Mới đây, khoa Nhi tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận một trường hợp trẻ nhập viện do bị uốn ván rốn sơ sinh. Theo thông tin từ gia đình, mẹ bé không khám thai định kì, sau khi sinh được bà cắt dây rốn tại nhà bằng thanh nứa. 3 ngày sau, bé bỏ bú, có dấu hiệu thở yếu, co giật liên tục.
Hiện tại bé đang được điều trị tích cực tại khoa Nhi song vẫn phải thở máy, dùng thuốc chống co giật, kháng sinh chống nhiễm trùng và truyền dịch nuôi dưỡng hoàn toàn qua đường tĩnh mạch.
Để thông tin rõ hơn về vấn đề này, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Thị Kim Dung (phụ trách khoa Sản, bệnh viện bộ Nông Nghiệp).
Bác sĩ Dung cho biết, những năm gần đây, tỉ lệ trẻ mắc uốn ván sơ sinh có xu hướng tăng cao. Nguyên nhân hầu hết là do cắt dây rốn cho trẻ bằng những dụng cụ không được khử trùng sạch sẽ hay không có sự cho phép của bác sĩ.
Theo bà Dung, việc sinh con tại nhà hay tại những nơi không phải cơ sở y tế công lập hoặc các bệnh viện đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật, nay lại thêm việc cắt dây rốn cho trẻ sơ sinh bằng những vật dụng không đảm bảo vệ sinh y tế là điều hoàn toàn tối kị. “Bà mẹ này đã đẩy lùi những phát triển y học của đất nước về 70 năm trước”, bác sĩ Dung nói thêm.
Do đây là căn bệnh khá nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh nên nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời, tỉ lệ tử vong có thể lên đến hơn 90%. Trẻ sau khi nhiễm uốn ván thường sẽ có dấu hiệu bỏ ăn, không bú mẹ trong khoảng 3-5 ngày, đồng thời thở yếu hơn trước.
Ở giai đoạn khởi phát của bệnh, trẻ thường quấy khóc, bỏ bú hay đói nhưng không bú được và sẽ khóc nhiều hơn. Lúc này, đứa trẻ sẽ có dấu hiệu cứng hàm nếu đè lưỡi xuống. Và chỉ mất từ vài giờ đến một ngày để chuyển từ giai đoạn khởi phát sang giai đoạn toàn phát của bệnh.
Ở giai đoạn toàn phát, hàm sẽ cứng lại rõ hơn và kèm theo dấu hiệu co giật. Trẻ sẽ sốt cao từ 38-41 độ C. Đồng thời, trẻ sẽ bị táo bón, rốn sẽ xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn, có thể xuất hiện thêm mủ thối.
Ở giai đoạn thứ 3, sau khi qua được hai giai đoạn đầu, trẻ sẽ có tiến triển tốt dần và bước vào thời kì lui bệnh. Khi đó mọi cơn co giật sẽ giảm dần và bệnh nhi bắt đầu khóc, ăn được. Sau đó, mất thêm vài ngày để bệnh nhân có thể bú mẹ và từ 1 đến 2 tháng tiếp theo để trương lực cơ trở lại bình thường.
Trong trường hợp người mẹ sinh con ở điều kiện không vô khuẩn hay đẻ rơi mà chưa được tiêm phòng uốn ván trong lúc mang thai thì cần tiêm phòng uốn ván SAT 1.500 đơn vị và tiêm bắp một lần sau sinh.
Bên cạnh đó, bác sĩ Dung cũng khuyến cáo: “Các thai phụ nên đi khám thai định kỳ và tiêm phòng uốn ván đầy đủ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Nếu có dấu hiệu chuyển dạ hay đến ngày sinh, phải lập tức tới ngay các cơ sở y tế công lập để được hỗ trợ sinh con một cách tốt nhất. Tuyệt đối không được sử dụng những vật dụng chưa qua khử trùng để can thiệp vào quá trình sinh nở”.
Bởi theo bác sĩ Dung, tại bệnh viện với đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cùng các vật dụng y tế vô trùng sẽ đảm bảo an toàn tốt nhất nhất cho cả mẹ và bé. “Trước kia những dụng cụ này đều được luộc qua bằng nước sôi. Tuy nhiên ở thời đại y học phát triển, các vật dụng đều được xử lý vô cùng sạch sẽ mà không gây ra bất kì hiện tượng nhiễm trùng nào cho trẻ sơ sinh”, bà Dung nói thêm. Đặc biệt, phần rốn của bé phải được vệ sinh sạch sẽ, tránh tình trạng nhiễm trùng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh, người mẹ trong quá trình mang thai phải tiêm phòng uốn ván từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 5 của thai kì, mỗi mũi cách nhau 1 tháng để con phát triển toàn diện và khỏe mạnh. Trẻ sau sinh sẽ không tiêm ngừa uốn ván nữa mà chuyển sang chích ngừa các mũi khác để phòng bệnh trong những năm đầu đời.
Lê Trà