Nhận diện tin giả
Mạng xã hội (MXH) cho chúng ta cơ hội tiếp xúc với tin tức một cách nhanh chóng, đôi khi sự việc chưa kịp lên báo chí chính thống thì chúng ta đã biết thông qua MXH. Đây chính là mảng đất màu mỡ, là điều kiện để tin giả xuất hiện và lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Tin giả thì thường rất giật gân để lừa người đọc, người xem chia sẻ, bình luận, từ đó lan truyền một cách không tưởng. Thực tế cho thấy, việc đăng tin không đúng sự thật chủ yếu được thực hiện phổ biến thông qua MXH. Các sự kiện, vụ việc được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: văn bản, hình ảnh, video clip,… nhưng được chỉnh sửa, cắt ghép và đăng tải trên các trang thông tin không chính thống hoặc qua các nền tảng MXH: Facebook, YouTube, Twitter, Instagram, Zalo,… Các đối tượng tán phát tin tức giả có nhiều mục đích khác nhau, trong đó có cả mục đích nhằm “bôi xấu” đối thủ, cạnh tranh không lành mạnh.
Doanh nghiệp bị tung tin thất thiệt – Hậu quả khôn lường
Nhiều doanh nghiệp nhìn nhận việc bị công kích trên MXH, từ bôi xấu, vu khống, mạo danh… ảnh hưởng rất lớn đến uy tín lẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh bởi doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc mới xây dựng nên thương hiệu. Dù sau đó, vụ việc có được đính chính hay minh oan thì tổn thương uy tín, thương hiệu phải mất rất lâu để hồi phục.
Trong một chia sẻ nói về hiện trạng doanh nghiệp bị bôi nhọ, vu khống gây hậu quả nghiêm trong, ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông từng tiết lộ vào năm 2019 MXH xuất hiện thông tin thất thiệt về hoạt động nhập khẩu nguyên liệu của một doanh nghiệp sữa lớn trong nước. Ngay sau đó, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của doanh nghiệp này giảm sâu và "bốc hơi" khoảng 8.400 tỉ đồng giá trị vốn hóa chỉ sau 2 ngày. Chỉ một thông tin thất thiệt mà khiến doanh nghiệp bị thiệt hại khôn lường.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cũng từng chia sẻ về câu chuyện hệ thống siêu thị này bị giả mạo trang fanpage tuyển dụng nhân sự để đăng tuyển và thu phí ứng viên để lừa đảo. Ngay khi biết thông tin, Saigon Co.op đã lập tức xử lý, đồng thời hỗ trợ những ứng viên tuyển dụng bị lừa. Nhưng thực tế là nhiều người đã bị mất tiền.
Dù là thương hiệu lớn hay nhỏ, đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán hay chưa thì nguy cơ bị bôi xấu, tung tin đồn thất thiệt luôn hiện hữu và những thiệt hại về thương hiệu, niềm tin của người tiêu dùng là không thể đo đếm được.
Đặc biệt, với những doanh nghiệp dịch vụ thì uy tín chính là yếu tố quyết định nên thành công thương hiệu, do đó một khi bị tung tin thất thiệt nhằm hạ uy tín thì thiệt hại sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Chuyển phát nhanh BEST Express mới đây cũng trở thành “nạn nhân” của việc bôi xấu, tung tin thất thiệt trên MXH. Là đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh, thông tin BEST Express “sắp phá sản” hay “sắp rời khỏi thị trường” Việt Nam khiến không ít khách hàng, đối tác của đơn vị này hoang mang và lập tức ngưng sử dụng dịch vụ.
“Chúng tôi chi hàng chục triệu Đô la đầu tư vào hạ tầng công nghệ và hạ tầng vận tải với quyết tâm phát triển lâu dài tại thị trường Việt Nam, sau 2 năm hoạt động, đến nay khi khách hàng bắt đầu biết đến thương hiệu BEST Express thì lại gặp phải sự cố này. Doanh nghiệp và 13.000 nhân viên cùng 800 bưu cục trên toàn hệ thống trực tiếp bị ảnh hưởng bởi tin đồn này.” – Đại diện truyền thông của thương hiệu này chia sẻ.
Được biết, tin đồn bôi xấu hoạt động kinh doanh của BEST Express chủ yếu được đăng trên các hội nhóm facebook bằng tài khoản ảo, do đó việc xử lý là vô cùng khó khăn, rõ ràng đây là chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh, cố ý tung tin thất thiệt để gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Việc bảo vệ uy tín thương hiệu đang gặp không ít thách thức trong thời đại số, khi thông tin được lanh truyền 1 cách dễ dãi, nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội.
Nhiều luật sư, chuyên gia nhìn nhận doanh nghiệp không nên nhân nhượng, thỏa thuận hoặc chấp nhận bị bôi nhọ, nói xấu, vu khống… mà có thể tố cáo, khiếu nại hoặc kiện ra tòa để đòi quyền lợi. Khi gặp những trường hợp này, các DN có thể phản ánh đến các cơ quan chức năng để được hỗ trợ.
Lý thuyết là vậy, nhưng khi cơ quan chức năng còn chưa kịp điều tra thì doanh nghiệp đã chịu tổn thất về kinh tế. Như đại diện BEST Express chia sẻ: “Chúng tôi mất hàng tháng trời để thuyết phục một shop online sử dụng dịch vụ nhưng chỉ với 1-2 tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội đã có thể mất đi khách hàng.”
Rõ ràng mạng không ảo nhưng phát ngôn trên không gian mạng không hề ảo bởi đứng đằng sau đều là những con người thật. Phát ngôn sai trái, thông tin chưa chính xác một khi được lan truyền sẽ đem đến những hậu quả không hề nhỏ.
Người dùng mạng xã hội hãy tỉnh táo trước ma trận tin giả
Người sử dụng MXH có thể tự bảo vệ chính mình bằng cách suy nghĩ cẩn thận trước khi “like”, hay chia sẻ thông tin từ MXH, hãy luôn tự hỏi nguồn tin này có đáng tin cậy không? Nó có uy tín và đã được kiểm duyệt chưa? Liệu có thể tìm thấy thông tin này từ nguồn báo chí chính thống hay không?
Nên xác định rõ báo chí chính thống phải là “hạt nhân” dẫn dắt thông tin, định hướng thông tin trên MXH. Người dùng MXH hãy tỉnh táo phân biệt được đâu là tin thật, đâu là trò đùa của cư dân mạng để tránh bị dẫn dắt lệch lạc bởi những thông tin không chính xác.
Luật an ninh mạng, điều 8, điểm d cấm hành vi: "Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác". Nghị định 15 với mức xử phạt cao đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội hi vọng là liều thuốc "dã tật" ngăn ngừa loại thông tin này. |