Điều gì chờ đợi các ngân hàng năm 2025?

Admin

04/01/2025 04:10

Năm 2025, ngành ngân hàng dự báo đối mặt nhiều thách thức khi chi phí vốn có thể tăng trở lại khiến NIM giảm, nợ xấu có nguy cơ gia tăng và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Thuộc nhóm ngành chiếm tỷ lệ vốn hóa lớn top đầu thị trường, đà chững lại của các cổ phiếu ngân hàng năm 2024 là một trong những nguyên nhân khiến chứng khoán trong nước không thể bứt phá mạnh.

Tín dụng vẫn ghi nhận tín hiệu tích cực nhưng các mảng kinh doanh ngoài lãi chậm lại, đặc biệt là bảo hiểm đã khiến tăng trưởng của nhiều ngân hàng không đạt kỳ vọng. Ngành ngân hàng trong năm 2024 cũng phải thu hẹp biên lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Trong bối cảnh năm 2025 dự báo còn nhiều khó khăn, các chuyên gia đều cho rằng ngành ngân hàng cần tìm động lực mới để dẫn dắt tăng trưởng.

Ngân hàng tìm cách bảo toàn NIM

Nói với Tri Thức - Znews, bà Lê Thu Uyên, chuyên gia phân tích ngành ngân hàng thuộc VPBankS Research cho rằng năm 2025, lãi suất huy động dự báo duy trì ổn định, trong khi lãi suất cho vay có thể giảm nhẹ dẫn đến biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng có thể bị thu hẹp. Để bù đắp cho đà suy giảm này, các ngân hàng sẽ cần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cao hơn năm 2024.

Theo bà Uyên, trong năm tới, tình hình kinh tế toàn cầu cũng đặt ra nhiều thách thức. Việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ làm dấy lên lo ngại về các chính sách bảo hộ thương mại có thể tăng áp lực lạm phát. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) duy trì lãi suất cao hơn kỳ vọng, đồng USD có thể mạnh lên trong khi VND yếu đi. Điều này gây áp lực lên chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam.

Dù vậy, bà Uyên cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể vẫn phải giữ lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế trong nước.

Bên cạnh đó, nguồn vốn nước ngoài không còn rẻ như trước khiến các ngân hàng phải phụ thuộc nhiều hơn vào tiền gửi không kỳ hạn (CASA) để tối ưu chi phí vốn (COF).

Tỷ lệ CASA toàn ngành đã giảm nhẹ xuống 20,7% trong quý III từ mức 21,4% của quý II liền trước. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái là 19,3%.

Nữ chuyên gia ngân hàng cho rằng để thu hút và giữ chân khách hàng (đặc biệt là nhóm bán lẻ) các ngân hàng cần đầu tư mạnh vào công nghệ và dịch vụ nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng. Đây là yếu tố quyết định để duy trì vị thế là tài khoản thanh toán chính của khách hàng, từ đó thu hút thêm tiền gửi không kỳ hạn, giảm chi phí vốn đầu vào.

"Với mức NIM giảm 0,2-0,3 điểm % tại hầu hết ngân hàng từ đầu năm, NIM được dự báo tiếp tục đi ngang trong những năm tới do áp lực cạnh tranh gay gắt và chi phí vốn gia tăng. Trong bối cảnh này, việc cân đối giữa lợi nhuận, chi phí vốn, chiến lược khách hàng sẽ là bài toán quan trọng mà các ngân hàng phải giải quyết trong năm 2025", bà Uyên chia sẻ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng năm 2025 dự kiến là một năm đầy biến động, tạo áp lực lớn lên hệ thống ngân hàng và gia tăng rủi ro tín dụng. Khi mức độ rủi ro trong hoạt động ngân hàng tăng, các tổ chức tín dụng sẽ buộc phải điều chỉnh lãi suất để phản ánh thực tế này, bởi lãi suất luôn là một biến số tỷ lệ thuận với rủi ro.

“Các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn, và chi phí này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu lãi suất. Tôi dự báo cả lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng trong năm tới”, TS. Hiếu cho biết.

nganh ngan hang anh 1

Các ngân hàng sẽ đối mặt với bài toán bảo toàn biên lãi thuần (NIM) trong năm 2025. Ảnh: Chí Hùng.

Ông cũng lưu ý khi rủi ro tín dụng gia tăng, NIM của các ngân hàng sẽ phải được điều chỉnh tăng để bù đắp những tổn thất tiềm ẩn.

Theo ông, điều này sẽ tạo ra thách thức lớn không chỉ cho các ngân hàng mà còn cho toàn bộ nền kinh tế, bởi chi phí vốn cao hơn sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc duy trì tỷ lệ NIM ở mức cao là điều cần thiết để bảo vệ sự an toàn và bền vững của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh biến động.

Áp lực chất lượng tài sản

Bên cạnh bài toán bảo toàn NIM, ngành ngân hàng 2025 cũng phải giải quyết áp lực chất lượng tín dụng và tài sản. TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh việc Thông tư 02 và Thông tư 06 dự kiến hết hiệu lực vào cuối năm nay sẽ gây áp lực lớn lên các ngân hàng, đặc biệt trong việc kiểm soát nợ xấu. Tuy nhiên, ông nhận định đây là bước đi cần thiết.

Hiện nay, một phần đáng kể trong danh mục nợ của các ngân hàng là các khoản nợ quá hạn hoặc nợ xấu không thể thu hồi. Việc chấm dứt hiệu lực của 2 thông tư sẽ buộc các ngân hàng phải phân loại nhóm nợ của doanh nghiệp theo đúng quy định, qua đó đảm bảo chất lượng tài sản không bị bóp méo.

Chuyên gia tài chính đề xuất nếu NHNN và Chính phủ muốn hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn tiếp cận vốn vay, có thể cân nhắc yêu cầu tăng cường tài sản đảm bảo.

Tuy nhiên, theo ông, điều quan trọng là phải đưa các khoản nợ về đúng nhóm nợ thực tế, nhằm phản ánh chính xác chất lượng tài sản và tín dụng trên báo cáo tài chính của ngân hàng. Việc này không chỉ giúp hệ thống ngân hàng minh bạch hơn mà còn góp phần xây dựng niềm tin với nhà đầu tư và đối tác quốc tế.

Cùng quan điểm, bà Uyên cũng dự báo nợ xấu năm 2025 ngành ngân hàng có thể tăng nhẹ và gây áp lực lên chi phí dự phòng, bào mòn lợi nhuận. "Tuy nhiên, dư nợ cơ cấu theo Thông tư 02 ở các ngân hàng hiện chỉ chiếm dưới 1% tổng dư nợ, nên tác động lên nợ xấu và chi phí dự phòng sẽ không quá lớn", bà Uyên đánh giá.

Dư nợ cơ cấu theo Thông tư 02 ở các ngân hàng chỉ chiếm dưới 1% tổng dư nợ, nên tác động lên nợ xấu và chi phí dự phòng sẽ không quá lớn

Bà Lê Thu Uyên, chuyên gia phân tích ngành ngân hàng tại VPBankS Research

Năm 2025, với giả định GDP tăng 6,5% và tăng trưởng tín dụng đạt 15,03%, vị chuyên gia ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế toàn ngành sẽ tăng 17,7% nhờ động lực từ khối ngân hàng quốc doanh và nhu cầu tín dụng tăng mạnh từ khối doanh nghiệp FDI cũng như giải ngân đầu tư công.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng dù còn những áp lực, tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm tới vẫn sẽ đạt mức cao.

Động lực tăng trưởng mới từ bảo hiểm phi nhân thọ

Bên cạnh mảng tín dụng - vốn chiếm phần lớn lợi nhuận ngành ngân hàng - nguồn thu từ phí bảo hiểm phi nhân thọ được dự báo trở thành động lực tăng trưởng tiềm năng cho ngành ngân hàng năm tới.

Theo khảo sát của VPBankS, các quý gần đây, các ngân hàng chủ yếu bán chéo thành công bảo hiểm phi nhân thọ do phí thấp hơn, cam kết đơn giản hơn so với bảo hiểm nhân thọ nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu bảo vệ của khách hàng.

nganh ngan hang anh 2

Năm 2025 cũng là năm Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2023 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn hết hiệu lực. Ảnh: Nam Khánh.

Sau cơn bão số 3 (bão Yagi), nhu cầu mua bảo hiểm phi nhân thọ đã có xu hướng tăng cao. Tính đến cuối quý III, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn ngành ngân hàng đã tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều ngân hàng đã bắt đầu lấn sân vào lĩnh vực này để khai thác tiềm năng tăng trưởng. Trong đó, Techcombank vừa góp 11% vốn vào công ty bảo hiểm phi nhân thọ TCGIns. Ngoài ra, 6/32 công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam có sự tham gia góp vốn của các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Agribank, MB, VPBank và Techcombank.

TS. Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng xuất khẩu sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế Việt Nam năm tới. Ông đánh giá những ngân hàng tập trung phát triển các dịch vụ liên quan đến thanh toán quốc tế, bảo lãnh giao dịch xuyên biên giới, chuyển tiền, thu hộ, và tài trợ thương mại sẽ là nhóm hưởng lợi lớn từ đà tăng trưởng của ngành ngoại thương.

Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam ngày càng đẩy mạnh quá trình số hóa, tạo cơ hội lớn để các ngân hàng phát triển các giải pháp kỹ thuật số tiên tiến. Tuy nhiên, loạt vụ việc liên quan đến lỗ hổng bảo mật trong năm nay đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro tiềm tàng trong hệ thống ngân hàng.

Dù vậy, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chính trong những thách thức này lại xuất hiện cơ hội cho các ngân hàng tập trung đầu tư vào công nghệ cao, xây dựng hệ thống phòng thủ an ninh mạng vững chắc và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Năm 2025, ông Hiếu cho rằng các ngân hàng không sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ có nguy cơ bị tụt hậu, mất thị phần trong cuộc đua số hóa đầy cạnh tranh.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Bạn đang đọc bài viết "Điều gì chờ đợi các ngân hàng năm 2025?" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG.