Chuyển mình để bứt phá, Việt Nam cần “luật chơi” mới cho khu vực công

Admin

15/04/2025 12:13

Theo ThS.Đỗ Thanh Huyền, chuyển đổi số khu vực công có thể là phương thức thay đổi “luật chơi”, là cơ hội để giảm thiểu tham nhũng, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình.

"Kim chỉ nam" cho giai đoạn chuyển mình đầy thách thức

Sáng ngày 15/4, phát biểu tại hội nghị công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024 (gọi tắt là Chỉ số PAPI 2024), PGS.TS. Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, năm 2024 đánh dấu một giai đoạn phục hồi và tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế Việt Nam sau những biến động toàn cầu do đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị thế giới.

“Tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,09% là một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế của khu vực và trên thế giới. Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo và sản xuất xanh”, ông Dương Trung Ý nói.

Chuyển mình để bứt phá, Việt Nam cần “luật chơi” mới cho khu vực công- Ảnh 1.

PGS.TS. Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Đồng thời các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ: Chất lượng giáo dục, y tế và an sinh xã hội được nâng cao. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 2,93%, trong khi tỉ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt trên 94,2%.

“Bên cạnh những thành công kể trên, sự phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2024 vẫn còn không ít hạn chế cần phải khắc phục. Bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả; chất lượng tăng trưởng chưa cao, xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; khả năng tự chủ về công nghệ còn thấp…”, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng chỉ ra.

Theo đó, tất cả những điều đó là một phần kết quả của hoạt động quản lý điều hành của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và sẽ được phản ánh qua chỉ số PAPI - "tấm gương" phản chiếu hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền thông qua "lăng kính" của người dân.

Chuyển mình để bứt phá, Việt Nam cần “luật chơi” mới cho khu vực công- Ảnh 2.

Bà Renée Deschamps - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2025, cuộc cải cách tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng mang dấu ấn lịch sử nhằm khắc phục điểm nghẽn của điểm nghẽn đó là thế chế phát triển đã được Đảng chỉ ra, đó là bỏ cấp huyện, loại bỏ các khâu trung gian, chồng lấn, hướng tới một chính quyền quyền gần hơn, phục vụ người dân tốt hơn.

“Cuộc cải cách lần này chắc chắn còn nhiều khó khăn thử thách, nhưng đây là quyết định tất yếu, không thể không làm nếu muốn Việt Nam phát triển bứt phá, trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu đã đề ra”, ông Ý nhấn mạnh.

Do đó, với vai trò là một tấm gương phản chiếu hoạt động của chính quyền, PGS. TS. Dương Trung Ý cũng đề nghị UNDP tại Việt Nam cần nghiên cứu, thay đổi, bổ sung nội dung tiêu chí và cách thức điều tra cho phù hợp với bối cảnh mới.

Cũng tại đây, bà Renée Deschamps - Đại diện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết Australia đánh giá cao những nỗ lực của UNDP và các đối tác trong nước trong việc xây dựng và phát triển Chỉ số PAPI. PAPI vừa là một công cụ cung cấp bằng chứng phục vụ công tác hoạch định chính sách, vừa là nền tảng để công dân và chính quyền địa phương đối thoại nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương.

“Chỉ số PAPI ngày càng khẳng định sự phù hợp và giá trị đóng góp vào tiến trình tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh của Chính phủ Việt Nam”, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phát biểu.

Đã đến lúc thay đổi “luật chơi” mới

Chia sẻ về những phát hiện từ nghiên cứu Chỉ số PAPI, ThS. Đỗ Thanh Huyền - Nhóm nghiên cứu PAPI cho biết người dân đã có sự hài lòng hơn với hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2024.

Tuy nhiên, sự khác biệt về mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị địa phương vẫn tồn tại giữa các nhóm phân tổ theo giới tính, dân tộc, loại hình hộ khẩu và khu vực sinh sống. Phụ nữ vẫn tiếp tục đánh giá về hiệu quả quản trị thấp hơn nam giới, đặc biệt trong các khía cạnh về sự tham gia và tính công khai, minh bạch trong quá trình ra quyết định ở địa phương. Mức độ hài lòng của người dân thuộc các nhóm dân tộc thiểu số thấp hơn so với người Kinh ở nhiều chiều cạnh.

Đồng thời, người tạm trú, đặc biệt ở các địa phương có lượng người tạm trú lớn, phải đối mặt với nhiều hạn chế trong tiếp cận dịch vụ công. Các địa phương miền núi và vùng cao đạt điểm thấp hơn các địa phương vùng đồng bằng ở các chỉ số đánh giá về sự tham gia của người dân, tính công khai, minh bạch trong việc ra quyết định và quản trị điện tử.

Chuyển mình để bứt phá, Việt Nam cần “luật chơi” mới cho khu vực công- Ảnh 3.

ThS. Đỗ Thanh Huyền - Nhóm nghiên cứu PAPI.

Về quản trị điện tử, mặc dù đã có những bước tiến trên phạm vi toàn quốc, nhưng khoảng cách số vẫn tồn tại, đặc biệt là trong khả năng tiếp cận và sử dụng internet và dịch vụ công điện tử giữa các nhóm nam - nữ, dân tộc Kinh - dân tộc thiểu số, và các khu vực thành thị - nông thôn.

Trong thời gian tới, bà Huyền bày tỏ kỳ vọng chuyển đổi số có thể là phương thức thay đổi “luật chơi” ở các lĩnh vực hành chính công. Đây cũng là cơ hội để giảm thiểu tham nhũng, tăng cường minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình.

“Sự gia tăng đáng kể về tỉ lệ người dân cho rằng tham nhũng là vấn đề hệ trọng trong năm 2024 và sự chú ý của dư luận đối với công cuộc chống tham nhũng đang được Đảng và Chính phủ thực hiện quyết liệt ở cấp quốc gia”, ThS. Đỗ Thanh Huyền nhấn mạnh.

Theo đó, tỉ lệ người dân phải trả chi phí không chính thức hoặc đưa "lót tay" khi sử dụng dịch vụ hành chính công hoặc dịch vụ công đã giảm so với năm 2023. Tuy nhiên, kết quả báo cáo cho thấy, khoảng 22,58% số người trả lời khảo sát cho rằng đây vẫn là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước ưu tiên giải quyết trong thời gian tới, tăng 17% so với năm 2023.

“Tiếp tục phát triển quản trị điện tử, đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm mức độ tương tác của người dân với các đơn vị hành chính công giúp giảm thiểu tham nhũng, tăng cường minh bạch”, bà Đỗ Thanh Huyền trình bày.

Hà Nội nâng cấp mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyếnGiám đốc Sở Nội vụ giải thích thứ hạng PAPI của Hà Nội thấp

Phát biểu tại hội thảo, TS. Edmund J. Malesky cũng chia sẻ gần 40% người được khảo sát cho biết gia đình hoặc cộng đồng của họ đã trực tiếp hứng chịu hậu quả từ các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm qua, tiêu biểu là cơn bão Yagi.

Khảo sát PAPI năm 2024 cho thấy, mối quan hệ phức tạp giữa cảm nhận và trải nghiệm của người dân về thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu và tác động của chúng đến đánh giá về điều kiện kinh tế hộ gia đình. 

"Nhận thức về biến đổi khí hậu và những tác động về thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng rõ nét. Đa số người dân, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc và miền Trung nhận thấy số ngày nắng nóng kéo dài hơn, nhiệt độ trong dịp Tết ấm hơn trong thời gian gần đây", TS. Edmund J. Malesky nói.

Theo đó, bão Yagi đã tác động đáng kể đến cảm nhận và trải nghiệm của người dân trong năm 2024. Những người chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi ưu tiên bảo vệ môi trường hơn tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, có lẽ một phần là do họ đã tận mắt chứng kiến những hậu quả của nạn phá rừng, vốn làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt khi bão Yagi đi qua.

Tại đây, TS. Edmund J. Malesky cũng đưa ra một số đề xuất cần tăng cường khả năng ứng phó với thảm họa, đầu tư kiên cố hóa cơ sở hạ tầng và đảm bảo thực hiện các biện pháp ứng phó phù hợp với đặc điểm của từng vùng, khu vực dân cư để bảo vệ cộng đồng và nâng cao khả năng chống chịu lâu dài trước biến đổi khí hậu.

Thanh Loan - Quỳnh Chi