FPTS không còn trong top 10 thị phần môi giới năm 2024

Admin

07/01/2025 16:10

Năm 2024, top 10 thị phần môi giới đã có nhiều biến động. Trong đó VPS và VNDirect tiếp tục để thị phần rơi vào tay đối thủ.

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) vừa công bố 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có đảm bảo lớn nhất quý IV/2024 và cả năm 2024.

Trong quý IV/2024, Chứng khoán VPS vẫn chễm chệ giữ ngôi đầu bảng với 16,45% thị phần toàn ngành, tuy nhiên lại giảm hơn 1% so với con số 17,63% vào thời điểm cuối quý III/2024. Đây là quý giảm thứ 3 liên tiếp của VPS, sau khi đạt đỉnh thị phần 20,29% vào quý I/2024.

Cùng cảnh ngộ, thị phần của VNDirect cũng giảm còn 5,08%, trong khi quý III/2024 ghi nhận 5,7%. FPTS cũng giảm nhẹ từ 2,97% xuống 2,84% ở quý này.

Các công ty chứng khoán còn lại đều tăng so với quý III/2024, bao gồm SSI, TCBS, HSC, Vietcap, MBS, MAS, KIS, VCBS.

Trong đó nổi bật là TCBS tăng mạnh nhất (0,61%) khi chiếm 7,18% thị phần và giữ vững vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng.

FPTS không còn trong top 10 thị phần môi giới năm 2024- Ảnh 1.

Thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có đảm bảo lớn nhất cả năm 2024.

Tính chung cả năm 2024, top 10 thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có đảm bảo trên HoSE lần lượt là VPS, SSI, TCBS, HSC, Vietcap, VNDirect, MBS, MAS, KIS, VCBS.

Dù VPS vẫn giữ vị trí ngôi vương với 18,26% thị phần, nhưng con số này đã giảm 0,8% so với năm 2023.

Thậm chí, VNDirect còn tụt từ vị trí thứ 3 xuống thứ 6 với 5,87% thị phần, trong khi cả năm 2023 là 7,01%.

Trong khi đó, TCBS gia tăng 0,86% thị phần lên 7,18%; HSC cũng gia tăng 1,09% lên 6,41% và HSC tăng 1,61% lên 6,41%.

So với top 10 trong năm 2023, danh sách này đã biến mất FPTS, thay vào đó là VCBS giữ vị trí thứ 10.

Tuần chuyển giao năm cũ - năm mới, chứng khoán có thăng hoa?Tuần chuyển giao năm cũ - năm mới, chứng khoán có thăng hoa?ĐỌC NGAY

Ở một diễn biến liên quan, luỹ kế cả năm 2024, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng khoảng 2 triệu đơn vị. Tức mỗi tháng bình quân có thêm hơn 166.000 tài khoản.

Tính đến cuối tháng 12/2024, nhà đầu tư cá nhân trong nước có hơn 9,2 triệu tài khoản. Điều này góp phần đưa chứng khoán Việt Nam hoàn thành mục tiêu trước thời hạn 2025 và đang hướng đến 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

Năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng gần 12% trên VN-Index nhưng phần lớn đà tăng diễn ra trong quý I. Cả 3 quý còn lại thị trường gần như chỉ dao động với nhiều lần không vượt qua được ngưỡng 1.300 điểm. Diễn biến thị trường kém tích cực tương phản với mức tăng trưởng kinh tế vĩ mô, tăng rất ấn tượng với GDP quý III/2024 tăng 7,4%, lũy kế 9 tháng tăng 6,82%, cả năm ước tăng 7%. Diễn biến VN-Index cũng không song hành với tăng trưởng hiệu quả của doanh nghiệp, khi lợi nhuận doanh nghiệp toàn thị trường quý III tăng 18,8% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng tăng 14% cùng kỳ…

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên đến từ các tác động bên ngoài, trong đó đà tăng giá của đồng USD khiến tỷ giá trong nước tăng mạnh và Ngân hàng nhà nước phải nhiều đợt phát hành tín phiếu và bán USD can thiệp. Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ cũng đem lại nhiều bất định trong hoạt động thương mại toàn cầu.