Đại gia Thái đều đặn nhận hàng nghìn tỷ mỗi năm từ doanh nghiệp Việt

Admin

22/01/2025 04:30

Mỗi năm, các tỷ phú Thái Lan đều nhận về hàng nghìn tỷ đồng tiền cổ tức nhờ lượng lớn vốn nắm giữ tại các doanh nghiệp Việt như Vinamilk, Sabeco, Nhựa Bình Minh, Bao bì Biên Hòa...

Vinamilk, Sabeco đang là "gà đẻ trứng vàng" của các doanh nghiệp liên quan đến tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Ảnh: Bloomberg.

Vinamilk từ lâu đã là khoản đầu tư mang lại lợi nhuận ổn định cho quỹ đầu tư F&N Dairy Investments, với hàng nghìn tỷ đồng cổ tức tiền mặt thu về mỗi năm. Đây là một trong những lý do khiến cổ đông ngoại liên quan đến tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi không ngừng nỗ lực tăng sở hữu tại công ty sữa đầu ngành này.

Mới đây, F&N Dairy Investments vừa đăng ký mua thêm 20,9 triệu cổ phiếu VNM để nâng tỷ lệ sở hữu lên 18,69%.

Trong những năm gần đây, nhóm cổ đông liên quan đến tỷ phú Thái Lan đã liên tục đăng ký mua cổ phiếu VNM để gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk. Tuy nhiên, nhiều lần giao dịch đều diễn ra bất thành, dẫn đến việc quỹ này liên tục đăng ký mua vào trong các đợt sau.

Đều đặn nhận cổ tức nghìn tỷ mỗi năm

Thực tế, F&N đã tiếp cận Vinamilk từ khi doanh nghiệp này cổ phần hóa và bắt đầu sở hữu 5% vốn tại đây từ năm 2005. Tuy nhiên, bóng dáng tỷ phú Thái tại Vinamilk đã rõ nét hơn sau thương vụ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn vào năm 2017.

Hiện tại, F&N Dairy Investments nắm giữ 17,7% vốn Vinamilk, trong khi F&N Bev Manufacturing - một đơn vị khác trong hệ sinh thái của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakd - sở hữu 2,7% công ty sữa Việt Nam. Tổng cộng, nhóm cổ đông liên quan F&N hiện kiểm soát 20,4% vốn Vinamilk, chỉ đứng sau cổ đông Nhà nước (36%). Ước tính, lượng cổ phần Vinamilk trong tay người Thái hiện vào khoảng 1 tỷ USD.

Dù không đủ để chi phối hoạt động, nhóm cổ đông F&N vẫn đều đặn thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm từ Vinamilk do doanh nghiệp này thường xuyên chi trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ cao 35-60%/năm. Kể từ khi hiện diện tại Vinamilk đến nay, ước tính nhóm quỹ liên quan tỷ phú Thái Lan đã bỏ túi hơn 15.000 tỷ đồng cổ tức.

thai lan,  nhua binh minh,  scg,  bao bi bien hoa anh 1

Vinamilk liên tục chia lãi "khủng" cho các cổ đông. Ảnh: VNM.

Trong những năm qua, các tập đoàn lớn của Thái Lan vẫn không ngừng thâu tóm các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.

Nhờ kết quả kinh doanh ổn định với doanh thu và lợi nhuận ấn tượng, các doanh nghiệp này duy trì truyền thống chi trả cổ tức cao và đều đặn mỗi năm, trở thành "gà đẻ trứng vàng" cho các tập đoàn Thái Lan.

Sabeco cũng là một trong những thương vụ M&A đình đám của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi tại Việt Nam.

Cuối năm 2017, Vietnam Beverage, công ty thuộc sở hữu của Thaibev, đã chi gần 5 tỷ USD để mua 343,66 triệu cổ phiếu SAB từ cổ đông Nhà nước thoái vốn, qua đó nắm quyền kiểm soát Sabeco.

Kể từ khi thuộc quyền sở hữu của người Thái, Sabeco đã duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức cao. Trước năm 2017, tỷ lệ cổ tức trung bình của hãng chỉ dao động 20-30%, nhưng từ năm 2017 đến nay, con số này đã tăng lên 35-50% và đều trả bằng tiền mặt.

Điều này giúp cổ đông Thái Lan đều đặn thu về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức mỗi năm. Lũy kế đến nay, Sabeco đã chi trả khoảng 12.000 tỷ đồng cổ tức cho cổ đông Thái Lan.

Dù giá trị cổ phần Sabeco do người Thái kiểm soát đã giảm xuống còn khoảng 1,5 tỷ USD, tỷ phú Charoen vẫn kiên định với tầm nhìn dài hạn. Ông đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam và mở rộng ảnh hưởng sang khu vực Đông Nam Á.

Người Thái liên tục thâu tóm doanh nghiệp Việt

Tại Việt Nam, Nhựa Bình Minh cũng là "gà đẻ trứng vàng" cho các đại gia Thái Lan. Đây là doanh nghiệp có tỷ lệ trả cổ tức hàng năm rất cao, đỉnh điểm lên tới 84% vào năm 2022. Công ty thường xuyên dành toàn bộ lợi nhuận sau thuế hàng năm để chia cổ tức cho cổ đông.

Năm 2018, Nawaplastic Industries, công ty con của Tập đoàn SCG, đã hoàn tất nâng sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên 50,9%. Sau nhiều đợt gom cổ phiếu, tỷ lệ này hiện tăng lên gần 55%.

Từ khi trở thành cổ đông lớn, Nawaplastic đã nhận khoảng 2.300 tỷ đồng tiền cổ tức từ Nhựa Bình Minh.

Tập đoàn SCG cũng đang hiện diện tại CTCP Bao bì Biên Hòa (HoSE: SVI) thông qua công ty con TCG Solutions.

Thành lập năm 1968, Bao bì Biên Hòa là một trong 5 nhà cung cấp bao bì lớn nhất khu vực phía Nam, chuyên cung cấp cho các khách hàng lớn như Unilever, Pepsico, Nestle... Với quy mô 3 nhà máy trực thuộc và công suất đạt 100.000 tấn/năm, doanh nghiệp này duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 20-25%/năm.

Cuối năm 2020, cổ đông Thái Lan đã mua thành công 12,1 triệu cổ phần SVI, tương ứng với 94,11% vốn công ty. Nhờ kế hoạch chia cổ tức luôn duy trì ở mức 2 chữ số, kể từ khi đầu tư vào Bao bì Biên Hòa, tập đoàn Thái Lan đã thu về hàng trăm tỷ đồng cổ tức.

Nhờ thành công từ các thương vụ hiện hữu, Tập đoàn SCG vẫn liên tục mua thêm các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Năm 2021, SCG đã mua 70% cổ phần Nhựa Duy Tân, một trong những doanh nghiệp đứng đầu thị trường Việt Nam về các sản phẩm bao bì nhựa cứng.

Gần nhất, SCG Packaging (SCGP) - thuộc SCG - cũng đã mua lại 70% cổ phần Công ty CP Starprint Việt Nam (SPV), đơn vị chuyên sản xuất bao bì carton.

Ngoài những thương vụ trên, các tập đoàn lớn khác của Thái Lan cũng liên tục trở thành cổ đông lớn hoặc chi phối hàng chục doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

Cuối năm 2021, C.P Việt Nam đã chi hàng trăm tỷ đồng để mua cổ phần của Thực phẩm Sao Ta (FMC) thông qua đợt phát hành riêng lẻ, nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên 24,9% và chính thức trở thành cổ đông lớn.

C.P Việt Nam là công ty con thuộc 100% sở hữu của CP Group - một trong những tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới. CP Group được dẫn dắt bởi tỷ phú Dhanin Chearavanont, người giàu nhất Thái Lan.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.