Khung giá điện chưa rõ ràng, nhà đầu tư "thiếu mặn mà"

Admin

17/01/2025 05:30

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, Bộ Công Thương sẽ ban hành những cơ chế đột phá, bao gồm sản lượng điện hợp đồng tối thiếu và quy trình lựa chọn nhà đầu tư rút gọn.

Nhà đầu tư "thiếu mặn mà"

Tại Hội nghị triển khai Chỉ thị 01 về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 (Chỉ thị 01) của Bộ Công Thương, đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, một số dự án vẫn đang gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong khâu lựa chọn chủ đầu tư và thủ tục triển khai.

"Dù đã có các nghị định và chỉ thị hướng dẫn từ Trung ương, nhưng nhiều dự án vẫn chưa được thực hiện quyết liệt, một phần do sự thiếu mặn mà của các nhà đầu tư trong bối cảnh khung giá điện chưa rõ ràng", đại diện tỉnh Ninh Thuận nói. 

Đáng chú ý, dự án LNG Cà Ná – một trong những dự án trọng điểm của Ninh Thuận, tỉnh cho biết sẽ cố gắng hoàn thiện các thủ tục cần thiết trong năm 2025.

Khung giá điện chưa rõ ràng, nhà đầu tư "thiếu mặn mà"- Ảnh 1.

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 01 (Ảnh: MOIT).

Về điện hạt nhân, tỉnh cũng thực hiện quyết liệt công tác tuyên truyền, triển khai nội dung về mặt bằng. Hiện người dân 2 vùng dự án đã có sự đồng tình rất cao.

Theo đó, địa phương kiến nghị làm rõ mốc thời gian triển khai các công tác liên quan cụ thể. Cùng với đó đề nghị EVN đẩy nhanh các dự án nguồn lưới điện tại địa bàn cùng với đó tỉnh cũng kiến nghị có điều chỉnh quy định với điện mặt trời tự sản tự tiêu,…

Tại hội nghị, đại diện UBND tỉnh Lào Cai cho biết tỉnh này đã thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc triển khai dự án đường dây 500kV qua địa bàn tỉnh. Tỉnh cho biết các điều kiện về giải phóng mặt bằng đã xong. Toàn bộ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự kiến sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2025.

Bên cạnh đó, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng, phù hợp với Quy hoạch Điện VIII và định hướng phát triển ngành.

Đại diện PVN cho biết, các dự án đang triển khai như cụm dự án Nhơn Trạch 3 và 4 đang được thực hiện đúng tiến độ, phù hợp với các quy định về tài chính và hướng dẫn kỹ thuật. Bên cạnh đó, dự án Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 cũng đang được khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết, bao gồm giải quyết tồn đọng với các nhà thầu thi công để sớm hoàn thiện.

Đối với các dự án dài hơi hơn như chuỗi khí Cá Voi Xanh, PVN đang tích cực làm việc với các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ.

Khung giá điện chưa rõ ràng, nhà đầu tư "thiếu mặn mà"- Ảnh 2.

Đại diện chủ đầu tư Công ty Cổ phần Điện khí LNG Thái Bình (Ảnh: congthuong).

“Trong trường hợp nhà đầu tư hiện hữu thiếu quyết tâm, PVN sẽ tìm kiếm các giải pháp thay thế, bao gồm cả việc huy động sự tham gia của các nhà đầu tư khác nhằm đảm bảo cơ sở triển khai các nhà máy điện sử dụng khí từ nguồn Cá Voi Xanh”, đại diện PVN nói.

Song song đó, PVN cũng đang nỗ lực xúc tiến các dự án điện gió ngoài khơi phục vụ cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Các dự án này được kỳ vọng tạo tác động tương hỗ, góp phần củng cố an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế.

Đại diện Công ty Cổ phần Điện khí LNG Thái Bình – chủ đầu tư dự án điện khí LNG Thái Bình, ông Nishimura, khẳng định dự án đang được triển khai tích cực với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ tỉnh Thái Bình và các cơ quan liên quan.

Ông Nishimura đánh giá cao việc Quốc hội thông qua Luật Điện lực sửa đổi và kỳ vọng Bộ Công Thương sớm ban hành các nghị định hướng dẫn chi tiết để hỗ trợ triển khai các dự án điện khí LNG. 

Ông cũng đề xuất việc ký kết hợp đồng mua khí LNG dài hạn phù hợp với thời hạn và điều khoản của hợp đồng mua bán điện (PPA) nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính. Hiện tại, một số quy định liên quan còn nhiều bất cập, cần được điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu thực tế của các nhà đầu tư.

Đồng thời, ông đề nghị cần hoàn thành cơ sở hạ tầng truyền tải đồng thời với thời điểm nhà máy điện LNG Thái Bình đi vào vận hành. Điều này sẽ đảm bảo việc giải phóng công suất, tối ưu hóa hiệu quả của dự án và góp phần duy trì sự ổn định của lưới điện quốc gia.

Sẽ ban hành những cơ chế đột phá

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh Bộ Công Thương đang triển khai quyết liệt việc ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Điện lực vừa được thông qua.

Thứ trưởng đặc biệt lưu ý về 2 nhóm dự án trọng điểm gồm các dự án khí hóa lỏng (LNG) và điện gió ngoài khơi, Luật Điện lực đã quy định rõ ràng 2 điểm then chốt: chuyển ngang giá khí và sản lượng điện hợp đồng tối thiểu.

Luật Điện lực đã có, không còn lý do gì để trì hoãn các dự án năng lượng trọng điểmBộ Công Thương: Đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần mới dừng lại ở "ý tưởng"

Các nghị định sắp ban hành sẽ chỉ tập trung cụ thể hóa 2 nội dung này, trong đó có khung đầu tư hợp lý và phù hợp cho hệ thống cảng biển và kho bến bãi LNG trong thời gian tới. Do đó, các nhà đầu tư và địa phương cần nghiên cứu kỹ để sẵn sàng triển khai.

Đối với các dự án điện gió ngoài khơi, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, Bộ Công Thương sẽ ban hành những cơ chế đột phá, bao gồm sản lượng điện hợp đồng tối thiếu, quy trình lựa chọn nhà đầu tư rút gọn, kể cả quy trình với tập đoàn lớn, trong đó có những doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

“Mục tiêu là đạt được công suất 6.000 MW như quy hoạch đến năm 2030. Tuy nhiên cần lưu ý rằng chỉ những dự án được chấp thuận và chỉ có nhà đầu tư hoàn thiện trước ngày 1/1/2031 mới được hưởng các cơ chế ưu đãi đặc biệt”, ông Long nhấn mạnh.

Thứ trưởng mong muốn có sự đồng hành chặt chẽ từ các địa phương và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ và đưa các dự án năng lượng sớm đi vào vận hành, đóng góp hiệu quả vào an ninh năng lượng Quốc gia.