Những chuyến đi chơi giúp gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Ảnh: T.H. |
Nói một cách đơn giản, hiện diện với cảm xúc tức là bạn đặt toàn bộ sự chú ý của mình vào sự việc đang diễn ra trong thời điểm hiện tại. Nó trái ngược với việc xao nhãng hoặc kiêm nhiệm nhiều việc một lúc.
Tiếp xúc mặt đối mặt, mắt nhìn mắt là cách đảm bảo để khiến trẻ biết rằng bạn đang chú ý lắng nghe. Có nhiều lúc việc giao tiếp trực diện bằng mắt có thể khiến trẻ cảm thấy quá căng thẳng. Nếu thế, thi thoảng bạn hãy nhìn đi chỗ khác. Đôi khi bạn có thể nói chuyện khi đang ngồi cạnh con; ví dụ, trong xe hơi hoặc khi đang làm việc cùng nhau như xếp đồ chơi hay dọn bàn ăn.
Trong những trường hợp đó, bạn có thứ mà tôi gọi là “ánh mắt giao nhau trong tưởng tượng”, là nơi sự chú ý và hiện diện của bạn thay thế cho việc tiếp xúc thực bằng mắt.
Hãy cố gắng để thể hiện sự cởi mở. Hãy thả lỏng cơ thể. Không khoanh tay, không rung chân, không lén nhìn vào ti vi hay điện thoại. Mỉm cười hoặc ít nhất là duy trì nét mặt bình thường để thể hiện sự quan tâm của bạn.
Không điện thoại di động, không máy tính, không ti vi, không trò chơi điện tử để tránh xao nhãng. Không gì bực bội bằng đang ở giữa một cuộc thảo luận quan trọng thì đối phương lại quay mặt đi, kiểm tra điện thoại của họ, trả lời tin nhắn hoặc liếc vào màn hình. Những xao nhãng kiểu ấy cho thấy rằng bất cứ ai hay việc gì khác cũng quan trọng hơn.
Hãy ngồi xuống hoặc đứng gần con bạn. Cố gắng làm sao để mắt bạn bằng với tầm mắt của con. Hãy chạm nhẹ vào tay hoặc lưng con để vỗ về. Khi bạn đang nói, hãy chỉ nói mà đừng làm gì khác.
Nhà tâm lý, tiến sĩ Rick Han gợi ý là có năm dạng quan tâm có thể đem đến cơ hội thể hiện sự trân trọng của bạn dành cho trẻ. Chúng là: Không bị gạt ra rìa, được nhìn thấy, được trân trọng, được thích và được yêu.
Trong những tương tác hàng ngày, khi bạn thể hiện những hình thức quan tâm này, con bạn sẽ thực sự cảm thấy mình tồn tại và được trân trọng trong mắt bạn. Việc lặp đi lặp lại những hành vi quan tâm này, theo thời gian, sẽ củng cố sự gắn bó bền chặt và xác lập một cái khung cho sức khỏe cảm xúc vươn lên.
Trong gia đình bạn, sẽ có nhiều lần bạn thật sự cần phải lắng nghe chuyện xảy ra giữa con và người cha/người mẹ ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách ranh giới kia và trân trọng sự thật của con. Ví dụ: “Con đúng rồi, bố đã vô lý khi quát con thế. Con chẳng làm gì để đến nỗi phải hứng chịu cơn giận của bố cả.Thế là không công bằng.”
Với một loạt câu nói như thế, bạn đã thể hiện bạn trân trọng cảm xúc của con, nói lên cảm xúc có thể có của con lúc này và bạn cho con cảm giác được quan tâm, được lắng nghe, được nhìn nhận và hỗ trợ.
Hãy trở thành đồng minh của con. Chú ý đến đời sống của con. Biết rõ sở thích, bạn bè, nỗi sợ và những khó khăn của con. Hãy dành thời gian bên nhau. Hãy lắng nghe và đứng về phía con. Hãy để con biết rằng bạn luôn ở đó vì con.
Mới đây, tôi chứng kiến một ví dụ thấm thía về việc cha mẹ đánh giá cao và tham gia cùng con trai mình. Trong khu vực đậu xe của câu lạc bộ sức khỏe, tôi đi sau một bà mẹ, một ông bố, cô con gái và cậu con trai lúc đó đang tiến về phía chiếc xe của họ. Bà mẹ rõ ràng rất bực bội, nỗi tức giận của cô ấy tỏa ra như những vòng sóng.
Cô ấy quay sang cậu con trai lúc này đang đi bên cạnh bố ở đằng sau, và cô nói gì đó làm cậu bé tổn thương. Tôi không nghe rõ câu nói đó là gì nhưng tác động của nó thì thấy rõ, cô ấy đã có một cú tát thẳng vào mặt cậu bé bằng lời nói. Cậu bé, chừng như chín hay 10 tuổi gì đó, cúi đầu ủ rũ và bước chậm lại.
Sau một vài bước, bố cậu đã đến và đặt tay lên vai cậu, và cứ giữ thế khi họ bước đi. Một cử chỉ vỗ về rất đơn giản thế thôi nhưng nói được bao điều. “Có bố ở đây trông chừng con rồi.” Cử chỉ ấy như muốn nói vậy. “Con không cô đơn đâu.”
Một trong những món quà đáng quý nhất mà ta có thể trao cho người khác là lắng nghe sâu sắc. Tức là cho người ta toàn bộ sự chú ý của ta, không lởn vởn ý nghĩ trong đầu nên nói gì tiếp theo, không cố đưa ra lời khuyên hay chỉ trích, không cố lái câu chuyện về bản thân chúng ta mà cởi mở trái tim và tâm trí để đón nhận những điều họ đang nói. Chúng ta chỉ cần thu nhận lời nói của họ trong một không gian an toàn. Bạn càng lắng nghe con, con càng nghe lời bạn.
Trong một cuộc giao tiếp lành mạnh, hiệu quả, có người gửi và người nhận, mỗi người đóng một vai trò quan trọng. Để giao tiếp hiệu quả, cần phải có một sự kết nối, tức là những gì trao đi sẽ được nhận và những gì được nhận sẽ phải được thừa nhận.
Điều này nghe có vẻ cơ bản đến khó tin nhưng trên thực tế, muốn giao tiếp hiệu quả, chúng ta phải tập luyện. Nếu bạn là người nói, người gửi thông điệp, thì hãy nói sao cho rõ ràng, trực diện và nhân văn. Đừng kỳ vọng người khác tự hiểu hoặc có thể biết được ý bạn thông quan trực giác bằng thuật đọc tâm.
Nếu bạn là người nhận, người nghe, thì hãy để người nói biết rằng bạn đang lắng nghe họ. Có thể biểu hiện thông qua một cái gật đầu, một nụ cười, một câu đệm nào đó hoặc một phản hồi trực tiếp. Mỗi lần nói chuyện với con cái là một lần bạn làm gương cho con về kỹ năng giao tiếp và đó chính là cách chúng học hỏi.
Trong những tương tác gần đây, bạn có vô vàn cơ hội dạy trẻ trở thành người nói tốt và người nhận thông tin tốt, dạy trẻ gọi tên cảm xúc của mình, dạy trẻ quả quyết thay vì hung hăng, dạy trẻ tìm hiểu vấn đề và tìm ra giải pháp.