Giao thông “dễ thở”
Trước thời điểm xảy ra dịch Covid - 19, giao thông tại một số tuyến đường lớn, nơi tập trung nhiều trường ĐH như Nguyễn Trãi, Trần Phú (Hà Đông), Giải Phóng, Đại Cồ Việt, Xuân Thủy - Cầu Giấy… luôn trong tình trạng quá tải, ùn tắc. Tuy nhiên, vào những ngày qua, các con đường luôn thông thoáng kể cả vào giờ cao điểm, do lượng phương tiện giảm đến 30 - 40%. Chị Nguyễn Thị Huyền, trú tại Khu đô thị Văn Quán, Hà Đông chia sẻ: "Ba tuần nay, sau khi tất cả học sinh, sinh viên trên địa bàn TP Hà Nội được nghỉ học để đề phòng lây nhiễm virus Covid - 19, tình hình giao thông tại tuyến Nguyễn Trãi – Trần Phú hầu như không còn ùn tắc".
Khu vực đường Giải Phóng trước cổng trường ĐH Xây dựng thông thoáng trong vài tuần nay. Ảnh: Thùy Anh
Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 96 trường ĐH, cao đẳng, chiếm 1/3 số trường và khoảng 67.000 sinh viên, tương đương 40% tổng số sinh viên cả nước. Riêng 4 quận lõi trung tâm có 26 trường. Trong đó, quận Đống Đa có nhiều nhất với 10 trường ĐH và học viện gồm: ĐH Y, Học viện Ngân hàng, ĐH Công đoàn, ĐH Thủy lợi, ĐH Luật, Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Thanh thiếu niên, Học viện Phụ nữ, Học viện Ngoại giao và ĐH Ngoại thương. Thực trạng này đã góp phần gây nên tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên trên nhiều tuyến đường khu vực trung tâm TP.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, đợt dịch bệnh Covid - 19, học sinh, sinh viên nghỉ học không xảy ra tắc đường là thực tế để Hà Nội và các bộ, ngành xem xét thực hiện triệt để chủ trương di dời các trường ĐH, cao đẳng ra khỏi nội đô mà đã từ rất lâu chưa thể triển khai vì những vướng mắc. TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông JICA cho biết, chủ trương về việc di dời các trường ĐH ra khỏi nội thành Hà Nội đã được Chính phủ đề cập từ năm 2007 tại Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và cao đẳng giai đoạn 2006 - 2016 được Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay việc thực hiện quy hoạch này gần như bỏ ngỏ. Điều này cho thấy công tác quy hoạch, quản lý đô thị còn những hạn chế khi thực hiện các chủ trương còn thiếu tính liên tục. “Một lượng lớn sinh viên không phải đến trường để tránh dịch bệnh lây lan khiến giao thông Thủ đô “dễ thở”. Đây là dịp để các nhà quản lý đô thị, các bộ, ngành liên quan nhìn lại và tính toán các giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện di dời các trường ĐH ra khỏi nội đô, giảm áp lực giao thông cho khu vực trung tâm Hà Nội phải gánh chịu từ nhiều năm nay” – TS Nguyễn Hữu Đức cho hay.
Cần sự vào cuộc tích cực từ các bộ, ngành
Trên cơ sở Quy hoạch chung TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, quyết định đã có hiệu lực thi hành được 5 năm nhưng mới có duy nhất trường ĐH Y tế cộng đồng tại 138B phố Giảng Võ, quận Ba Đình di dời ra khỏi trung tâm TP.
Lý giải về sự chậm trễ này, Bộ Xây dựng cho rằng đến nay Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH vẫn chưa hoàn thành việc lập đề án để làm cơ sở xác định danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở giáo dục đào tạo ĐH, giáo dục dạy nghề cần phải di dời. Mặc dù UBND TP Hà Nội đã bố trí 279,5ha cho các khu trường ĐH tập trung tại Hòa Lạc. Ngoài ra, nhiều trường đã lập quy hoạch và cơ sở 2 tại các địa phương trong vùng Thủ đô Hà Nội (Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc). Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa khiến việc triển khai thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn chậm, gặp khó khăn là do nguồn vốn thực hiện công tác di dời, xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí và chưa có phương án xã hội hóa. Chưa xây dựng được cơ chế chính sách về tài chính phù hợp để khuyến khích, khai thác quỹ đất sau di dời có hiệu quả.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, xét về tầm nhìn xa việc di dời hệ thống các trường không phù hợp, không đáp ứng các tiêu chí nằm trong khu vực nội đô nhằm giảm áp lực hạ tầng giao thông là một chủ trương đúng phục vụ cho sự phát triển bền vững trong tương lai của các trường ĐH, CĐ nói riêng và Thủ đô nói chung. Tuy nhiên, để chủ trương được thực hiện có hiệu quả cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, vào cuộc tích cực của các bộ, ngành.
Phải đặc biệt quan tâm đến việc quản lý, điều hành quy hoạch vùng, đặc biệt là vùng Thủ đô nhằm tránh hiện tượng mất cân đối khi Hà Nội tập trung quá nhiều cơ sở, còn tại các tỉnh nằm trong vùng Thủ đô mặc dù đã có quỹ đất nhưng không tạo điều kiện để xây dựng các trường ĐH, cao đẳng.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm
Theo KTĐT
http://kinhtedothi.vn/giao-thong-ha-noi-nhin-tu-mua-dich-covid-19-som-di-doi-truong-dai-hoc-cao-dang-ra-khoi-noi-do-375817.html