Hà Nội dự kiến thu hơn 25.000 tỷ đồng từ đấu giá đất

Admin

27/12/2024 04:10

Số thu từ hoạt động đấu giá đất năm nay ước tính gấp đôi các năm trước.

Hà Nội đã thu được 18.599 tỷ đồng từ đấu giá đất sau 11 tháng. Ảnh: Thuỷ Tiên.

Theo báo cáo tham luận gửi Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành tài nguyên và môi trường, UBND TP Hà Nội cho biết đã thu được 18.599 tỷ đồng từ đấu giá đất sau 11 tháng. Số tiền thu được tương đương 74,08% kế hoạch TP đặt ra cho năm nay.

UBND TP Hà Nội cũng cho biết dự kiến đến hết năm sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là 25.105 tỷ đồng. Như vậy, số tiền thu được từ đấu giá đất năm nay cao gấp đôi các năm trước (trung bình gần 10.000 tỷ đồng mỗi năm).

Còn nhiều tồn tại

Bên cạnh những thành quả đạt được, UBND TP Hà Nội nhìn nhận hoạt động đấu giá đất còn tồn tại nhiều hạn chế.

Thứ nhất, theo quy định tại Luật Đất đai 2024, giá khởi điểm để đấu giá đất được xác định theo bảng giá đất. Một số nơi bảng giá đất còn thấp hơn giá thị trường, không có khả năng bù đắp chi phí, nguồn lực đầu tư tạo quỹ đất.

Thứ hai, khắc phục tình trạng bảng giá đất thấp hơn giá thị trường, UBND các quận, huyện, thị xã đã quy định bước giá, đấu giá nhiều vòng để đảm bảo giá khởi điểm của vòng tiếp theo sau các vòng bắt buộc sát với giá thị trường.

Tuy nhiên, Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản chưa điều tiết đầy đủ các nội dung có thể xảy ra trong các phiên đấu giá (tiền đặt cọc thấp - bằng 20% giá khởi điểm; chỉ nghiêm cấm các hành vi dìm giá mà không có quy định cấm đối với hành vi thông đồng nâng giá, "thổi" giá...) dẫn đến tình trạng người tham gia đấu giá trả giá cao hơn giá thị trường để trúng đấu giá, sau đó bỏ cọc hoặc trả giá cao bất thường và bỏ ngang trong phiên đấu (gây ra việc đấu giá không thành), nhằm "làm giá", "thổi giá" gây nhiễu loạn giá thị trường.

Thứ ba, hiện không có quy định người trúng đấu giá phải hoàn thành xây dựng nhà ở trong thời gian nhất định, dẫn đến tình trạng không đưa đất vào sử dụng, bỏ đất hoang, gây khó khăn trong quản lý quy hoạch, mất mỹ quan đô thị, lãng phí nguồn lực đất đai.

Thứ tư, một số quận, huyện, thị xã vẫn chịu áp lực thu ngân sách từ đấu giá đất nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, nên vẫn tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân xây dựng nhà ở.

Hoạt động đấu giá đã được kiểm soát

Trước những tồn tại trong hoạt động đấu giá đất, UBND TP đã yêu cầu các địa phương hạn chế việc đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, thay vào đó, ưu tiên đấu giá để thực hiện dự án đầu tư phát triển nhà ở.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất.

Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã được giao giám sát việc thực hiện phiên đấu giá, lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định, công bố danh sách công khai.

Công an TP có trách nhiệm phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

Thêm vào đó, Hà Nội yêu cầu các địa phương không tổ chức đấu giá các khu đất/thửa đất có giá khởi điểm thấp, không có khả năng bù đắp chi phí, nguồn lực đầu tư tạo quỹ đất, chuyển quỹ đất này sang làm các khu tái định cư phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.

"Đến nay, cơ bản công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Hà Nội đã được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả", báo cáo của UBND TP Hà Nội nêu.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo... Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.