Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/1

Admin

25/01/2025 06:00

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 23/1 của các công ty chứng khoán.

Các cổ phiếu dự báo trong danh mục cơ cấu ETF kỳ quý I/2025

CTCK MASVN

Hiện tại có 4 quỹ đang sử dụng chỉ số VN30 làm bộ chỉ số tham chiếu gồm có E1VFVN30, FUEMAV30, FUEKIV30, FUESSV30. Với tổng quy mô tài sản ròng ước tính hơn 9,5 nghìn tỷ đồng.

Trong kỳ này, chỉ số VN30 có sự thay đổi về cổ phiếu thành phần khi POW bị loại ra do không đạt đủ điều kiện tiêu chí về vốn hóa. Ngược lại, vốn hóa của LPB hiện đứng thứ 20 trong tập hợp các cổ phiếu đủ điều kiện tham gia sàng lọc, đồng nghĩa LPB sẽ được ưu tiên đưa vào danh mục cổ phiếu thành phần thuộc rổ chỉ số.

Chúng tôi dự báo, LPB sẽ được các quỹ mua vào hơn 15,7 triệu cổ phiếu, ngược lại POW sẽ bị bán ra hơn 2,7 triệu cổ phiếu

Hiện tại có 3 quỹ ETF đang sử dụng chỉ số này tham chiếu VFMVNDiamond, MAFM VNDiamond và BVFVN Diamond. Tuy nhiên, do tỷ trọng của VFMVN Diamond chiếm 95% tỷ trọng giao dịch cho nên chúng tôi chỉ đưa ra dự báo thay đổi cho riêng nhóm quỹ này.

Trong kỳ này, chỉ số VNDiamond không có bất kỳ thay đổi nào về cổ phiếu thành phần và vẫn giữ nguyên 19 mã trong rổ chỉ số.

Chúng tôi ước tính, MBB và OCB là 2 mã cổ phiếu được mua vào nhiều nhất kỳ này với số lượng lần lượt đạt 6,7 triệu và 4,7 triệu cổ phiếu. Ngược lại, VPB và FPT sẽ bị bán ra nhiều nhất với số lượng lần lượt ở mức 1,7 triệu và 1,3 triệu.

Trong kỳ này, chỉ số VNFinlead không có sự thay đổi về thành phần cổ phiếu, chỉ điều chỉnh trọng số tính toán. Chúng tôi dự báo MBB và VIB sẽ được mua vào với số lượng lần lượt là 344 nghìn và 180 nghìn cổ phiếu. Ngược lại, SSI và VND có thể bị bán ra, với số lượng tương ứng là 313 nghìn và 245 nghìn cổ phiếu.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu DRC

CTCK SSI

Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC: HOSE) ghi nhận doanh thu xuất khẩu (chiếm 51% tổng doanh thu quý IV/2024) giảm 13% do việc áp thuế nhập khẩu ở Brazil (áp dụng từ quý II/2023, Brazil chiếm khoảng 44% doanh thu xuất khẩu) và chi phí vận chuyển cao.

Mặc dù doanh thu tại Mỹ tăng (chiếm khoảng 28% doanh thu xuất khẩu) do khách hàng đa dạng hóa nguồn gốc sản phẩm từ Thái Lan sang Việt Nam trước khi Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá (có hiệu lực từ năm nay), nhưng điều này không đủ bù đắp cho sự sụt giảm ở thị trường Brazil. Sản lượng xuất khẩu lốp TBR và lốp PCR giảm xuống còn 131.000 chiếc (giảm 13% so với cùng kỳ) và 36.000 chiếc (giảm 12%).

Doanh thu nội địa (chiếm 49% tổng doanh thu quý IV/2024) phục hồi 24% từ mức thấp trong năm 2023, do năm ngoái các khách hàng của DRC gặp khó khăn tài chính vì tín dụng bị thắt chặt. Tuy nhiên, lốp xe bán trong nước chủ yếu là lốp bias, loại lốp này đang dần được thay thế bởi lốp radial. Do đó, doanh thu nội địa có thể khó duy trì đà tăng trưởng.

Chi phí nguyên liệu tăng mạnh, với chi phí cao su tự nhiên tăng 27% và cao su tổng hợp tăng 19% svck. Ngoài việc chi phí nguyên liệu tăng, DRC còn phải chịu thêm chi phí khấu hao cao hơn khi công suất mới của nhà máy lốp radial đi vào hoạt động. Xin lưu ý, công suất sản xuất mới của nhà máy radial (TBR) bắt đầu hoạt động từ quý I/2024, với tổng giá trị đầu tư là 700 tỷ đồng. Vì vậy, chi phí nguyên liệu và chi phí khấu hao tăng đã làm giảm biên lợi nhuận gộp của DRC (12,6% trong quý IV/2024 so với 18,4% trong quý IV/2023).

Lợi nhuận trước thuế quý IV/2024 giảm còn 73 tỷ đồng (giảm 40% so với cùng kỳ) do giá cao su tự nhiên tăng, chi phí khấu hao từ công suất radial mới và chi phí vận chuyển cao.

Khuyến nghị gần nhất của chúng tôi cho DRC là trung lập. Chúng tôi nhận thấy một số rủi ro giảm đối với ước tính cho năm 2025 và sẽ cập nhật chi tiết trong báo cáo sắp tới.

Bạn đang đọc bài viết "Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/1" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN.