Ngân hàng được gì khi bán vốn công ty tài chính?

Admin

22/01/2025 04:30

Việc thoái vốn không chỉ giúp các nhà băng "đút túi" khoản lợi nhuận lớn mà còn có thêm nguồn lực tập trung phát triển các mảng kinh doanh cốt lõi.

Hàng loạt thương vụ bán vốn trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng diễn ra gần đây. Ảnh: FE Credit.

Trong thông báo mới đây, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã chính thức chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) cho AEON Financial, một thành viên của Tập đoàn AEON đến từ Nhật Bản.

Thương vụ có giá trị lên đến 4.300 tỷ đồng. Hợp đồng chuyển nhượng được ký kết vào tháng 10/2023, và đến tháng 1 năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phê duyệt thương vụ.

Ngân hàng đồng loạt bán vốn công ty tài chính

Trước SeABank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã ký kết chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ tại công ty tài chính SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri), một thành viên của Tập đoàn MUFG đến từ Nhật Bản.

Thương vụ này có giá trị khoảng 156 triệu USD và được thực hiện theo hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu đã hoàn tất vào tháng 5/2023, phần còn lại dự kiến hoàn thành trong vòng 3 năm tiếp theo. Đến cuối năm ngoái, đối tác Krungsri đã có đề nghị với SHB về việc muốn mua trước hạn 50% vốn điều lệ còn lại của SHBFinance. HĐQT SHB sau đó đã công bố nghị quyết thông qua việc bán/chuyển nhượng 50% phần vốn còn lại tại SHBFinance cho đối tác.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã thực hiện một trong những thương vụ bán vốn lớn nhất lịch sử ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, khi bán 49% cổ phần tại FE Credit cho Tập đoàn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản. Thương vụ có giá trị lên đến 1,4 tỷ USD, được hoàn tất vào cuối tháng 10/2021.

Hay Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Tài chính Techcom Finance cho Lotte Card, một đơn vị thuộc Tập đoàn Lotte đến từ Hàn Quốc. Thương vụ này được hoàn tất vào năm 2018 với giá trị gần 87 triệu USD.

thoai von anh 1

VPBank vẫn đang giữ kỷ lục trong ngành tài chính tiêu dùng với thương vụ bán vốn trị giá 1,4 tỷ USD tại FE Credit. Ảnh: VPB.

Với thương vụ chuyển nhượng nói trên, SeABank cho biết đây bước đi chiến lược nhằm tái cơ cấu hoạt động và tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng. Trong khi SHB cho rằng việc hợp tác với đối tác ngoại không chỉ giúp ngân hàng tập trung vào các mảng kinh doanh chiến lược mà còn tạo cơ hội cho SHB Finance phát triển nhanh chóng nhờ nguồn lực quốc tế.

Với thương vụ bán vốn FE Credit cho đối tác Nhật, CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết với nguồn vốn và kinh nghiệm từ SMBC, FE Credit không chỉ củng cố vị thế là công ty tài chính tiêu dùng đứng đầu Việt Nam mà còn có cơ hội mở rộng dịch vụ, áp dụng công nghệ hiện đại và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Thương vụ này cũng giúp VPBank thu về một khoản vốn lớn để đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và tiềm năng khác.

Ngoài các thương vụ nêu trên, hiện thị trường vẫn đang chờ đợi một số thương vụ thoái vốn khác trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng của các ngân hàng thương mại. Đơn cử MSB đang tiến hành kế hoạch bán Công ty tài chính TNEX Finance. Được biết, đã có 3 nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) quan tâm tới công ty tài chính này.

Mở rộng kinh doanh

Thực tế, việc bán vốn tại các công ty tài chính đã mang lại nguồn lực rất lớn cho các ngân hàng mẹ. Như trường hợp của VPBank, sau thương vụ lịch sử cuối năm 2021, nhà băng này đã thu về 1,4 tỷ USD bổ sung vào vốn chủ sở hữu.

Ngay năm 2021, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng này đã đạt gần 38.000 tỷ đồng, cao gấp 4 lần năm liền trước. Đây cũng là mức lợi nhuận riêng lẻ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của nhà băng này.

Đóng góp lớn vào khoản lợi nhuận riêng lẻ tăng mạnh kể trên là lãi từ hoạt động đầu tư và thoái vốn tại công ty con với trên 24.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng thương vụ chuyển nhượng vốn tại FE Credit mang về hơn 20.000 tỷ.

Nhờ khoản lợi nhuận "kếch xù" từ giao dịch kể trên, VPBank đã chuyển hướng từ mô hình ngân hàng cho vay sang tập đoàn tài chính. Theo đó, ngoài ngân hàng mẹ, VPBank đã đẩy mạnh phát triển ngân hàng số (VPBank NEO, Cake), mua lại Công ty chứng khoán ASC (đổi tên thành VPBankS) rồi tăng mạnh vốn lên 15.000 tỷ đồng, chi hàng trăm tỷ đồng mua đứt Công ty Bảo hiểm OPES...

Với thị trường cho vay tiêu dùng nói chung, dù gặp nhiều khó khăn những năm qua, các công ty tài chính vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của người dân, đặc biệt là ở phân khúc khách hàng dưới chuẩn ngân hàng.

Theo thống kê, các công ty tài chính hiện nắm khoảng 13% thị phần tổng dư nợ cho vay tiêu dùng toàn thị trường, trong khi phần còn lại thuộc về các ngân hàng thương mại.

Số liệu từ FiinGroup cho thấy đến cuối tháng 9/2024, tổng dư nợ của các công ty tài chính tiêu dùng trên toàn thị trường đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023. Các công ty lớn như FE Credit, Home Credit, HD Saison và MCredit chiếm phần lớn thị phần trong lĩnh vực này.

Báo cáo mới nhất từ Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy tăng trưởng GDP ở mức khá cao và thu nhập hộ gia đình cải thiện sẽ thúc đẩy nhu cầu tài chính tiêu dùng tăng đáng kể.

Điều này giúp các công ty tài chính vẫn có nhiều dư địa phát triển, đặc biệt là trong việc cung cấp sản phẩm vay nhanh, không cần thế chấp, phù hợp với các khách hàng không có tài sản đảm bảo hoặc thu nhập không ổn định.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.