ĐBQH nói "phải hành động" khi hàng giá rẻ qua Temu đang đổ bộ Việt Nam

24/10/2024 20:30

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần phải tăng cường kiểm soát với các sàn thương mại điện tử khi vào Việt Nam nhằm tránh thất thu thuế, đảm bảo công bằng, minh bạch với các doanh nghiệp trong nước.

Thời gian qua, các nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới như Temu, Shein... ồ ạt bán hàng giá rẻ vào Việt Nam đã đặt ra các vấn đề trong công tác quản lý thương mại điện tử.

Bên hàng lang Quốc hội ngày 24/10, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp.Hồ Chí Minh) đánh giá việc hàng hóa giá rẻ tràn vào Việt Nam qua thương mại điện tử đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Nhấn mạnh thương mại điện tử là xu thế của thời đại, Việt Nam không thể đứng ngoài, song ông Ngân cho rằng, việc việc kiểm tra, giám sát, chưa có đầy đủ các quy định để quản lý thương mại điện tử có thể gây thiệt hại lớn cho kinh tế - xã hội trong nước.

ĐBQH nói "phải hành động" khi hàng giá rẻ qua Temu đang đổ bộ Việt Nam- Ảnh 1.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Ảnh: Hoàng Bích).

Theo đại biểu Ngân, giá rẻ ở trên các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein chưa hẳn do sự tiến bộ của khoa học công nghệ, quy trình sản xuất khiến giá thành hạ, mà có thể do phía nhà bán hàng không phải chịu các loại thuế, hay nói cách khác là trốn thuế.

Khi các loại hàng hóa không đóng thuế, hạ giá bán để ồ ạt vào Việt Nam, sẽ tác động đến các ngành sản xuất trong nước, thiếu sự công bằng đối với các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Thương mại điện tử giúp người dân dễ tiếp cận trong mua hàng, nhưng cũng đặt ra các vấn đề về thất thu thuế, thiếu công bằng trong sản xuất kinh doanh", đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước gặp bất lợi so với các nhà bán hàng nước ngoài, cạnh tranh không công bằng, ông Trần Hoàng Ngân cho biết đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, thậm chí phải đóng cửa.

"Chúng ta khuyến khích thương mại điện tử nhưng có phải kiểm soát chặt chẽ để chống gian lận thương mại, trốn thuế, đảm bảo sự công khai, minh bạch, tạo sự công bằng đối với sản xuất nội địa", ông Ngân nêu quan điểm.

ĐBQH nói "phải hành động" khi hàng giá rẻ qua Temu đang đổ bộ Việt Nam- Ảnh 2.

Hàng giá rẻ đang đổ bộ vào Việt Nam qua sàn thương mại điện tử Temu.

Theo ông Ngân, cho biết hiện nay ở nhiều công sở, cơ quan làm việc, xuất hiện các "sạp hàng" do phía đơn vị giao hàng vận chuyển đến, chỉ cần một cuộc gọi là người mua xuống cổng để nhận hàng, rất tiện lợi. Song ông Trần Hoàng Ngân đặt vấn đề cần tuyên truyền để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.

"Với tâm lý người mua hàng, nếu có mức giá rẻ, lại đúng mặt hàng mình đang mong muốn thì sẽ lựa chọn. Tuy nhiên người mua cũng cần lưu ý đến các vấn đề về chất lượng, về đảm bảo công bằng trong kinh doanh", đại biểu Trần Hoàng Ngân nhìn nhận.

Khi hàng hóa giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam, cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp trong nước, ông Trần Hoàng Ngân lo ngại nguy cơ doanh nghiệp gặp khó khăn, đóng cửa, dẫn đến thiếu việc làm. "Chúng ta cần có cảnh báo mạnh hơn, cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, quản lý thuế", ông Ngân đề nghị.

Ông Ngân cho rằng cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, của các nhà sản xuất trong nước, tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng.

"Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu các quy định pháp luật chưa đầy đủ, cần kiến nghị, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung. Hiện nay tinh thần của Quốc hội đổi mới trong xây dựng thể chế, kiến tạo không gian phát triển mới", đại biểu đoàn Tp.Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Thu hẹp khoảng cách số nhờ thương mại điện tử“Rầm rộ” rủ nhau cài đặt ứng dụng Temu để hưởng hoa hồng lên tới hàng chục triệu đồng/ngày

Bên cạnh đó, cần có các giải pháp về hàng rào thuế quan nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ lẻ trong nước. Về phía các doanh nghiệp trong nước, cần nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh để ứng phó với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng "chúng ta phải hành động" để tránh những tác động lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Các giải pháp về hàng rào kỹ thuật, thương mại, thuế như đề cập ở trên cần được sớm nghiên cứu, triển khai.

"Nói như vậy không phải chúng ta ngăn cấm, cản trở thương mại điện tử, mà các giải pháp đó để đảm bảo sự công bằng, cạnh tranh bình đẳng trong sản xuất kinh doanh. Việc này vừa bảo vệ doanh nghiệp trong nước nhưng cũng tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp nước ngoài", đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Tháng 6/2024, thẩm tra về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua.

Tại Việt Nam, hàng ngày có trung bình 4 - 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok… Nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay, giải trình cơ sở pháp lý của Quyết định số 78/2010 của Chính phủ.

Cùng quan điểm, thảo luận hội trường tại Quốc hội về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) đề cập đến quy định về định mức miễn thuế nhập khẩu theo pháp luật về thuế nhập khẩu cũng là đối tượng được miễn thuế giá trị gia tăng.

Theo ông Ấn, trung bình có khoảng 4-5 triệu đơn hàng một ngày và mỗi đơn hàng chỉ có từ 100.000 đến 300.000 đồng nhưng tính ra là một số lượng rất lớn, 45 triệu đến 63 triệu USD trung bình một ngày. Một tháng có đến 1,3-1,9 tỷ USD thì đó là con số không nhỏ.

"Nếu miễn thuế nhập khẩu và VAT, chỉ nên miễn trong trường hợp hàng hóa giá trị nhỏ được mang theo người khi nhập cảnh qua cửa khẩu", ông Ấn đề xuất.