MFS là một trong những cổ phiếu hiếm hoi tăng trần trong phiên 13/1. Ảnh: MobiFone. |
Đóng cửa phiên giao dịch 13/1, VN-Index tăng 5,17 điểm (+0,42%) lên mốc 1.235,65 điểm nhờ sự nâng đỡ của dòng tiền “bắt đáy” chảy vào trong các nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng, xây dựng và công nghệ - viễn thông.
Đáng chú ý, ở nhóm công nghệ - viễn thông, cổ phiếu MFS của CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Mobifone - MobiFone Service trên UPCoM trở thành tiêu điểm khi tăng kịch trần (+14,8%) lên mốc 42.500 đồng/cổ phiếu, đóng cửa ở mức cao nhất nửa năm qua. Nhịp đi lên này cũng giúp vốn hóa thị trường của MobiFone Service có thêm gần 50 tỷ đồng và tiến lên mốc 300 tỷ đồng.
Thanh khoản của MFS trong phiên hôm nay cũng tăng đột biến lên 31 tỷ đồng, gấp 8 lần so với phiên gần nhất. Đây cũng là giá trị thanh khoản cao nhất từ trước đến nay của mã viễn thông này.
Thực tế, cổ phiếu MFS đang được giao dịch tương đối sôi động trong hơn 2 tháng trở lại đây. Diễn biến này xuất hiện trong bối cảnh Tổng công ty Viễn thông MobiFone mới khai trương mạng 5G vào cuối năm ngoái.
Trước đó vào tháng 7/2024, MobiFone đã trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện với khối băng tần C3 (3.800 - 3.900 MHz). Với băng tần mới, MobiFone tập trung vào việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng cần thiết để thương mại hóa dịch vụ 5G và gia tăng khối lượng công việc cho MobiFone Service.
MOBIFONE SERVICE ĐỀU ĐẶN LÃI VÀI CHỤC TỶ ĐỒNG/NĂM | |||||||
KQKD hàng năm của MobiFone Service. Nguồn: BCTC DN. | |||||||
Nhãn | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 | Kế hoạch 2024 | |
Doanh thu thuần | Tỷ đồng | 651 | 710 | 459 | 413 | 397 | 395 |
Lợi nhuận sau thuế | 31 | 31 | 27 | 22 | 20 | 15 |
Mobifone Service được thành lập từ tháng 1/2008, tiền thân là CTCP Dịch vụ kỹ thuật và Hạ tầng mạng thông tin di động với lĩnh vực chính là kinh doanh các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin như cho thuê trạm phát sóng và chăm sóc khách hàng.
Công ty hiện có vốn điều lệ khoảng 70 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Viễn thông Mobifone là cổ đông lớn nhất khi nắm 2,2 triệu cổ phiếu, tương đương 31,26% vốn.
Về tình hình kinh doanh, MobiFone Service lãi đều đặn hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Doanh nghiệp này cũng thường xuyên trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ dao động 15-30%.
Năm 2024, MobiFone Service đặt kế hoạch doanh thu gần 400 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 15 tỷ đồng, giảm lần lượt gần 3% và 26% so với năm trước.
Lãnh đạo Mobifone Service nhận định tình hình năm 2024 còn nhiều khó khăn, doanh thu từ các dịch vụ cốt lõi suy giảm theo xu hướng, mức lương tối thiểu vùng tăng làm tăng mạnh chi phí nhân công. Trường hợp không đạt kế hoạch, công ty đề ra mục tiêu lãi sau thuế tối thiểu khoảng 12,5 tỷ đồng.
Tại Báo cáo bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy Chính phủ của Bộ Nội vụ, Tổng công ty Viễn thông MobiFone dự kiến được chuyển về Bộ Công an quản lý. Tổ chức Đảng của tổng công ty này cũng sẽ trực thuộc Đảng ủy Công an Trung ương.
Tổng công ty Viễn thông MobiFone hiện do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý. Tuy nhiên theo kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ủy ban này sẽ kết thúc hoạt động, đồng thời chuyển quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu Nhà nước với 19 tập đoàn, tổng công ty về bộ ngành quản lý.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.