Dòng tiền luôn linh hoạt tìm đến các cổ phiếu phù hợp

Admin

06/09/2020 17:32

Tháng 8 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi những thông tin liên quan đến dịch Covid-19 bùng phát trở lại hồi cuối tháng 7 tại Đà Nẵng. Thế nhưng, thị trường vẫn có diễn biến đi ngang khi mức đỉnh của Vn-Index của tháng 8 cũng tương đồng với tháng 7 tại vùng 875 điểm, phản ánh tâm lý nhà đầu tư không còn quá bi quan như đợt 1 của dịch bệnh.

Đáng chú ý, trong tháng 8, thanh khoản toàn thị trường đạt bình quân 5.600 tỷ đồng/phiên, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó thanh khoản thông qua khớp lệnh tăng 28%, đạt 4.428 tỷ đồng/phiên. Động lực chính thúc đẩy thị trường giao dịch sôi động đến từ dòng tiền nội, tương tự như giai đoạn tháng 4 và tháng 5.

Dấu hiệu tích cực

Với những tín hiệu khả quan của tháng 8, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, các chỉ số của thị trường vẫn giữ vững được xu hướng phục hồi trong tháng 9 nhờ những yếu tố hỗ trợ tích cực.

Có thể kể đến như chính sách nới lỏng tiền tệ tại các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ được duy trì trong thời gian dài tạo lực đỡ vững chắc cho thị trường chứng khoán toàn cầu. Điều này thể hiện rất rõ ở chỉ số S&P 500 đã vượt đỉnh lịch sử trong những phiên giao dịch gần đây.

Tại thị trường chứng khoán trong nước, thanh khoản đã tăng lên mặt bằng mới, thông tin dịch bệnh gần như không còn tác động. Do đó, đây là thời điểm thuận lợi để thị trường thể hiện sức mạnh và tăng lên các đỉnh cao hơn, dòng tiền đã có sự dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu bluechip, thị trường sẽ có cơ hội hướng tới đỉnh tháng 6.

mua-co-phieu-nao-trong-thang-9-9547-1598

Những cổ phiếu duy trì được đà tăng trưởng trong 6 tháng qua vẫn sẽ hút được dòng tiền

Ngoài ra, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực hiện được nhiệm vụ kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Đồng thời, gói cứu trợ kinh tế lần 2 của Chính phủ được kỳ vọng sẽ là bàn đạp cho các doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19.

Đặc biệt, trong quý III, do không phải thực hiện giãn cách xã hội nên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết ít nhiều vẫn có thể duy trì, dự báo nhiều khả năng sẽ khả quan hơn quý II. Trong đó, những ngành có sự tăng trưởng tốt trong quý II sẽ vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong quý III, như: nhóm khu công nghiệp, hạ tầng, vật liệu xây dựng...

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Eu (EVFTA) đã chính thức được thực thi từ đầu tháng 8, góp phần giúp hoạt động xuất khẩu tăng trưởng trở lại. Động thái đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ cũng sẽ thúc đẩy được nền kinh tế tăng trưởng trong quý III và quý IV.

Khi các nền kinh tế bắt đầu đà hồi phục và mở cửa dần trở lại, dòng vốn ngoại sẽ săn lùng cơ hội mạnh hơn và Việt Nam là một trong những điểm đến được chú ý. Trước đó, trong tháng 8, dòng vốn ngoại “rót” vào chứng khoán Việt thông qua các quỹ ETF khá sôi động.

Theo ông Nguyễn Anh Khoa - Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Agribank (Agriseco), hiện tại, thị trường đang được chi phối bởi thông tin và kỳ vọng. Do đó, thị trường tháng 9 có nhiều yếu tố tích cực hơn tiêu cực.

Mua cổ phiếu nào?

Như đã nói ở trên, những doanh nghiệp thuộc nhóm khu công nghiệp, hạ tầng, vật liệu xây dựng, tiêu dùng, dầu khí... ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, duy trì được đà tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2020 vẫn được đánh giá là sẽ hấp dẫn dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, cơ hội sẽ không chia đều cho tất cả, dòng tiền sẽ phân hóa lại khi một số doanh nghiệp đưa ra dự báo về kết quả kinh doanh quý III.

“Do đó, chúng ta không thể đầu tư vào những tài sản giá rẻ hoặc những tài sản không thể định giá được. Thay vào đó, nên tìm kiếm những tài sản có thể đo lường, ở đây là đo lường sự tăng trưởng của doanh nghiệp”, ông Minh cho biết.

Tại báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán MB (MBS) đã đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GTN của GTNfoods với giá mục tiêu là 30.800 đồng/cp. Hiện, cổ phiếu GTN đang giao dịch tại mức giá 24.900 đồng/cp, cách khá xa vùng giá mà MBS đưa ra.

MBS cho rằng, nhờ tập trung vào hoạt động kinh doanh chính đã mang lại cơ hội tăng trưởng doanh nghiệp. Trong năm 2019, GTNfoods lần lượt thoái vốn tại các công ty con là GTNFarms, Công ty Khai thác tài sản GTNfoods, Công ty Hàng tiêu dùng GTNfoods, giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinatea xuống còn 20% nhằm tập trung nguồn lực cho mảng kinh doanh chính là sữa tươi Mộc Châu.

Việc Vinamilk sở hữu tới 75,3% cổ phần của Sữa tươi Mộc Châu, cùng với đó là sự tham gia vào HĐQT của “ông lớn” ngành sữa này đã giúp cải thiện khả năng quản lý và hiệu quả hoạt động của GTNfoods.

Cổ phiếu PVT của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVtrans) cũng được khuyến nghị mua. Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, PVT sẽ đạt được mức giá 17.300 đồng/cp nhờ doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc tăng nhập khẩu năng lượng.

Bên cạnh PVT, KBSV đánh giá, Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PVGas, mã: GAS) là lựa chọn hàng đầu trong ngành dầu khí Việt Nam, do là đơn vị được hưởng lợi nhất từ việc nhu cầu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tăng cao cũng như việc giá dầu phục hồi, mặc dù chậm. Mức giá mục tiêu mà KBSV đưa ra với GAS là 89.300 đồng/cp, cao hơn 18,6% so với mức giá hiện tại.

Nhìn chung, khi mà ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn rất lớn, nhà đầu tư vẫn cần cân nhắc kỹ lưỡng về tỷ trọng trong danh mục đầu tư để giảm thiểu tối đa những rủi ro bất ngờ.

Linh Đan