‘Đỏ mắt’ tìm căn hộ 1 tỷ đồng

Admin

01/12/2020 11:26

20-11-Nha-o-gia-thap-6719-1605924793.jpg

Ngay cả ở dự án xa trung tâm cũng khó có căn hộ nào tầm 1 tỷ đồng (Ảnh: TL)

Khoảng năm 2015, nhiều chủ đầu tư chào bán nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở thương mại giá thấp với giá khoảng 15 triệu đồng/m2 tại các quận gần trung tâm như: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông… thu hút được nhiều người mua, bởi phù hợp với tài chính của nhiều người đô thị.

Căn hộ 1 tỷ đồng - chuyện đã qua

Lúc đó, giá một căn hộ 50-70m2 gồm 2 phòng ngủ chỉ khoảng 750 triệu đến hơn 1 tỷ đồng, nhiều gia đình trẻ mới cưới hoàn toàn có thể sở hữu được.

Tuy nhiên, gần đây, giá căn hộ bình dân hay còn gọi là phân khúc nhà giá rẻ được chào bán tại các quận và vùng ven Hà Nội đột ngột tăng lên 1,4-1,7 tỷ đồng/căn. Thậm chí, trong 10 tháng qua, các dự án nhà ở mới được chào bán ra thị trường Hà Nội ở phân khúc nhà ở giá rẻ đều vọt lên ngưỡng trên 23 triệu đồng/m2 với nhà ở thương mại và trên 17 triệu đồng/m2 với NƠXH.

Đơn cử, tại quận Hoàng Mai, có những dự án chung cư đang được chủ đầu tư chào bán với mức giá từ 1,4 tỷ đồng cho căn hộ có diện tích nhỏ nhất là 52m2. Dự án Green Park đang được chủ đầu tư bán với giá 25-27 triệu đồng/m2 với diện tích từ 58-110 m2, tính ra các căn hộ có giá thấp nhất từ 1,4 tỷ đồng.

Tại dự án chung cư Rose Town, các căn hộ diện tích nhỏ nhất là 52m2 có giá gần 1,5 tỷ đồng, diện tích từ 70m2 có giá từ 1,8 tỷ đồng đến trên 2 tỷ đồng.

Tại quận Nam Từ Liêm, một số dự án chung cư được bán với giá 27 triệu đồng/m2. Căn hộ diện tích nhỏ nhất là 55m2 cũng có giá thấp nhất là hơn 1,4 tỷ đồng.

Tại quận Hà Đông, dự án của Công ty TSQ bán với giá 23 triệu đồng/m2 cho diện tích từ 55-70m2. Như vậy, căn hộ có diện tích 70m2 lên đến trên 1,6 tỷ đồng…

Một chủ đầu tư chuyên xây dựng nhà ở giá rẻ chia sẻ, hiện khó làm được căn hộ có giá dưới 20 triệu đồng/m2 với nhà ở thương mại và dưới 15 triệu đồng/m2 với NƠXH. Nguyên nhân là tiền sử dụng đất tăng, giá nhân công, vật liệu cũng tăng... Bên cạnh đó, chất lượng và quy chuẩn nhà bây giờ cũng khác xưa và chủ đầu tư tốn nhiều chi phí.

Khó kéo giá xuống?

Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, thời gian qua, chương trình phát triển NƠXH có chững lại, thị trường hiện tập trung vào nhà cao cấp. Do đó, nhà dưới 20 triệu đồng/m2 vắng bóng trên thị trường, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. Chính vì vậy, những người thu nhập thấp, công nhân khó tiếp cận nhà ở.

Bên cạnh đó, dù hiện nay có quy định rất rõ về trách nhiệm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp với nhà ở thu nhập thấp cho người dân, tuy nhiên nguồn vốn vay cho người thu nhập thấp còn khó khăn.

Ngoài ra, một số địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề phát triển NƠXH, nhà ở giá thấp, nên các dự án khó triển khai. Các chủ đầu tư tại các khu đô thị muốn nộp tiền thay vì phải dành 20% quỹ đất của dự án để xây dựng NƠXH theo quy định của Nhà nước.

“Có 2 yếu tố quyết định đến NƠXH và nhà ở giá rẻ là vốn và đất, nhưng đây lại là 2 vấn đề khó khăn”, ông Hà nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính nhìn nhận, trong bối cảnh hiện tại, việc mua nhà với giá 15 triệu đồng/m2 là rất khó, bởi chi phí bỏ ra để đầu tư dự án ngày càng tăng lên. Mặt khác, việc giải phóng mặt bằng chưa được đẩy nhanh, dẫn đến dự án chậm tiến độ, càng đẩy chi phí tăng cao, gây gánh nặng cho doanh nghiệp.

Xây dựng NƠXH đòi hỏi phải có hạ tầng, cảnh quan thì mới bán được, nhưng vẫn phải đảm bảo giá rẻ là áp lực lớn với doanh nghiệp. Hơn nữa, mặt bằng giá nhà chung đang tăng lên, nên rất khó để đưa ra mức giá 15 triệu đồng/m2 nếu không có những ưu đãi lớn cho doanh nghiệp.

“Sang năm 2021, thị trường có thể có nhà giá rẻ nhưng vẫn ở vị trí xa so với trung tâm, còn ở nội thành thì chắc khó có thể có. Tuy nhiên, những dự án này cũng phải có giá trên 1 tỷ đồng, còn dưới 1 tỷ đồng rất khó tìm”, ông Thịnh cho hay.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trước đây, hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) áp dụng với các dự án NƠXH, nhà ở tái định cư, các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, dự án công trình hạ tầng, dịch vụ…

Ông Châu cho rằng, loại hình dự án BT rất cần thiết để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư các dự án nêu trên, vừa có lợi cho Nhà nước, cho nhà đầu tư và cho cộng đồng.

Tuy nhiên, Luật PPP đã quyết định dừng dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT mới kể từ ngày 1/1/2021 chỉ vì nguyên nhân "chưa có đầy đủ các quy định pháp luật đồng bộ và hiệu quả để điều chỉnh loại hình dự án BT".

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hà nhìn nhận, Bộ Xây dựng cần có kế hoạch kiểm tra việc thực hiện chương trình phát triển nhà ở của mỗi địa phương. Phải kiểm tra, kiểm điểm thành công thì mới có thể thúc đẩy thị trường NƠXH, giá rẻ.

Phạm Minh

Bạn đang đọc bài viết "‘Đỏ mắt’ tìm căn hộ 1 tỷ đồng" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN.