Đại gia nào đang 'ôm' đất Thanh Hóa?

Admin

27/01/2025 04:07

Sun Group, Vingroup, Flamingo... đều hiện diện tại Thanh Hóa với các dự án hàng trăm, hàng nghìn ha. Có dự án đã vận hành, có dự án vẫn chưa thể triển khai theo kế hoạch.

Khu đô thị Vinhomes Star City của Vingroup tại Thanh Hóa. Ảnh: VIC.

Trong giai đoạn 2018-2020, Thanh Hoá là một trong những thị trường bất động sản sôi động nhất cả nước. Thời điểm đó, hàng loạt "đại gia" địa ốc đổ vốn về đây, đăng ký thực hiện, khởi công các dự án lớn, từ khu đô thị đến khu du lịch, khu du lịch sinh thái, các khu phức hợp... quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng.

Đến nay, một số dự án đã được đưa ra thị trường, một số dự án vẫn chưa triển khai như tiến độ cam kết ban đầu.

Nhiều đại gia, tỷ phú "ôm" hàng nghìn ha đất

Một trong những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn nhất tại Thanh Hóa hiện nay là Sun Group.

Tháng 10/2020, doanh nghiệp này khởi công dự án Quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Sầm Sơn. Dự án có diện tích khoảng 550 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Tại lễ khởi công, đại diện chủ đầu tư cho biết dự án hứa hẹn tạo nên "những công trình chất lượng, đẳng cấp, khác biệt", góp phần đưa Sầm Sơn trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước.

Ngoài dự án này, Sun Group cũng từng được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư dư án Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En tại huyện Như Thanh với quy mô gần 1.500 ha từ năm 2016. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được triển khai vào cuối năm 2016 và hoàn 2 năm sau đó, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện do các vướng mắc trong khâu lập quy hoạch.

Tương tự, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã xuất hiện ở Thanh Hóa từ năm 2018 với dự án khu đô thị Vinhomes Star City thuộc phường Đông Hải và Đông Hương, TP Thanh Hóa. Dự án có quy mô gần 150 ha, tổng mức đầu tư hơn 11.600 tỷ đồng.

vingroup tai thanh hoa,  bds thanh hoa,  gia dat thanh hoa anh 1

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã đầu tư vào Thanh Hóa từ lâu. Ảnh: VIC.

Ngoài Vinhomes Star City, Vingroup còn phát triển dự án Vinhomes Hồ Thành với quy mô gần 57 ha tại trung tâm TP Thanh Hóa, bao quanh khu di tích Hồ Thành (Hạc Thành). Dự án đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 và chấp thuận chủ trương đầu tư, dự kiến ra mắt trong thời gian tới. Bên cạnh các dự án nhà ở, Vingroup cũng sở hữu dự án khách sạn Vinpearl Thanh Hóa tại TP Thanh Hóa.

Trong giai đoạn thị trường bất động sản Thanh Hóa sôi động nhất, năm 2021, CTCP Flamingo Holding Group đã khởi công dự án Flamingo Hải Tiến rộng gần 1.400 ha. Chủ đầu tư giới thiệu dự án là “thiên đường giải trí về đêm", tạo ra “thiên đường” shopping - ẩm thực - giải trí - thể thao biển hấp dẫn với tổ hợp tiện ích được phân bổ quanh tuyến phố đi bộ 2 km.

Tập đoàn T&T của bầu Hiển (doanh nhân Đỗ Quang Hiển) cũng hiện diện tại Thanh Hóa với dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân tại thị xã Nghi Sơn với quy mô gần 85 ha. Chủ đầu tư từng khởi công dự án vào tháng 6/2021, tuy nhiên sau đó gặp vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng. Đến tháng 8/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này, đông thời nâng tổng mức đầu tư từ gần 4.000 tỷ đồng lên 11.096 tỷ đồng.

Cũng tại địa phương này, BRG từng tham vọng đầu tư dự án Khu đô thị ven biển xã Quảng Nham và Quảng Thạch với mô 546 ha. Doanh nghiệp cũng từng đề xuất đầu tư sân golf quốc tế cao cấp rộng hơn 70 ha tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tuy nhiên sau đó tỉnh Thanh Hóa đã không chấp thuận.

TNG Holdings Việt Nam từng ký biên bản ghi nhớ hợp tác, xúc tiến đầu tư với UBND tỉnh Thanh Hóa vào năm 2020, cho biết muốn đầu tư 2 dự án trọng điểm với tổng số vốn hơn 11.000 tỷ đồng. Hai dự án gồm Đầu tư khai thác hạ tầng mở rộng Khu A -Đ tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn (750 ha, vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng) và dự án sân golf kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng TNG Hà Long Golf & Resort, tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TNGreen (420 ha, vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng).

Eurowindow cũng sớm hiện diện tại Thanh Hóa với các dự án như Eurowindow Garden City (7,2 ha), Khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang và xã Hoằng Long, TP Thanh Hóa (17 ha). Với dự án ở Hoằng Hóa và Hoằng Long, chủ đầu tư vẫn chưa thể triển khai sau hơn 4 năm được phê duyệt, chủ yếu do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Bất động sản Thanh Hóa hiện ra sao?

Từng bùng nổ với mức tăng giá bình quân 50-60%/năm song bất động sản Thanh Hóa không nằm ngoài đợt "khủng hoảng" từ giữa năm 2021. Sau gần 2 năm trầm lắng, thị trường bắt đầu có giao dịch trở lại, giá nhích nhẹ từ đầu năm 2024. Tuy nhiên, theo các môi giới cũng như các chuyên gia theo dõi thị trường Thanh Hóa, bất động sản tỉnh này khó quay trở lại thời kỳ sôi động cách đây 5 năm.

vingroup tai thanh hoa,  bds thanh hoa,  gia dat thanh hoa anh 2

Thị trường bất động sản Thanh Hóa có dấu hiệu phục hồi từ đầu năm 2024 nhưng khó quay lại thời kỳ sôi động như 4-5 năm trước. Ảnh: ST.

Nói với Tri Thức - Znews, Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại TP Thanh Hóa cho biết thị trường địa ốc tại tỉnh này "lao dốc" từ năm 2021 do tác động của dịch Covid-19, kinh tế khó khăn cùng các chính sách kiểm soát thị trường của Nhà nước, địa phương. Lúc này, giá các loại đất đồng loạt sụt giảm, đặc biệt là các khu đất có ít giá trị sử dụng, giao dịch đóng băng. Sàn giao dịch của ông từng đóng cửa gần 6 tháng vì không có khách.

Đến đầu năm 2024, thị trường bắt đầu có giao dịch trở lại, giá cũng nhích nhẹ 3-5% so với thời điểm "khủng hoảng". Đến cuối năm ngoái, việc huyện Đông Sơn được sáp nhập vào thành phố Thanh Hóa đã giúp giao dịch tăng nhẹ, giá đất tại huyện này tăng khoảng 10-20% so với giai đoạn đầu năm.

"Đây là điểm nóng đáng kể nhất của thị trường địa ốc Thanh Hóa trong 4-5 năm qua", theo vị này.

Ngoài Đông Sơn, một số khu vực được quan tâm trở lại như vùng ven TP Thanh Hóa, các khu vực quanh các khu công nghiệp Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng. Tuy nhiên, lượng giao dịch vẫn ở mức "bình bình, khó đột biến".

"Được quan tâm trở lại nhưng thị trường chưa thể quay lại giai đoạn sôi động trước đây, chúng tôi tính toán thị trường sẽ đi ngang hoặc duy trì trạng thái ổn định như hiện tại cho đến năm 2030", vị giám đốc chia sẻ.

Một môi giới khác cho hay gần đây Thanh Hóa tổ chức nhiều phiên đấu giá, mức trúng đấu giá cũng tiệm cận mức giao dịch thực tế của thị trường, cho thấy thị trường phát triển ổn định, không có nhiều biến động.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo... Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bạn đang đọc bài viết "Đại gia nào đang 'ôm' đất Thanh Hóa?" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN.