Chiều 28/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết lũ trên sông Vu Gia (Quảng Nam) đang lên rất nhanh, mực nước lúc 16h ngày 28/10 tại Ái Nghĩa là 7,55 m - dưới báo động 2 là 0,25 m.
Theo dự báo, lũ đặc biệt lớn trên sông Vu Gia sẽ lên trên báo động 3 đến 0,43 m.
Cùng ngày, Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Mi thông báo vận hành hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4 (tăng lưu lượng xả tràn lần 2).
Theo đó, lưu lượng thủy điện Đăk Mi 4 đang xả xuống hạ du là 5.100 m3 nước/s. Ước tính lưu lượng xả tràn lúc 15h30 chiều 28/10 là 11.400 m3/s.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trường hợp thủy điện Đăk Mi 4 xả xuống hạ lưu với mức dự kiến 11.400 m3/s, từ 6 đến 12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa có khả năng tăng lên mức 11,2 m- trên báo động 3 là 2,2 m. Mức này vượt mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,43 m.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo nguy cơ cao gây ngập lụt sâu trên nhiều vùng trũng thấp và sạt lở tại các huyện Nam Giang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, TP Hội An và TP Đà Nẵng.
Ảnh: Duy Anh.
Cầu sắt ở Kon Tum bị lũ cuốn trôi
Ảnh hưởng bão số 9, mưa lớn khiến nước lũ dâng cao, cuốn trôi cầu Đắk Pne, huyện Kon Rẫy, Kon Tum, hàng trăm hộ dân bị chia cắt.
Trao đổi với Zing tối 28/10, ông Trịnh Xuân Sâm, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết hàng loạt khu dân cư ở địa phương bị cô lập hoàn toàn do lũ dâng cao sau bão số 9.
Hiện, nhiều tuyến đường nối về trung tâm thị trấn Chợ Chùa và đường về các xã Hành Thuận, Hành Minh, Hành Dũng, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Trung, Hành Đức của huyện Nghĩa Hành bị ngập sâu hơn 1m.
Riêng vùng trũng xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, có nơi nước lũ tràn vào nhà dân từ 1,5 đến 2m. Hầu hết hộ dân vùng nguy cơ ngập lũ đã được sơ tán đến các trường học, nhà văn hóa thôn ở vùng cao trú tránh tạm. Thống kê sơ bộ, hơn 6.000 hộ dân ở huyện này bị ngập sâu trong lũ sau bão số 9.
Nước lũ dâng cao tại nhiều khu vực ở tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Ngôn.
Chỉ đạo công tác ứng phó sau bão số 9, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm, những nơi nước ngập sâu.
Cùng với đó, đảm bảo an toàn hồ đập, đặc biệt ở Quảng Nam - nơi có nhiều hồ đập, thủy điện. “Phải vận hành an toàn, không để các hồ chứa ảnh hưởng đến tình hình chung. Các lực lượng cần tập trung ứng phó với phương châm ‘bốn tại chỗ’, chủ động mọi phương án trong tình huống xấu nhất, giảm thiểu thiệt hại cho người dân”, Phó thủ tướng yêu cầu.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình sau bão tại Quảng Nam. Lúc này, nhiều nơi trên địa bàn đã ngập nước. Ảnh: Đoàn Bắc.
Sơ tán khẩn 12.000 người dân ở Quảng Ngãi
Kiểm tra công tác khắc phục bão số 9 và ứng phó với lũ lớn sau bão tại các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh nhiệm vụ khẩn trương phòng chống lũ.
Sau bão số 9, mực nước lũ dâng cao vượt mức báo động 3 trên các sông Vệ và sông Trà Câu ở các địa bàn trên. Do vậy, nữ Bí thư yêu cầu khẩn trương sơ tán khoảng 12.000 người dân vùng trũng thấp ven sông, vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi tránh lũ an toàn.
Nước lũ dâng cao trên sông Vệ chảy qua huyện Tư Nghĩa và Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: T. Phương.
Ảnh: Văn Chương.
Theo ông Hòa, người dân trong thôn đã được đưa đi sơ tán đến nơi an toàn. "Một số xã, thị trấn trên địa bàn cũng bị ngập. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thống kê được cụ thể", ông Hoà nói.Tối 28/10, ông Phan Thanh Hòa, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đắk Glei (Kon Tum), cho biết chiều cùng ngày, nước từ thượng nguồn đổ về khiến hơn 60 hộ dân ở thôn Đắk Đoak, xã Đắk Pet, ngập sâu hơn nửa mét.
Tối 28/10, Công ty Cổ phần thủy điện Đắk Mi có thông báo mới về việc vận hành hồ chứa thủy điện. Theo đó, công ty bắt đầu vận hành xả lũ từ 19h30 tối nay, với lưu lượng xả tràn dự kiến 3.000 m3/s. Theo công ty, việc này nhằm vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sau đó đã điều chỉnh cảnh báo lũ trên sông Vu Gia. Theo đó, lũ trên sông hiện đang lên nhanh. Lúc 19h, trạm Ái Nghĩa đo được mức lũ ở sông Vu Gia là 8,73 m - dưới báo động 3 là 0,27 m.
Cơ quan khí tượng cho biết lưu lượng thủy điện Đắk Mi 4 đang xả xuống hạ du là 4.222 m3/s. Nếu duy trì mức này, trong 6-12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa có khả năng lên mức 9,8 m, trên báo động 3 là 0,8 m.
Ảnh: Phạm Ngôn.
Ông Đặng Kim Quy (58 tuổi) - một người dân Quảng Ngãi sống ngay bên đường Quốc lộ 1A, chia sẻ buổi sáng, nhà ông vừa bị gió bão cuốn phăng một phần mái tôn. Đến chiều, ông lại tất tả chạy lũ khi mực nước dâng ngày càng cao. "Nhà tôi ở khu vực cao còn ngập đến hơn 40 cm. Mấy nhà ở khu thấp chắc chắn còn ngập sâu hơn nhiều", ông Quy nói.
Trường tiểu học Phổ Văn (Quảng Ngãi) vừa bị cơn bão số 9 thổi bay mái. Chưa kịp khắc phục, nơi đây lại chìm trong biển nước khi lũ lên cao sau bão.
Ảnh: Phạm Ngôn.
Hạ thuyền giúp dân thoát khỏi vùng ngập sâu
Ảnh: Phạm Ngôn.
Chiều 28/10, trước diễn biến lũ lên nhanh, lực lượng chức năng phường Phổ Văn, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, đã hạ thuyền để di chuyển vào một số thôn bị ngập sâu trên địa bàn, giúp dân thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Nước tràn vào nhà dân ven đường quốc lộ
Ảnh: Phạm Ngôn.
Tại Phổ Văn (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), chiều tối 28/10, nước bắt đầu lên nhanh, ngập quốc lộ 1 và tràn vào nhà dân ven đường.
Ảnh: Công Hoan.
Tối 28/10, nước lũ tại đường ĐT609 qua xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), lên nhanh. Người dân nơi đây phải khẩn trương dọn dẹp vật dụng lên cao để tránh lũ.Ảnh: Thảo Nguyễn.
21h30 tối 28/10, nước Sông Giằng nối với sông Vu Gia lên rất nhanh, tràn vào nhà dân. Nhiều gia đình ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam không kịp "chạy" hết đồ, chỉ kịp đưa một số đồ dùng thiết yếu lên cao.
Hàng nghìn phương tiện ùn ứ, CSGT cứu trợ đồ ăn
Tối 28/10, khoảng 1.200 phương tiện ùn ứ, dừng trên quốc lộ 1 đoạn qua Thừa Thiên - Huế dài hơn 10 km. Trạm CSGT Phú Lộc phối hợp cùng chính quyền địa phương và nhân dân ven đường đã cứu trợ thực phẩm cho lái xe và hành khách trên xe.
Hơn 20h, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng quyết định cho phép thông xe trên quốc lộ 1, các phương tiện sẽ lưu thông thành từng tốp 100 xe và theo hướng dẫn của CSGT. Khi qua các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, phương tiện sẽ lưu thông trên đường cao tốc, vì tuyến đường dẫn và quốc lộ 1 qua những địa phương này còn nhiều cây gãy đổ.
Trước đó, sáng 28/10, Cục CSGT đã có thông báo khẩn về việc cấm và hạn chế phương tiện lưu thông trên tuyến quốc lộ 1 để hạn chế rủi ro khi bão số 9 đổ bộ.
Trao đổi với Zing tối 28/10, ông A Viết Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), cho biết do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ khiến nước sông Vu Gia lên nhanh đã làm chia cắt, cô lập nhiều khu dân cư. "Hiện thị trấn Thạnh Mỹ, một số thôn tại xã Cà Dy có hơn 200 hộ dân bị chia cắt. Chúng tôi đang huy động lực lượng giúp dân", ông Sơn nói.
Lúc 21h30, cơ quan khí tượng cho biết lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai đang lên, một số sông đã lên báo động 2. Riêng tại sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), đỉnh lũ đã vượt báo động 3 là 1,04 m. Sông Đăk Bla tại Kon Tum, lũ cao hơn báo động 3 lên đến 1,73 m.
Cơ quan khí tượng cảnh báo lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam tiếp tục lên trong 6-12 giờ tới. Lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) khả năng vượt báo động 3.
Tại sông Vu Gia ở trạm Ái Nghĩa (Quảng Nam), lũ có thể cao đến 9,8 m và trên báo động 3 là 0,8 m, trong trường hợp tổng lưu lượng xả của các thủy điện thượng nguồn dao động 3.000-4.000 m3/s.
Có 35 huyện, thị xã thuộc nhiều địa phương được cảnh báo có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu trong những giờ tới.
Ảnh: Phạm Ngôn.
Trên mạng xã hội, nhiều người con xa quê bày tỏ lo lắng khi bão vừa qua, nhà tốc mái chưa kịp sửa thì nước lũ lại lên.
Tài khoản Gia Huy chia sẻ: “Nhà mình cũng bay hết lớp tôn với mái ngói luôn. Nhưng chiều ổn định lại, anh mình tranh thủ mua tôn về lợp lại hết, và sửa lại ngói luôn, trong buổi chiều đến tối là xong”.
Tài khoản Vũ Minh Hòa thông tin: “Trời không mưa, nước ở khu vực cầu Sông Vệ và cầu Cây Bứa đang có dấu hiệu xuống rất chậm”. Còn tài khoản Lê Văn Quyết nhắn nhủ mọi người ở xa không nên lo lắng. “Nước đang rút. Mình trực đội ca nô với anh em nên cứ bình tĩnh”, người này nhắn nhủ.