Làn sóng xe Trung Quốc giữa cuộc chiến ôtô Hàn Quốc và Nhật Bản

Admin

25/11/2024 06:30

Các hãng xe Trung Quốc tìm đường trở lại, mang theo kỳ vọng chinh phục khách Việt và phá vỡ cuộc chiến song mã giữa ôtô Hàn Quốc và Nhật Bản.

xe Han Nhat anh 1

 

Ôtô Trung Quốc từng tìm cách xâm nhập thị trường Việt Nam cách đây hơn chục năm, nhưng thất bại trước sức ảnh hưởng quá lớn của xe Nhật Bản và Hàn Quốc đến khách Việt.

Ở lần trở lại này, ôtô Trung Quốc mang theo “vũ khí” điện hóa cùng sự tự tin khi đã thành công ở các thị trường Đông Nam Á, kỳ vọng phá vỡ thế cục song mã Nhật-Hàn tại Việt Nam.

Thế song mã trải khắp thị trường

Ôtô Hàn-Nhật đang tạo ra cuộc đua song mã tại Việt Nam ở nhiều phân khúc khác nhau, từ xe cỡ nhỏ cho đến SUV đô thị, MPV giá rẻ và cả những mẫu SUV cỡ lớn.

Ở nhóm xe cỡ A, Hyundai Grand i10 và Kia Morning từng là những mẫu xe phổ biến nhất. Sau giai đoạn ngắn ngủi của VinFast Fadil, Hyundai Grand i10 quay trở lại ngôi đầu, còn Kia Morning dần tụt lại phía sau so với Toyota Wigo.

Phân khúc SUV cỡ A từng khá mới mẻ tại Việt Nam, ban đầu chỉ là cuộc đua song mã giữa Kia Sonet và Toyota Raize nhưng nay có thêm Hyundai Venue và xe điện VF 5 của VinFast.

Hai nhóm xe này cũng là “chiến trường” hiếm hoi chứng kiến xe Hàn vượt trội về số lượng so với đối thủ Nhật Bản.

Phân khúc MPV cỡ nhỏ tại Việt Nam từng có thời gian dài chỉ toàn sự góp mặt của những mẫu xe Nhật Bản, bao gồm các đại diện Mitsubishi Xpander, Toyota Avanza Premio, Toyota Veloz Cross, Suzuki XL7, Suzuki Ertiga.

Các hãng xe Hàn Quốc tham gia phân khúc này khá muộn với Kia Carens, Hyundai Stargazer, bên cạnh một mẫu xe Nhật khác là Honda BR-V. Dù đã có thêm các mẫu xe Hàn, nhóm MPV cỡ nhỏ vẫn chứng kiến sự áp đảo của ôtô Nhật Bản khi Mitsubishi Xpander, Toyota Veloz Cross và cả Suzuki XL7 thường xuyên nhằm trong top bán chạy.

Phân khúc SUV cỡ B năm ngoái từng chứng kiến cuộc đua song mã thú vị giữa Hyundai Creta và Toyota Corolla Cross, mà kết quả chỉ được định đoạt trong tháng cuối năm.

Bước sang năm 2024, nhóm SUV đô thị của Nhật Bản với những Toyota Yaris Cross, Mitsubishi Xforce đang dẫn đầu, còn các đại diện Hàn Quốc gồm Hyundai Creta và Kia Seltos vẫn chật vật ở vị trí giữa bảng thống kê doanh số.

Tương tự là tình hình ở phân khúc SUV cỡ C, nơi Mazda CX-5 cho thấy sức bán áp đảo các đối thủ. Doanh số Mazda CX-5 hiện bỏ xa Ford Territory, Honda CR-V, Hyundai Tucson, Kia Sportage và cao gấp gần 10 lần doanh số đồng hương Mitsubishi Outlander.

Nhóm SUV cỡ D chứng kiến sự áp đảo của một mẫu xe Mỹ là Ford Everest, nhưng Hyundai Santa Fe cũng bán nhỉnh hơn các đối thủ gồm Toyota Fortuner, Mazda CX-8, Kia Sorento hay Mitsubishi Pajero Sport và Isuzu mu-X.

Lợi thế ở phân khúc MPV cỡ trung và cỡ lớn lần lượt thuộc về Toyota Innova Cross và Kia Carnival. Số lượng đại diện Hàn, Nhật ở phân khúc này không nhiều, doanh số của từng mẫu xe cũng không quá ấn tượng.

Một trong những điểm nóng trong cuộc chiến ôtô Hàn-Nhật tại Việt Nam nằm ở phân khúc sedan cỡ B.

Hiện, Toyota Vios đang tạm dẫn đầu nhưng khoảng cách với Hyundai Accent chỉ xấp xỉ 1.000 xe.

Cuộc đua cho ngôi đầu phân khúc sedan giá rẻ vì thế vẫn chưa được định đoạt, và phần thắng có thể thuộc về bất kỳ bên nào khi số liệu bán hàng tháng 12 được công bố.

Nhìn chung, cuộc chiến ôtô Hàn Quốc và Nhật Bản luôn là một đề tài thú vị tại Việt Nam, chủ yếu vì mức độ phổ biến của nhóm xe các thương hiệu này cùng những câu chuyện bên lề liên quan giá bán và doanh số.

Tuy nhiên, cuộc đối đầu này đang bị đe dọa bởi làn sóng đổ bộ thứ hai của ôtô Trung Quốc đang diễn ra tương đối mạnh mẽ tại Việt Nam.

Nhưng tân binh tới từ Trung Quốc

MG là một trong những hãng xe có thời gian hiện diện lâu nhất tại Việt Nam, hiện sở hữu dải sản phẩm từ sedan cho đến SUV, cả xe xăng và ôtô thuần điện.

Wuling là hãng xe Trung Quốc đầu tiên mang ôtô điện về Việt Nam với Wuling Mini EV, có giá khởi điểm 239 triệu đồng ở thời điểm ra mắt. Hiện, Wuling Mini EV chỉ còn một phiên bản, giá bán 197-231 triệu đồng và vẫn đang là ôtô rẻ nhất thị trường.

Đơn vị phân phối TMT Motors mới đây vừa giới thiệu thêm Wuling Bingo, mẫu xe điện định vị trong phân khúc hatchback/SUV cỡ A, tức đối đầu trực tiếp với những Hyundai Grand i10, Toyota Wigo, Kia Sonet và Toyota Raize.

BYD ra mắt Việt Nam hồi tháng 7, trình làng 3 mẫu xe điện đầu tiên gồm hatchback BYD Dolphin, crossover đô thị BYD Atto 3 cùng sedan cỡ D mang tên BYD Seal.

Hãng xe Trung Quốc sau đó mang về thêm BYD Han (sedan điện cỡ E), BYD M6 (MPV cỡ trung) và gần nhất là BYD Tang, định vị trong phân khúc SUV cỡ D.

GAC đánh dấu sự hiện diện tại Việt Nam bằng bộ đôi GAC GS8 và GAC M8, lần lượt trong phân khúc SUV cỡ D và MPV cỡ lớn. Hãng xe Trung Quốc tiếp tục trình làng GAC M6 Pro, mẫu MPV cỡ trung cạnh tranh cùng Toyota Innova Cross, Hyundai Custin và BYD M6.

Aion - thương hiệu xe điện thuộc tập đoàn GAC - chọn chào sân thị trường Việt Nam bằng Y Plus (crossover điện cỡ B+) và ES, một mẫu sedan điện cỡ C+.

Lynk & Co ra mắt Việt Nam bằng những mẫu xe tiền tỷ như 01, 03, 05 hay 09 nhưng sau đó sớm giới thiệu SUV cỡ B Lynk & Co 06, sở hữu giá bán được đánh giá là khá cạnh tranh trong phân khúc.

SUV cỡ B cũng là lựa chọn chào sân của Omoda khi ngay trong tháng 11 này, Omoda C5 sẽ chính thức ra mắt khách Việt sau thời gian dài thăm dò.

Có thể thấy, ôtô Trung Quốc đã bắt đầu hiện diện tại Việt Nam ở hầu hết phân khúc. Những điểm nóng của thị trường như xe cỡ nhỏ, SUV đô thị hay MPV đều có sự góp mặt của ôtô Trung Quốc với đa dạng tùy chọn xăng, điện.

Giá bán vẫn còn là đề tài gây tranh cãi nhưng với mức độ bao phủ hiện nay của xe Trung Quốc, thế đối đầu lưỡng cực của ôtô Hàn Quốc và Nhật Bản gần như sẽ sớm bị phá vỡ.

Có cần thay đổi?

Ôtô Trung Quốc đang nổi lên như một thế lực, nhanh chóng chiếm thị phần tại các quốc gia trong khu vực nơi đặt chân đến. Điện hóa được xem là “vũ khí” mạnh nhất của nhóm thương hiệu này, một phần nhờ sự phát triển đáng kinh ngạc của số lượng hãng khởi nghiệp xe điện ở quê nhà.

Chẳng hạn ở Thái Lan, doanh số chung của nhóm ôtô Trung Quốc chiếm đến 11% thị phần xe mới. Riêng trong mảng ôtô năng lượng mới, các hãng gồm BYD, MG, Great Wall Motors, Neta, GAC Aion, Changan, Chery đã nắm giữ đến 80% thị phần trong năm 2023, theo Equal Ocean.

Còn tại Indonesia, các thương hiệu xe Trung Quốc như BYD, Wuling và Chery cũng đang dẫn đầu thị trường xe điện xứ vạn đảo.

Theo CNA, Wuling đã có nhà máy ở Indonesia, hiện đạt công suất 120 xe/ngày, còn BYD cũng đầu tư 1,3 tỷ USD cho nhà máy xe điện ở quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, dự kiến hoạt động từ tháng 1/2026.

xe Han Nhat anh 14

BYD và các thương hiệu xe Trung Quốc nhanh chóng gặt hái thành công ở các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh: BYD Thailand.

Sự thành công tại các nước lân cận trong khu vực là cơ sở để các hãng xe Trung Quốc, nhất là xe điện, tự tin tấn công thị trường Việt Nam. Dù nước ta vẫn đang là “thành trì” của xe Hàn và Nhật, cuộc đổ bộ lần thứ hai của ôtô Trung Quốc vào Việt Nam vẫn có thể gây ra ít nhiều những khó khăn cho các hãng xe có lịch sử gắn bó lâu năm.

Trước áp lực từ làn sóng ôtô Trung Quốc, các hãng xe Hàn Quốc và Nhật Bản cần có “vũ khí” mới để đối đầu, và khả thi nhất có lẽ là xe năng lượng mới, gồm xe thuần điện hoặc các mẫu hybrid và hybrid cắm sạc.

Nếu xe thuần điện vẫn còn là một địa hạt khó khai thác và không dễ thành công thì phân khúc xe hybrid xem chừng khả thi hơn. Ở cuộc đua này, xe Nhật một lần nữa dẫn trước các thương hiệu Hàn Quốc.

Toyota đang là cái tên “sừng sỏ” nhất trong mảng xe hybrid tại Việt Nam với tổng cộng 6 mẫu xe trang bị hệ truyền động lai xăng-điện. Hãng xe Nhật Bản này cũng có Toyota Innova Cross, đang là mẫu xe hybrid có doanh số cao nhất Việt Nam.

Suzuki từng có Ertiga Hybrid trong dải sản phẩm tại Việt Nam, nhưng hiện được thay thế bằng Suzuki XL7 Hybrid. Honda có phiên bản hybrid của Honda CR-V, vừa bổ sung thêm phiên bản e:HEV cho Honda Civic.

Nissan Kicks cũng là một mẫu xe lai của thương hiệu Nhật Bản đang có mặt trên thị trường Việt nhưng không công khai doanh số chi tiết.

Ở nhóm xe Hàn, Kia hiện chỉ có Sorento là dòng xe duy nhất trang bị động cơ hybrid, nhưng cũng là lựa chọn hybrid cắm sạc duy nhất trong nhóm xe phổ thông tại Việt Nam. Hyundai từng có Santa Fe phiên bản hybrid, nhưng biến thể này đã bị loại bỏ ở thế hệ mới nhất.

Nhìn chung, các hãng xe Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam dường như vẫn tạm an toàn trước làn sóng đổ bộ của ôtô Trung Quốc, ít nhất là đến thời điểm này.

Tuy nhiên nếu không có sự thay đổi và nhanh chóng thích nghi với xu hướng điện hóa, rất có thể thế trận lưỡng cực tại Việt Nam sẽ nhanh chóng chuyển thành tam mã.