Doanh nghiệp chủ động phòng vệ trước rủi ro tỉ giá

Admin

20/02/2025 12:09

Tỉ giá biến động mạnh đặt ra thách thức đối với nhiều doanh nghiệp. Chủ động phòng vệ bằng hợp đồng tài chính, đa dạng thị trường và quản trị rủi ro là chìa khóa ứng phó.

Đồng bạc xanh mạnh lên

Những ngày gần đây, thị trường ngoại hối chứng kiến sự gia tăng đáng kể của tỉ giá USD/VND. Tỉ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tiếp tục điều chỉnh tăng, kéo theo biến động tại các ngân hàng thương mại và thị trường tự do.

Đặc biệt, khoảng cách giữa tỉ giá ngân hàng và thị trường phi chính thức có xu hướng giãn rộng, phản ánh áp lực lên cung – cầu ngoại tệ trong nước.

Ngày 19/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỉ giá trung tâm ở mức 24.602 VND/USD, tăng so với các phiên trước đó. Tỉ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN cũng ghi nhận mức mua vào – bán ra là 23.422 – 25.782 VND/USD.

Doanh nghiệp chủ động phòng vệ trước rủi ro tỉ giá- Ảnh 1.

Tỉ giá tiếp tục tăng trong thời gian gần đây.

Tại các ngân hàng thương mại, tỉ giá tiếp tục có sự điều chỉnh. Vietcombank niêm yết 25.310 - 25.700 VND/USD, tăng 60 đồng mỗi chiều so với phiên trước. VietinBank giao dịch ở mức 25.170 - 25.750 VND/USD, tăng 30 đồng. Techcombank công bố giá mua/bán 25.264 - 25.786 VND/USD, trong khi Eximbank niêm yết 25.330 - 25.760 VND/USD.

Trên thị trường tự do, tỉ giá USD/VND đang ở mức 25.610 - 25.696 VND/USD, với chênh lệch cao so với ngân hàng, đặc biệt là mức giá mua vào cao hơn tới 480 đồng.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có động thái can thiệp vào thị trường mở. Trong phiên giao dịch ngày 18/2, NHNN chào thầu hơn 17.702 tỷ đồng trên kênh mua kỳ hạn với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4%/năm.

Đồng thời, nhà điều hành cũng phát hành tín phiếu kỳ hạn 7 ngày với quy mô 4.450 tỷ đồng, lãi suất 4% nhằm kiểm soát thanh khoản và ổn định thị trường.

Cân bằng giữa ổn định tỉ giá và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc khối Nghiên cứu và Đầu tư CTCP FIDT, giá trị đồng USD tăng mạnh chủ yếu do chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và sự tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế Mỹ so với phần còn lại của thế giới. Điều này khiến dòng vốn toàn cầu có xu hướng quay trở lại Mỹ, gây áp lực lên tỉ giá.

Ngoài ra, yếu tố địa chính trị và chính sách thương mại cũng đóng vai trò quan trọng. Dưới thời chính quyền Trump, nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu là rất lớn. Việc áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu có thể làm tăng giá hàng hóa trong nước, khiến FED phải duy trì hoặc nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát, từ đó đẩy đồng USD lên cao hơn nữa.

Tỉ giá tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tài chính mà còn tác động trực tiếp đến nhiều ngành kinh tế. Theo ông Huy, khi USD mạnh lên, các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, có thể đối mặt với tình trạng rút vốn. Điều này khiến khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán, tạo áp lực điều chỉnh cho VN-Index.

Tỉ giá "nổi sóng", liệu áp lực có kéo dài?Lãi suất, tỉ giá sẽ ra sao trong năm 2025?

Ở góc độ doanh nghiệp, những ngành nhập khẩu nguyên vật liệu lớn như sản xuất ô tô, thép, hoặc các doanh nghiệp có nợ vay USD lớn như dầu khí, điện, hàng không sẽ chịu tác động tiêu cực. Khi VND mất giá, chi phí đầu vào và chi phí lãi vay tăng cao, làm giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Khuyến nghị giải pháp để bình ổn tỉ giá thời gian tới, Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân tại Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định rằng NHNN cần linh hoạt trong điều hành để cân bằng giữa ổn định tỉ giá và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Nửa đầu năm, NHNN có thể duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, chấp nhận áp lực tỉ giá cao. Tuy nhiên đến nửa cuối năm, khả năng NHNN sẽ điều chỉnh tăng lãi suất để kiểm soát tỉ giá và ổn định thị trường. "Hiện tại, chúng ta khó có thể giảm thêm lãi suất mà chỉ có thể duy trì mức thấp, sau đó tăng dần khi cần thiết", ông Minh nhận định.

Bên cạnh đó, chính sách tín dụng cũng cần được điều chỉnh linh hoạt. Theo ông Minh, NHNN nên tiếp tục duy trì room tín dụng thay vì bỏ hoàn toàn. Với bối cảnh rủi ro và doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn, việc duy trì một mức tín dụng hợp lý sẽ giúp đảm bảo ổn định cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Doanh nghiệp chủ động phòng vệ trước rủi ro tỉ giá- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân tại Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Về phía các doanh nghiệp, để hạn chế tác động tiêu cực từ biến động tỉ giá, ông Minh khuyến nghị các doanh nghiệp nên có các biện pháp phòng thủ như sử dụng hợp đồng pegging (hợp đồng gắn chặt với tỉ giá), tránh rủi ro từ biến động tỉ giá vào giữa hoặc cuối năm.

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, ông Minh nhấn mạnh rằng doanh nghiệp không chỉ đối mặt với rủi ro tỉ giá mà còn phải đối phó với căng thẳng thương mại toàn cầu. Để giảm thiểu rủi ro, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào Mỹ, nhất là khi chính sách thương mại Mỹ có thể thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tóm lại, trong bối cảnh áp lực tỉ giá gia tăng, NHNN có thể linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ nhằm cân bằng giữa ổn định tỉ giá và tăng trưởng kinh tế. Doanh nghiệp cũng cần chủ động phòng vệ rủi ro tỉ giá và mở rộng thị trường để thích ứng với môi trường kinh tế đầy biến động.