Thị trường chứng khoán tăng nhẹ từ đầu năm nhưng đa số cổ phiếu vẫn giảm điểm, hoặc có hiệu suất thua VN-Index. Không ít nhà đầu tư có cảm giác khó kiếm lời trên thị trường khi đà tăng chủ yếu tập trung trên một vài nhóm cổ phiếu. Tình trạng này được đánh giá sẽ còn thử thách tính kiên nhẫn của nhà đầu tư trong ngắn hạn.
Mặt khác, sự phân hoá trên thị trường lại mở ra cơ hội để gom những cổ phiếu với tỷ suất lợi tức (cổ tức tiền mặt/thị giá) cao, phục vụ nhu cầu đầu tư dài hạn. Thị trường chứng khoán Việt Nam không thiếu cổ phiếu có truyền thống chi trả cổ tức cao lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm %, kèm theo đó là tỷ suất lợi tức vượt trội so với lãi suất tiền gửi ngân hàng (mặt bằng khoảng 5%).

Thống kê sơ bộ dựa trên cổ tức tiền mặt cho năm 2024 và thị giá hiện tại có thể kể ra rất nhiều cái tên cho tỷ suất lợi tức trên 5% như SLS, BMP, PAT, DVP, SAB, VNM, CAP, IFS,… Đặc biệt, có một vài trường hợp như CPH ghi nhận tỷ suất này lên đến hơn 650% do hoạt động chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ cao nhiều năm khiến thị giá điều chỉnh chỉ còn 300 đồng.
Thị giá cổ phiếu điều chỉnh khi chia cổ tức, giá vốn của nhà đầu tư cũng được điều chỉnh giảm tương ứng. Với các cổ phiếu có truyền thống chia cổ tức tiền mặt cao hàng năm, các cổ đông nắm giữ lâu dài thậm chí còn có giá vốn gần bằng 0. Khoản tiền cổ tức nhận được hàng năm trở thành thu nhập thụ động giúp nhà đầu tư có thể chi tiêu trong cuộc sống hoặc tiếp tục tái đầu tư.
Hơn nữa, cổ tức tiền mặt cao, đều đặn cũng phần nào cho thấy phần nào cho thấy sức khoẻ của doanh nghiệp. Chính sách cổ tức được duy trì trên nền tảng doanh nghiệp “ăn nên, làm ra”. Lợi nhuận ổn định, thậm chí tăng trưởng qua từng năm cũng sẽ thúc đẩy cổ phiếu trên thị trường đi lên, tạo ra lãi kép cho nhà đầu tư.
Thực tế cho thấy, nhóm có truyền thống chia cổ tức cao đều đặn hàng năm đa phần nằm trong lĩnh vực sản xuất. Các doanh nghiệp này thường xuyên duy trì lợi nhuận ổn định, một số trường hợp tăng trưởng đều tạo tiền đề cho chính sách cổ tức phóng khoáng. Thêm nữa, khá nhiều trong số này là doanh nghiệp có vốn Nhà nước và việc chia cổ tức cao là điều gần như bắt buộc.
Cần phải lưu ý rằng, trường phái “ăn chắc, mặc bền” với cổ tức sẽ phù hợp với nhà đầu tư dài hạn bởi trong ngắn hạn, hoạt động chia cổ tức không mang nhiều ý nghĩa. Việc đu theo sóng cổ tức đôi khi dẫn đến tình trạng “kẹp hàng” trong ngắn hạn. Với tâm lý đầu cơ lướt sóng, nhiều trường hợp nhà đầu tư không đủ kiên nhẫn nắm giữ, bỏ lỡ cơ hội sinh lời hấp dẫn trong dài hạn.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động khó lường, trường phái đầu tư ăn cổ tức càng trở nên hiệu quả hơn. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều quỹ đầu tư lớn trên thị trường đều đã tham gia vào cuộc chơi này. Mới nhất là sự xuất hiện của Quỹ đầu tư Cổ phiếu Cổ tức Tăng trưởng KIM (KDEF) – quỹ mở nội địa đầu tiên trong hệ sinh thái của KIM Việt Nam.
Trước KIM Việt Nam, nhiều tổ chức lớn trên thị trường như Dragon Capital, VinaCapital, VCBF, UOBAM cũng đã ra mắt các quỹ mở có yếu tố cổ tức. Mặc dù có những chiến lược đầu tư riêng nhưng nhìn chung, danh mục của các “cá mập” này đều hướng đến các doanh nghiệp hàng đầu có lợi suất cổ tức hấp dẫn, dòng tiền bền vững và tiềm năng tăng trưởng dài hạn.