Hi hữu: Người phụ nữ may mắn thoát "án tử" nhờ... cú ngã xe

Admin

02/12/2024 06:30

Trong trường hợp này, tai nạn giao thông trở thành tình huống may mắn giúp bà T. thoát "án tử".

Ngày 26/11, BS Nguyễn Quang Hưng, Đơn vị Ngoại Thần kinh, Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ cho biết, tại đây vừa can thiệp loại bỏ khối u não kích thước lớn cho bệnh nhân. Đây là trường hợp rất hi hữu, người bệnh tình cờ phát hiện khối u khi kiểm tra chấn thương vùng đầu sau tai nạn giao thông.

Đó là trường hợp nữ bệnh nhân L.B.T. (62 tuổi, quê Cần Thơ). Trước đó, bà T. bị va đập ở vùng đầu sau khi bị ngã xe do tai nạn giao thông. Để yên tâm, bà đã đến bệnh viện chụp CT sọ não. Kết quả ghi nhận, tai nạn giao thông chỉ khiến người bệnh bị chấn thương phần mềm.

Hi hữu: Người phụ nữ may mắn thoát "án tử" nhờ... cú ngã xe- Ảnh 1.

Khối u não có kích thước lớn nằm giữa đỉnh đầu của người bệnh

Tuy nhiên, trên hình ảnh kiểm tra ghi nhận, bệnh nhân có khối u não kích thước lớn (35 x 40mm) nằm giữa đỉnh đầu, chấn thương do tai nạn không liên quan đến khối u này. Tai nạn giao thông trở thành tình huống may mắn giúp bệnh nhân được chẩn đoán, điều trị khối u não. 

Hi hữu: Người phụ nữ may mắn thoát "án tử" nhờ... cú ngã xe- Ảnh 2.

Sau phẫu thuật loại bỏ khối u, sức khỏe bệnh nhân đã bình phục tốt

"Với kích thước lớn nhưng u chưa gây ra triệu chứng nào cho bệnh nhân, đi đứng bình thường, vì vậy không cần phải mổ cấp cứu. Tuy nhiên, việc phẫu thuật loại bỏ khối u càng sớm thì sẽ càng có lợi cho người bệnh, vì theo thời gian, khối u sẽ phát triển hơn, việc phẫu thuật sẽ trở nên khó khăn hơn", bác sĩ Hưng nói.

Sau khi hội chẩn nhiều chuyên khoa, các bác sĩ đã quyết định sử dụng phương pháp tắc mạch nuôi u trước mổ để giảm nguy cơ chảy máu trong lúc mổ.

"Việc tắc mạch trước mổ giúp ngăn dòng máu đến khối u, từ đó giảm lượng máu mất đi trong suốt quá trình phẫu thuật, đảm bảo ca mổ diễn ra an toàn và thuận lợi hơn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong ca này là khối kích thước khá lớn, lại nằm giữa đỉnh đầu, ngay vùng vận động cảm giác, nguy cơ chảy máu trong lúc mổ rất cao và có thể nguy hiểm trong lúc mổ, hoặc để lại di chứng yếu liệt sau mổ...", bác sĩ Hưng giải thích.

Tham khảo thêm
Căn bệnh khiến cụ bà 100 tuổi chảy máu trực tràng ồ ạtCăn bệnh khiến cụ bà 100 tuổi chảy máu trực tràng ồ ạt

Theo bác sĩ Hưng, ca phẫu thuật kéo dài gần 4 tiếng, các bác sĩ đã bóc tách thành công toàn bộ khối u khỏi mô lành. "Sau mổ, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, không yếu liệt, lượng máu mất không đáng kể, không cần truyền máu và đã xuất viện sau gần 1 tuần điều trị", bác sĩ Hưng thông tin.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Hưng khuyến cáo mọi người nên tầm soát sức khỏe chuyên sâu, ngay cả khi chưa có triệu chứng, hoặc khi có đau đầu nhẹ. Với công nghệ của trang thiết bị hiện nay như MRI, CT, tầm soát sẽ đưa ra hình ảnh bằng chứng cụ thể về những vấn đề bên trong não, mạch máu não.

"Nếu như đau đầu từ nguyên nhân bất thường về não như u não, dị dạng mạch máu não… thì can thiệp sớm, dự phòng được nguy cơ. Nếu đau từ các yếu tố khác như áp lực công việc, huyết áp tăng, thức khuya mất ngủ… có thể điều chỉnh dễ dàng hơn. Ngay cả khi không có triệu chứng rõ ràng, việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên vẫn rất quan trọng. Tầm soát sức khỏe giúp phát hiện những vấn đề tiềm ẩn mà ta không thể nhận biết được, chỉ qua cảm giác thông thường", bác sĩ Hưng cho biết.

Khánh Linh (t/h)