Luật Điện lực đã có, không còn lý do gì để trì hoãn các dự án năng lượng trọng điểm

Admin

17/01/2025 04:08

Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào.

Bảo đảm tuyệt đối không để thiếu điện 

Tại Hội nghị triển khai Chỉ thị 01 về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 (Chỉ thị 01), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua đạt mức cao, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới.

“Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, hướng tới mức 2 con số. Để đạt được điều này, hạ tầng năng lượng cần được đầu tư mạnh mẽ, đảm bảo nguồn cung cấp điện tăng từ 10.000 - 12.000 MW mỗi năm”, ông Diên nhấn mạnh.

Cùng với việc Luật Điện lực (sửa đổi) đã được thông qua thì hàng loạt các nghị định mới của Chính phủ để bảo đảm quy hoạch Điện VIII và sắp tới là Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh sẽ được triển khai đúng luật, bảo đảm an ninh năng lượng. 

Luật Điện lực đã có, không còn lý do gì để trì hoãn các dự án năng lượng trọng điểm- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: MOIT).

Bộ trưởng nêu rõ, trong Luật Điện lực đã ghi rất rõ, và dự thảo nghị định cũng đã cơ bản hoàn tất trình lên Chính phủ và bây giờ Bộ Tư pháp đang thẩm định cũng thể hiện rất rõ nếu chủ đầu tư nào không thực hiện theo tiến độ cam kết thì Chính phủ kiên quyết thu hồi. Khi đã thu hồi như vậy thì nhà đầu tư phải chịu.

Để đảm bảo tiến độ, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc họp với các địa phương, bộ ngành, và các chủ đầu tư có dự án đã được xác định nhưng đến bây giờ tiến độ vẫn chậm.

Bộ trưởng cho biết Luật Điện lực đã chính thức cho phép Chính phủ quy định cơ chế đặc thù cho điện khí. Các kiến nghị của các chủ đầu tư từ lâu đã "trở thành hiện thực", như vậy Bộ trưởng khẳng định không còn lý do để trì hoãn, nếu trì hoãn thì buộc Chính phủ phải thu hồi. 

Chính phủ yêu cầu giải quyết vướng mắc phát triển điện gió ngoài khơiBộ Công Thương: Đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần mới dừng lại ở "ý tưởng"

Về điện gió ngoài khơi luật đã cho phép, dự thảo nghị định cũng đã trình lên Chính phủ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho cả tập đoàn kinh tế Nhà nước và cả ngoài Nhà nước tiến hành các bước triển khai cần thiết.

Theo Bộ trưởng, tinh thần là cả điện khí và điện gió ngoài khơi được xem xét cấp phép trong giai đoạn này đều đưa vào vận hành, hoà lưới quốc gia trước ngày 31/12/2030, nếu không sẽ mất quyền hưởng các cơ chế ưu đãi và đối mặt với chế tài xử phạt, xử lý trách nhiệm.

Để chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo đối với các dự án nguồn điện, dự án Nhơn Trạch 3,4 đã xác định phải đưa vào vận hành quý I/2025.

“Đề nghị chủ đầu tư quyết liệt hoàn tất các thủ tục cần thiết phấn đấu hòa lưới điện, phát điện thương mại trong quý I, muộn nhất quý II/2025, bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng”, ông Diên nhấn mạnh.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng trọng điểm

Đối với các dự án điện khí đã có chủ đầu tư bao gồm Hiệp Phước giai đoạn 1, Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Trạch 2, Hải Lăng giai đoạn 1, BOT Sơn Mỹ I, BOT Sơn Mỹ II, Bạc Liêu, Long An, Ô Môn 1,2,3,4, ông Nguyễn Hồng Diên đề nghị các chủ đầu tư phải rất khẩn trương hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành trước năm 2030.

Đối với các dự án chưa có chủ đầu tư bao gồm: Thanh Hóa, Nghệ An và Ninh Thuận, Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải lựa chọn được nhà đầu tư chậm nhất quý I/2025. 

Đồng thời, đề nghị các địa phương tách các dự án ra không nên gộp dự án nhà máy với dự án về hạ tầng khí (kho, bãi, cảng) bởi vì “Quy hoạch kho bãi cảng chuyên dụng cho khí đã được xác định trong quy hoạch hạ tầng xăng dầu khí đốt quốc gia”.

“PVN cần căn cứ quy định pháp luật khẩn trương ký hợp đồng mua bán khí với chủ đầu tư dự án trong chuỗi khí Lô B và phấn đấu hoàn thành các dự án điện khí Ô Môn 3,4 với vai trò là chủ đầu tư”, ông Diên nói.

Đối với EVN, cần đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các dự án nguồn điện đang triển khai sớm so với kế hoạch từ 6 tháng trở lên.

Bộ trưởng đề nghị: “Dự án nào cũng phải sớm so với kế hoạch, đặc biệt dự án Quảng Trạch 1 trong năm 2027, Hòa Bình mở rộng trong 2025, Trị An mở rộng và Thủy điện tích năng Bắc Ái được khởi động trong quý I/2025”.

Các dự án nguồn khác mà EVN đang triển khai, có cả dự án liên danh với nhà đầu tư Thái Lan, nếu như nhà đầu tư Thái lan và Malaysia không thực hiện được thì EVN cũng rà soát lại năng lực của mình và đề xuất trong tháng 1/2025.

Điện khí LNG Việt Nam: Khó khăn "bủa vây" trong thu hút đầu tưCập nhật quan trọng về dự án điện gió 7.000 MW đầy tham vọng

"Nếu làm được thì Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ xem xét giao cho EVN đầu tư nhà máy này trong trường hợp đặc biệt. Đây là dự án nguồn đặc biệt quan trọng thì chúng ta sẽ giao trong trường hợp đặc biệt của Luật Điện lực, có hiệu lực từ ngày 1/2/2025", ông nói.

Bộ trưởng yêu cầu EVN phải tập trung thi công hoàn thành đường dây 500kV Mosoon – Thạnh Mỹ vào quý I/2025, hoàn thành muộn nhất vào quý II/2025. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư dự án đường dây truyền tải các công trình thủy điện và nhiệt điện từ Lào bắt đầu tư năm 2025.

Theo Bộ trưởng, đến ngày 28/2/2025 sẽ có quy hoạch điện VIII điều chỉnh và ngay sau đó Bộ Công Thương phải xây dựng và công bố kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh điều này mang lại dư địa rất lớn cho các nhà đầu tư.

“Thời hạn sau này khi trình Chính phủ cơ chế cho các nhà đầu tư được hưởng cơ chế giá theo Nghị định ban hành thì phải nghiên cứu, mở rộng đến năm 2032 hoặc 2034 do điện gió ngoài khơi thời mất nhiều thời gian khảo sát", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ trưởng theo thông báo, kết luận các kỳ giao ban và các kỳ họp.

Cục Điện lực, Cục Điều tiết Điện lực phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Điện lực để trình Chính phủ và trình Bộ ban hành áp dụng từ 1/2/2025.

Cục Điện lực phối hợp với Viện Năng lượng khẩn trương hoàn thành rà soát trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trước 28/2/2025.