![]() |
Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long phát biểu khai mạc phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Ảnh: Minh Khánh. |
Sáng 17/4, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2025. Ngay từ sớm, hội trường của Khách sạn Melia Hanoi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã chật kín chỗ ngồi với hàng trăm người tham dự.
Nông nghiệp có tỷ suất lợi nhuận cao nhất
Chia sẻ về mảng nông nghiệp - lĩnh vực từng được xem là ngoài “vùng chuyên môn” của Hòa Phát, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết: “Chúng tôi xuất thân từ phố phường, không tiếp xúc nhiều với nông nghiệp. Khi mới bắt tay vào làm, nhiều người nói Hòa Phát không làm được”.
Tuy nhiên, sau nhiều năm kiên trì đầu tư, Chủ tịch Hòa Phát khẳng định nông nghiệp là mảng có tỷ suất lợi nhuận cao nhất của Hòa Phát trong năm 2024, thậm chí còn vượt cả nhiều doanh nghiệp chuyên làm nông nghiệp lâu năm.
Tỷ giá khó lường, giới hạn dưới 20% để giảm rủi ro
Nói về vấn đề tỷ giá, Tổng giám đốc Hòa Phát Nguyễn Việt Thắng nhận định USD đang có những diễn biến khó lường. Trong trường hợp xảy ra các bất lợi liên quan đến thuế quan, cán cân thương mại có thể chịu tác động, từ đó gây áp lực lên tỷ giá.
Trước biến động này, Hòa Phát lựa chọn cách điều hành linh hoạt, theo dõi sát diễn biến để kịp thời có biện pháp phòng ngừa rủi ro.
“Hiện nay, Hòa Phát xuất khẩu khoảng 20% sản lượng. Nếu tỷ giá tăng, điều đó có thể đẩy giá thành lên. Việc có thể đưa phần tăng giá này vào giá bán hay không còn tùy thuộc vào sức chịu đựng của nền kinh tế và cách điều hành của Chính phủ”, ông Thắng cho biết.
Về dài hạn, Hòa Phát vẫn ưu tiên thị trường nội địa và đặt nguyên tắc giữ tỷ trọng xuất khẩu dưới 20%. Tuy nhiên, trong những giai đoạn thị trường trong nước gặp khó, doanh nghiệp sẵn sàng điều chỉnh linh hoạt.
“Năm ngoái, tỷ trọng xuất khẩu của chúng tôi từng lên tới 31%, cao nhất từ trước đến nay. Đó là giải pháp tức thời để xử lý vấn đề tiêu thụ”, ông Thắng nói.
Tổng giám đốc Hòa Phát nhấn mạnh khi chia nhỏ hoạt động xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau, doanh nghiệp sẽ hạn chế được rủi ro thuế quan từ các thị trường đơn lẻ.
Đầu tư nhà máy sản xuất đường ray 14.000 tỷ đồng
Tại cuộc họp, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, tháng 9/2024, Chính phủ đã đề xuất Hòa Phát nghiên cứu sản xuất đường ray chất lượng cao phục vụ cho các tuyến tàu cao tốc tương lai. Trên cơ sở năng lực hiện có, tập đoàn đã quyết định triển khai dự án sản xuất đường ray tại Dung Quất 2 với quy mô đầu tư 14.000 tỷ đồng.
“Chúng tôi tự tin có thể sản xuất được loại sản phẩm này”, ông Long khẳng định. Theo kế hoạch, lễ động thổ sẽ diễn ra trong tháng 5 tới và đơn hàng đầu tiên dự kiến có thể xuất xưởng vào tháng 5/2027.
Với các dự án đường sắt kết nối giữa Việt Nam và Trung Quốc, Chủ tịch Hòa Phát cho biết cần xem xét kỹ từng đề án cụ thể trước khi quyết định tham gia.
Ngoài ra, ông Long cũng chia sẻ một tín hiệu tích cực là Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ cơ chế giao đơn hàng và nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp lớn, trong đó có Hòa Phát.
Liên quan hoạt động kinh doanh bất động sản, ông Long nhấn mạnh chiến lược xuyên suốt của tập đoàn là không để lĩnh vực này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hoạt động.
“Các vị thấy ban lãnh đạo chúng tôi đúng chưa. Bao giờ chúng tôi cũng để tỷ trọng bất động sản ở mức 5-6%”, ông nói.
Tất cả các mảng bất động sản, từ nhà ở, khu công nghiệp cho đến nghỉ dưỡng… hiện chiếm chưa đến 5% quy mô tập đoàn.
Hiện nay, Hòa Phát đang thí điểm dự án nhà ở xã hội tại Yên Mỹ (Hưng yên). Dù lợi nhuận không cao, Chủ tịch Hòa Phát khẳng định đây là mô hình “chắc chắn và tốt”.
Ông Long cũng tiết lộ thông tin đáng chú ý rằng Hòa Phát vừa được giao một khu đất lớn, có thể nói là “mảnh đất cuối cùng ở Việt Nam” đủ điều kiện để xây dựng nhà máy thép. Khu đất có quy mô 500 ha, mặt hướng ra biển, hiện tập đoàn đang lên kế hoạch đầu tư bài bản tại đây.
Hơn 1.000 cổ đông Hòa Phát trực tiếp tham dự
Trong các doanh nghiệp niêm yết, Hòa Phát luôn dẫn đầu về số lượng cổ đông. Theo báo cáo thường niên mới công bố, Hòa Phát hiện có hơn 190.000 cổ đông.
Năm ngoái, nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam ghi nhận hơn 170.000 cổ đông. Năm 2023, tập đoàn được mệnh danh là "vua thép" cũng có 179.000 cổ đông, trong đó hơn 500 cổ đông trực tiếp tham dự họp thường niên.
Nếu toàn bộ cổ đông cùng tham dự đại hội, sẽ cần tới gần 5 sân vận động Mỹ Đình mới đủ chỗ.
Quy mô cổ đông lớn và tính đại chúng cao là một trong những khía cạnh khiến Chủ tịch Trần Đình Long tự hào vào mỗi mùa đại hội của Hòa Phát.
Mở đầu phiên họp, ông Long tiết lộ phiên họp đại hội năm nay đã đón trên 1.000 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành.
![]() |
Ban chủ tọa phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Hòa Phát sáng 17/4. Ảnh: Minh Khánh. |
Kế hoạch doanh thu 170.000 tỷ đồng
Tại phiên họp năm nay, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu dự kiến 170.000 tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện năm 2024. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 15.000 tỷ đồng, tăng 25%.
Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu cao nhất từ trước tới nay mà Hòa Phát đạt được.
Đáng chú ý, cách đây ít ngày, tập đoàn đã thay đổi phương án chi trả cổ tức năm 2024 và tỷ lệ dự kiến năm 2025.
Ban đầu, HĐQT "vua thép" dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 20%, gồm 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Nguồn chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Với gần 6,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Hòa Phát dự kiến chi gần 3.200 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt và phát hành thêm gần 960 triệu cổ phiếu mới. Thời gian thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày được ĐHĐCĐ thông qua.
Tuy nhiên, tại phương án thay đổi mới nhất, Hòa Phát điều chỉnh sang chi trả cổ tức năm 2024 toàn bộ bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%. Nếu được thông qua, doanh nghiệp dự kiến phát hành thêm gần 1,3 tỷ cổ phiếu.
Doanh nghiệp đưa ra lý do điều chỉnh là từ diễn biến của chính sách thuế nhập khẩu đối ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và trên cơ sở thận trọng nhằm đảm bảo nguồn vốn tiền mặt.
Với tỷ lệ chia cổ tức 2025, Hòa Phát giữ nguyên tỷ lệ dự kiến là 20%.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.