Giá Bitcoin giao dịch quanh mốc 99.200 USD. Ảnh: Reuters. |
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, giá Bitcoin bất ngờ giảm sâu và thủng mốc 100.000 USD trong ngày 27/1. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã giảm 5% trong vòng 24 giờ và đang dao động quanh mốc 99.200 USD, thấp nhất 2 tuần qua.
So với mức cao nhất mọi thời đại thiết lập cách đây 7 ngày, thị giá Bitcoin đã giảm 9%. Nhịp điều chỉnh cũng kéo vốn hóa Bitcoin xuống mốc 1.960 tỷ USD.
Tâm lý FOMO hạ nhiệt
Diễn biến của Bitcoin khiến thị trường tiền mã hóa chao đảo dữ dội. Trong 24 giờ qua, hầu hết đồng tiền mã hóa kế sau ghi nhận biên độ điều chỉnh 2 chữ số, có thể kể đến XRP (-10%), Solana (-11,4%), Dogecoin (-10,7%), Cardano (-10%), Chainlink (-10,2%).
Trên thị trường phái sinh, thống kê từ CoinGlass cho thấy đã có hơn 313.000 tài khoản giao dịch bị thanh lý với tổng mức thiệt hại hơn 860 triệu USD chỉ trong 24 giờ qua. Thậm chí, hệ thống chứng kiến lệnh thanh lý có quy mô gần 100 triệu USD.
Đáng nói, Bitcoin giảm giá chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp, xác định ngành tài sản số là một động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới tại Mỹ.
Hôm 24/1, Tổng thống Trump đã yêu cầu thành lập một nhóm công tác chuyên cố vấn cho Nhà Trắng về chính sách tiền mã hóa. Sắc lệnh này cũng giao nhiệm vụ cho nhóm trong vòng 6 tháng phải đề xuất một khung pháp lý quản lý tài sản số tại Mỹ và đánh giá việc thành lập một kho dự trữ tiền mã hóa.
Tuy nhiên, sắc lệnh không xác nhận việc Mỹ sẽ thiết lập một kho dự trữ Bitcoin, vốn là cam kết mà ông Trump từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Bitcoin giảm hơn 5% chỉ trong 24 giờ. Ảnh: CoinMarketCap. |
“Dù thị trường đã nhận được 90% những gì mong đợi từ sắc lệnh, phần lớn các yếu tố này đã được phản ánh trước trong giá. Việc không có kho dự trữ Bitcoin ngay lập tức là điều khiến thị trường thất vọng”, Sean McNulty, Giám đốc phái sinh khu vực APAC tại FalconX, nhận định.
Thị trường tiền mã hóa phản ứng khá điềm tĩnh sau sắc lệnh này với mức tăng khiêm tốn. Dẫu vậy, Bitcoin đã tăng hơn 50% kể từ chiến thắng bầu cử của ông Trump vào đầu tháng 11/2024.
Từng là một người hoài nghi về tiền mã hóa, ông Trump đã thay đổi lập trường trong giai đoạn tranh cử, một phần do sự tham gia mạnh mẽ của ngành này thông qua các khoản đóng góp chính trị.
Ông cam kết biến Mỹ thành “thủ đô tiền mã hóa” toàn cầu và đã bổ nhiệm nhà đầu tư mạo hiểm David Sacks làm quan chức cấp cao phụ trách trí tuệ nhân tạo và tiền mã hóa vào tháng 12/2024.
Lập trường ủng hộ của Đảng Cộng hòa đối với ngành này được thể hiện rõ ràng trước lễ nhậm chức của vị tân Tổng thống. Ông Trump và phu nhân Melania cũng tung ra các “memecoin” - những token có giá trị nội tại thấp nhưng biến động cao.
“Sau hàng loạt tin tức tích cực như việc bổ nhiệm quan chức ủng hộ tiền mã hóa, đơn xin phê duyệt sản phẩm ETF mới và sắc lệnh hành pháp, thị trường dường như đang tạm nghỉ”, Justin d’Anethan, Giám đốc bán hàng tại công ty tư vấn về phát hành token Liquifi, cho biết.
Áp lực từ thị trường chứng khoán
Trên thị trường truyền thống, chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tuần, bất chấp lo ngại tái diễn về chiến tranh thương mại.
Mặt khác, hợp đồng tương lai của các chỉ số chứng khoán Mỹ lại giảm mạnh trước những lo ngại mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) từ startup DeepSeek của Trung Quốc có thể làm gián đoạn ngành công nghệ, đặc biệt là AI, và dấy lên làn sóng bán tháo trên toàn cầu.
Theo đó, cổ phiếu của Nvidia có thời điểm giảm 9,84%. Tại châu Âu, cổ phiếu các công ty thiết kế chip như ASML và ASM International lần lượt giảm 10,59% và 14,94%. Ở châu Á, các cổ phiếu liên quan đến chip tại Nhật Bản cũng đồng loạt giảm.
DeepSeek đã ra mắt một mô hình ngôn ngữ lớn miễn phí và mã nguồn mở vào cuối tháng 12/2024, đồng thời tuyên bố mô hình này được phát triển chỉ trong 2 tháng với chi phí dưới 6 triệu USD, thấp hơn đáng kể so với các đối thủ ở phương Tây.
Tuần trước, công ty này tiếp tục tung ra một mô hình lập luận được cho là đã vượt quá phiên bản mới nhất của OpenAI trong nhiều bài kiểm tra từ bên thứ 3.
Những tiến triển này đã làm dấy lên nghi ngờ về số tiền khổng lồ mà các công ty công nghệ lớn tại phương Tây đầu tư vào các mô hình AI và trung tâm dữ liệu.
Theo ông Jonathan Yark, nhà giao dịch định lượng cấp cao tại Acheron Trading, những lo ngại này đã lan rộng từ thị trường tương lai sang tài sản số.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.