Đề xuất thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư

05/07/2024 09:13

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề nghị xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành của Việt Nam được đánh giá là cạnh tranh; nhờ đó, cùng với các thế mạnh như: tình hình kinh tế chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, vị trí địa lý chiến lược, chi phí sản xuất cạnh tranh, nguồn lao động dồi dào, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực, thị trường tiềm năng…, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), với việc dòng vốn FDI liên tục tăng qua các năm.

Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới, trong khi FDI trên toàn cầu có xu hướng giảm. Năm 2021, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì sự ổn định và vượt mốc 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong năm 2022, Việt Nam cũng đã thu hút gần 30 tỷ USD, dù giảm so với cùng kỳ nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch. Năm 2023, vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 39,4 tỷ USD, tăng 34,5% so với năm 2022, đây là mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2018 – 2023.

Kinh tế vĩ mô - Đề xuất thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư

Năm 2023, vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 39,4 tỷ USD, tăng 34,5% so với năm 2022 (Ảnh: Phạm Tùng).

Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi đầu tư còn một số hạn chế như chính sách ưu đãi đầu tư còn thiếu tính đa dạng và cạnh tranh do chủ yếu là ưu đãi thuế dựa trên thu nhập mà chưa có các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí. Đặc biệt với việc ra đời của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, các ưu đãi dựa trên thu nhập sẽ không đem lại ý nghĩa với các dự án đầu tư quy mô lớn.

Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đã được quy định như tại Điều 18 Luật Đầu tư nhưng chưa được quy định thống nhất và đồng bộ với pháp luật về ngân sách nhà nước nên không thể thực thi trong thực tế.

Chính sách chưa bắt kịp với các chính sách tiên tiến, thông lệ quốc tế. Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang triển khai các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí để khắc phục các nhược điểm của hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập.

Ưu đãi dựa trên chi phí đã rất phổ biến và là các thông lệ hàng đầu trên thế giới trong nhiều năm qua ở các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… và cũng đang trở thành xu hướng trong phát triển chính sách ưu đãi tại các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan…

Chính sách chưa phù hợp với yêu cầu trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, đặc biệt với việc ra đời của chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu.

Căn cứ đánh giá nêu trên, việc xây dựng chính sách hỗ đầu tư mới là cần thiết và phù hợp nhằm tăng tính hiệu quả của hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành, khắc phục những hạn chế, bất cập chính sách đầu tư hiện có; nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam và tập trung thu hút đầu tư theo đúng định hướng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội, cạnh tranh quốc tế.

Đồng thời, việc xây dựng Nghị định này là bước nối tiếp từ đề xuất xây dựng chính sách do Chính phủ trình Quốc hội năm 2023 và đã được Quốc hội quyết nghị giao Chính phủ xây dựng Nghị định quy định các biện pháp cụ thể tổ chức thi hành chính sách này. Để đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định.

Mục đích ban hành Nghị định nhằm ổn định môi trường đầu tư; đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần đặc biệt khuyến khích đầu tư.