Cổ phiếu DAT tăng hơn 10 lần, ai được hưởng lợi?

Admin

13/08/2020 16:30

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/8, cổ phiếu DAT của CTCP Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản (Trisedco) giao dịch tại mức giá 86.100 đồng/cp, ghi nhận mức tăng trưởng 12,6 lần từ mức giá 6.820 đồng/cp (phiên 18/6). Sau khi tăng phi mã, vốn hóa thị trường của Trisedco đã đạt 3.961 tỷ đồng, tương ứng đẩy P/E của 4 quý gần nhất lên hơn 76 lần.

Trisedco là một trong những công ty liên kết của Tập đoàn Sao Mai, được thành lập vào năm 2008, hoạt động trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản với 3 sản phẩm chính là bột cá, mỡ cá và phụ phẩm.

Kinh doanh không hiệu quả

Giữa đà tăng chưa hẹn ngày dừng lại của cổ phiếu DAT thì kết quả kinh doanh của Trisedco lại đang có diễn biến ngược chiều gây thất vọng.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Trisedco ghi nhận doanh thu 954,8 tỷ đồng, giảm 8,4%; lợi nhuận sau thuế đạt 18,5 tỷ đồng, giảm 31,7% so với cùng kỳ. Đặc biệt, biên lợi nhuận gộp giảm từ 5,4% về còn 4,6% và biên lợi nhuận ròng giảm từ 2,6% về 1,9%.

Năm 2020, doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 40 tỷ đồng, lần lượt giảm 19,8% và 35,8% so với thực hiện năm 2019. Như vậy, có thể thấy, mặc dù kế hoạch kinh doanh đã giảm mạnh, nhưng doanh nghiệp cũng chỉ hoàn thành 46,25% kế hoạch năm.

Thực tế, là một doanh nghiệp chế biến bột cá, mỡ cá từ nguyên liệu phụ phẩm của cá tra phi lê nên tình hình kinh doanh của Trisedco chịu tác động trực tiếp bởi tình hình nuôi trồng và sản xuất của các nhà máy cá tra phi lê.

co-phieu-DAT-tang-tran-lien-ti-4129-5432

Cổ phiếu DAT tăng trần gần 40 phiên liên tiếp nhưng thanh khoản èo uột đang khiến các nhà đầu tư băn khoăn.

Hoạt động sản xuất chỉ chiếm quanh 21 – 23% tỷ trọng doanh thu của Trisedco (theo số liệu từ năm 2017 – 2019), phần còn lại đến từ hoạt động thương mại bột cá. Do đó, mặc dù doanh thu công ty lớn nhưng biên lợi nhuận rất thấp và đang có xu hướng giảm dần.

Tính đến ngày 30/6/2020, tổng tài sản của Trisedco đạt 1.564 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu ngắn hạn chiếm ưu thế với 542,6 tỷ đồng, tương đương 34,7% tổng tài sản. Khoản mục này được ghi nhận tăng trưởng mạnh qua các năm, nếu như năm 2016 chỉ là 273,1 tỷ đồng thì tới nay đã là 542,6 tỷ đồng, tăng 98,7%.

Như vậy có thể thấy, chất lượng tài sản của doanh nghiệp đang nghiêng nhiều về tài sản khoản phải thu - mục nằm bên ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp.

Bên cạnh chất lượng tài sản, một điểm đáng chú ý khác nữa của Trisedco là dòng tiền hoạt động kinh doanh luôn trong trạng thái âm kéo dài từ năm 2016 đến nay. Cụ thể, năm 2016 có dòng tiền âm 19,2 tỷ đồng, năm 2017 âm 125,2 tỷ đồng, năm 2018 âm 23,6 tỷ đồng, năm 2019 âm 39,8 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2020 âm 66,1 tỷ đồng.

Trong khi đó, quy mô nợ vay của doanh nghiệp ngày càng tăng, vượt vốn chủ sở hữu từ năm 2015 đến nay. Hết quý II/2020, tổng nợ vay của Trisedco là 899 tỷ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu.

Dấu hỏi về đà tăng

Nhìn vào những con số tài chính của Trisedco có thể thấy đây không thể là yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu DAT tăng phi mã trong thời gian qua.

Hồi đầu tháng 7, ban lãnh đạo công ty cũng đã có giải trình về việc cổ phiếu tăng trần liên tiếp là do cung cầu thị trường, giá cổ phiếu do các nhà đầu tư quyết định, nằm ngoài kiểm soát của công ty. Ban lãnh đạo Trisedco khẳng định không có sự tác động đến giá giao dịch trên thị trường.

Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý trong giai đoạn tăng phi mã này của cổ phiếu DAT là thanh khoản khớp lệnh từng phiên rất thấp. Trong cả chuỗi 39 phiên tăng trần liên tiếp, chỉ có 4 phiên (13, 22, 27/7 và 10/8) là có số lượng khớp lệnh lên đến hàng nghìn đơn vị, còn lại đều rơi trong khoảng dưới 200 đơn vị, thậm chí đa phần là chỉ có 10,20 cổ phiếu/phiên.

Từ thực tế này cho thấy, lời giải thích trước đó của lãnh đạo công ty là khá mâu thuẫn bởi với khối lượng giao dịch như trên đã thể hiện việc nhà đầu tư không thực sự quan tâm đến cổ phiếu. DAT không thể hấp dẫn được dòng tiền với tình trạng thiếu vắng thông tin tích cực hỗ trợ.

Vậy, ai sẽ được hưởng lợi với đà tăng phi mã của DAT là câu hỏi khó có lời giải đáp. Tuy nhiên, trong giới đầu tư đã xuất hiện những đồn đoán cho rằng, việc cổ phiếu DAT tăng không phải để hấp dẫn dòng tiền mà mục đích chính là “làm đẹp danh nghĩa” cho công ty mẹ là CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia - IDI (mã: IDI).

Tính đến thời điểm hiện tại, vốn hóa thị trường của IDI chỉ là 890 tỷ đồng, trong khi Trisedco lại là hơn 3.900 tỷ đồng, điều này có thể giúp giá trị định giá danh nghĩa của IDI tăng lên. Nếu như doanh nghiệp dùng DAT làm tài sản phát hành trái phiếu, thì có thể tăng giá trị tài sản đảm bảo. Được biết, trong năm 2020, IDI dự kiến huy động 300 tỷ đồng trái phiếu và vay vốn tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, đây chỉ là nhận định của một bộ phận các nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán. Dưới góc nhìn của các chuyên gia chứng khoán, diễn biến giao dịch đẩy giá của công ty này lên cao là một ẩn số, bởi chưa có thông tin tích cực gì nhằm hỗ trợ cho giá cổ phiếu.

Bản thân kết quả kinh doanh như phân tích ở trên cũng cho thấy DAT không phải là cổ phiếu triển vọng cho đầu tư giá trị hay tăng trưởng, ít nhất từ khi có báo cáo bán niên hoặc dự báo đến quý sau và cuối năm. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng khi quyết định “xuống tiền” với cổ phiếu DAT trong thời điểm hiện tại.

Bảo Hân

Bạn đang đọc bài viết "Cổ phiếu DAT tăng hơn 10 lần, ai được hưởng lợi?" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN.