Đại gia Việt bị cuốn bay hàng nghìn tỷ đồng sau một tuần

Admin

13/04/2025 20:11

Thị trường chứng khoán rung lắc chưa từng có khiến hàng loạt doanh nhân như ông Trần Đình Long, ông Hồ Hùng Anh, bà Trương Thị Lệ Khanh mất hàng nghìn tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại một trong những tuần giao dịch biến động nhất lịch sử với những cú rung lắc mạnh mẽ dưới tác động của chính sách thuế quan mới từ Mỹ.

Chỉ trong vài phiên, VN-Index liên tục đổi chiều, ghi nhận cả phiên giảm sâu lẫn phiên tăng mạnh nhất từ trước đến nay. Biến động dồn dập này khiến tài sản của nhiều tỷ phú Việt Nam "nhảy múa" theo từng nhịp giá.

Các tỷ phú thiệt hại nặng nề

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát trải qua một tuần đầy biến động theo hướng tiêu cực, trở thành một trong những mã có hiệu suất tệ nhất trên sàn HoSE.

Kể từ ngày 3/4, HPG liên tiếp rơi vào trạng thái bán tháo với 3 phiên giảm sàn cùng một phiên điều chỉnh gần 3%. Đà rơi của cổ phiếu này chỉ chững lại khi các thông tin tích cực từ phía chính quyền Mỹ xuất hiện, giúp thị trường hồi phục phần nào trong 2 phiên cuối tuần. Dù kịp thời bật tăng trần trở lại, mức hồi này không đủ để bù lại thiệt hại của HPG cả tuần.

Kết thúc tuần giao dịch, thị giá HPG vẫn giảm tổng cộng 11%, rơi xuống 24.300 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất kể từ đầu năm. Diễn biến tiêu cực này khiến vốn hóa thị trường của Hòa Phát "bay hơi" hàng chục nghìn tỷ đồng, còn khoảng 155.400 tỷ đồng, tụt xuống vị trí thứ 8 trong danh sách những doanh nghiệp giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn HoSE.

tai san ty phu viet,  ba chu vietjet air,  chu tich vingroup anh 1

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long mất hơn 4.700 tỷ đồng tuần qua. Ảnh: HPG.

Tài sản của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long bị ảnh hưởng nặng nề. Với lượng cổ phiếu HPG khổng lồ đang sở hữu, ông Long đã chứng kiến tài sản cá nhân "bốc hơi" hơn 4.700 tỷ đồng chỉ trong một tuần, hiện còn khoảng 39.000 tỷ đồng.

Cùng chung hoàn cảnh, bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Long) cũng mất 1.300 tỷ đồng, giảm tổng giá trị danh mục xuống còn 10.700 tỷ đồng.

Trong khi đó, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cùng gia đình ghi nhận khoản thiệt hại gần 1.600 tỷ đồng chỉ trong vài phiên, khi cổ phiếu TCB liên tục điều chỉnh về mức 26.600 đồng/cổ phiếu. Hiện ông Hùng Anh và vợ là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nắm giữ gần 427 triệu cổ phiếu TCB, chiếm hơn 6% vốn ngân hàng.

Đáng chú ý, 3 người con của ông là Hồ Anh Minh, Hồ Thủy Anh và Hồ Minh Anh hiện sở hữu khoảng 833,3 triệu cổ phiếu TCB, tương đương 11,8% vốn. Tính tổng thể, gia đình ông Hồ Hùng Anh đang nắm trong tay khoảng 1,26 tỷ cổ phiếu TCB, với tổng giá trị còn lại vào khoảng 33.500 tỷ đồng sau cú sụt giá.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, người đứng sau Vietjet và HDBank, cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.

Với lượng cổ phiếu VJC và HDB nắm giữ, bà Thảo hiện sở hữu khoảng 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ trong 6 phiên giao dịch gần nhất, danh mục này đã "bốc hơi" 700 tỷ đồng, chủ yếu do diễn biến tiêu cực từ nhóm cổ phiếu tài chính và hàng không.

Không chỉ các tỷ phú đầu ngành chịu thiệt hại, làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán tuần qua cũng cuốn theo khối tài sản khổng lồ của nhiều đại diện tiêu biểu khác trong giới doanh nhân Việt.

tai san ty phu viet,  ba chu vietjet air,  chu tich vingroup anh 2

Tài sản của "nữ hoàng" cá tra giảm hơn 1.300 tỷ đồng. Ảnh: VHC.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Vĩnh Hoàn, giảm hơn 1.300 tỷ đồng tài sản do giá cổ phiếu VHC lao dốc 22% trong giai đoạn vừa qua. Với gần 95 triệu cổ phiếu VHC đang nắm giữ, tài sản của bà Khanh hiện còn khoảng 4.700 tỷ đồng.

Vĩnh Hoàn, với tỷ trọng doanh thu xuất khẩu lớn, đang chịu tác động mạnh từ chính sách thuế mới của Mỹ. Đây là yếu tố khiến nhà đầu tư lo ngại và gây sức ép lên cổ phiếu ngành thủy sản.

Danh sách những người bị ảnh hưởng cũng có ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT. Ông Bình hiện nắm hơn 102 triệu cổ phiếu FPT, tương đương 6,08% vốn doanh nghiệp.

Hơn một tuần qua, giá trị tài sản của ông giảm 357 tỷ đồng, còn 12.000 tỷ đồng, dù có thời điểm trong tuần từng mất gần 2.000 tỷ đồng trước khi cổ phiếu FPT hồi phục nhẹ.

Ông Phạm Nhật Vượng khác biệt

Giữa tâm bão, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng nổi bật như điểm sáng hiếm hoi trên thị trường khi quy mô tài sản cá nhân tiếp tục tăng trưởng mạnh. Riêng 691 triệu cổ phiếu VIC trực tiếp nắm giữ (tương đương 18,08% vốn Vingroup) đã giúp ông Vượng "bỏ túi" thêm hơn 3.200 tỷ đồng trong tuần qua, nâng tổng tài sản lên khoảng 45.000 tỷ đồng.

tai san ty phu viet,  ba chu vietjet air,  chu tich vingroup anh 3

Cổ phiếu VIC lội ngược dòng ấn tượng. Ảnh: TradingView.

Bà Phạm Thu Hương, vợ ông Vượng, đang giữ chức Phó chủ tịch Vingroup, cũng hưởng lợi từ đà tăng của cổ phiếu VIC. Với 170,6 triệu cổ phiếu đang nắm giữ (4,46% vốn điều lệ), tài sản của bà Hương đã tăng thêm 800 tỷ đồng, đạt mốc 11.100 tỷ đồng.

Theo cập nhật từ Forbes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng vừa lần đầu cán mốc 8 tỷ USD, tăng 23% so với năm ngoái, tương đương thêm 1,5 tỷ USD, qua đó vươn lên vị trí thứ 362 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.

Trong bối cảnh nhiều cổ phiếu lớn bị bán tháo hàng loạt, VIC lại thể hiện khả năng chống chịu ấn tượng. Đặc biệt trong hai phiên cuối tuần, mã này tăng trần liên tiếp, dừng ở mức 65.100 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong vòng 19 tháng.

Vốn hóa của Vingroup nhờ đó tăng vọt lên gần 249.000 tỷ đồng, giữ vững vị thế doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa lớn nhất trên sàn và xếp thứ ba toàn HoSE, chỉ sau Vietcombank và BIDV.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.