quên lễ phép cám ơn Trang và những cô chú khác trong đoàn BEST Express.
Bà Hồ Thị Lợi (bà Bảy) cho biết hai bé bị ba mẹ bỏ rơi nên vợ chồng bà đưa về sống cùng. Ông bà nội tuổi đã ngoài 60, không có thu nhập ổn định. Ông hiện bán vé số dạo, nuôi gia đình bốn người. Bà Bảy mắc bệnh nhồi máu cơ tim, phải uống thuốc mỗi ngày, không còn đủ sức khỏe lao động.
Bé Duy phấn khích khi có cặp mới đi học. Tuy chỉ mới 6 tuổi, nhưng mỗi ngày em và Khánh đều tự đi bộ mất 30 phút đến trường. Sau giờ học, hai em còn chủ động nhặt thêm chai, lọ, giấy vụn... mang bán kiếm thêm, đỡ đần ông bà.
Bé Khánh khoe ảnh chụp lúc trẻ của ông bà nội và ảnh hai anh em hồi sơ sinh. Ở tuổi 60, thay vì được tận hưởng cuộc sống sung túc, vui vầy bên con cháu, nhưng vì hoàn cảnh, vợ chồng bà Bảy thương cháu nên đành gánh nỗi lo cơm áo, nuôi Duy và Khánh ăn học đủ đầy.
“Bình thường nhà không đủ ăn, mọi người trong xóm có giúp đỡ cho gạo, hôm thì cho đồ ăn, mì gói… Bữa ăn hàng ngày của cả nhà chủ yếu dựa vào tiền bán vé số của ông. Nhưng già rồi, không đi nhiều, đi xa được nên cũng không được bao nhiêu. Ngày nào bán nhiều còn có thêm thịt, cá. Ngày nào ít, chỉ có cơm trắng mà ăn. Có hôm còn hết gạo, tôi chỉ biết nấu cháo khoai mì ăn tạm”, bà Bảy cho hay.
Mỗi khi nói về chuyện đi học, Duy và Khánh đều tỏ ra thích thú. “Tụi con thích đi học lắm. Con thích nhất môn Văn. Con mong học giỏi, sau này lớn lên xây nhà đẹp cho ông bà nội ở”, Khánh nói.
Góc học tập của hai em đơn sơ, chỉ có một chiếc bàn dựng tạm. Đây cũng là bàn cũ xin lại từ hàng xóm để hai anh em có chỗ học bài hàng ngày.
Bà Hồ Thị Lợi (bà Bảy) từng định cho Duy và Khánh nghỉ học vì không trang trải nổi. Học phí chỉ được chính quyền hỗ trợ một phần, còn lại ông bà vẫn phải tự lo.
“Cuộc sống khó khăn quá khiến chúng tôi từng muốn bỏ cuộc, cho hai đứa nghỉ học dù biết không học thì khó có tương lai. Nhưng nhờ hàng xóm, chính quyền động viên, giúp đỡ, vợ chồng tôi ráng cho các cháu đi học lại, được lúc nào hay lúc đó”, bà chia sẻ.
Bà nói điều hai người mong nhất lúc này là có đủ sức khỏe chăm lo hai anh em Duy - Khánh đến khi trưởng thành.
Sau chuyến đi về huyện Cờ Đỏ, Trang và đội ngũ BEST Express quyết tâm sớm quay lại cùng những hoạt động hỗ trợ thiết thực hơn, giúp đỡ các em và gia đình.
BEST Express hiện là một trong những doanh nghiệp tích cực thực hiện những chương trình thiện nguyện vì sự phát triển của cộng đồng, nhất là hoạt động hỗ trợ học sinh nghèo trên cả nước. Trong hai năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, đơn vị liên tục đồng hành cùng các địa phương và Quỹ Hy vọng triển khai nhiều chương trình ý nghĩa.
Sau khi tiếp nhận thông tin về những hoàn cảnh khó khăn tại ĐBSCL, BEST Express dự kiến tiếp tục đồng hành cùng học sinh tại đây với hành trình hỗ trợ “Cơm no đến trường”, tặng gạo cho những học sinh hoàn cảnh khó khăn trong khu vực.