Muốn GDP tăng 8%, đại biểu Quốc hội chỉ 6 động lực cần 'kích hoạt'

Admin

21/02/2025 06:00

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh 6 động lực (3 truyền thống, 3 mới) cùng loạt giải pháp tài khóa, tiền tệ, đầu tư để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025.

Đại biểu Quốc hội cho rằng mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025 không khó và hoàn toàn cần thiết. Ảnh: Nam Khánh.

Trong khuôn khổ kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khoá XV, tại đại biểu Trần Hoàng Ngân đã có nội dung góp ý về dự thảo Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó chỉ ra một loạt giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên năm nay.

3 đột phá chiến lược cần khai thác

Cụ thể, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết trong lịch sử đổi mới từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã có nhiều giai đoạn đạt mức tăng trưởng kinh tế rất cao.

Trong đó, giai đoạn 1993-1996, GDP tăng trung bình 8,5-9%/năm, đặc biệt hai năm 1995-1996 vượt mốc 9%. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính tiền tệ Đông Nam Á sau đó khiến tăng trưởng chững lại ở mức 5-6%.

Từ năm 2002-2007, nền kinh tế bứt phá với mức tăng trưởng bình quân 7,5-8%/năm, riêng hai năm 2006-2007 đạt trên 8%. Nhưng khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái kinh tế và biến động thị trường bất động sản khiến GDP giảm xuống còn 5-6%/năm.

Giai đoạn 2015-2019, kinh tế phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng 6,8-7%/năm, trong đó hai năm 2018-2019 đạt trên 7,4%. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề, kéo mức tăng trưởng xuống còn 2,6-2,9%/năm trong hai năm 2020-2021.

Từ thực tiễn này, đại biểu Ngân khẳng định mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 là khả thi, nhưng điều quan trọng hơn là đảm bảo tính bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì các cân đối lớn của nền kinh tế. Vì vậy, ông kiến nghị cần kiên định thực hiện 3 đột phá chiến lược liên quan tới thể chế, nhân lực, hạ tầng.

tang truong GDP anh 1

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐBQH TP.HCM). Ảnh: Hoàng Giang/VGP.

Theo ông, thể chế phải thông thoáng, linh hoạt, thúc đẩy phân quyền, phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần được ưu tiên, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này phải gắn liền với quá trình tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo hiệu năng và hiệu lực.

Ngoài ra, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ cũng là yếu tố then chốt, trong đó hạ tầng giao thông cần được đặc biệt chú trọng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được triển khai mạnh mẽ, giúp giảm chi phí logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

6 động lực tăng trưởng

Bên cạnh 3 đột phá chiến lược, đại biểu Ngân nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của 6 động lực tăng trưởng (gồm 3 truyền thống và 3 mới). Trong đó, 3 động lực truyền thống là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Theo mục tiêu ban đầu, năm 2025, Việt Nam đặt kế hoạch tăng trưởng 6,5-7% với tổng vốn đầu tư toàn xã hội 171 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư công chiếm 33 tỷ USD. Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng 8%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tăng lên 174 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư công tăng lên 36 tỷ USD, tức tăng 9%.

Thống kê trước đây cho thấy nếu đầu tư công tăng 10% sẽ đóng góp khoảng 0,6% vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn nằm ở khu vực dân doanh, khi đầu tư từ khu vực này chiếm trên 55% tổng vốn đầu tư xã hội. Vì vậy, để huy động tối đa nguồn lực này cần có các chính sách hỗ trợ đồng bộ như giảm tiền thuê đất, phí, thuế, bảo lãnh tín dụng, lãi suất tín dụng hợp lý…

Cùng với đó, thúc đẩy tiêu dùng nội địa là giải pháp quan trọng, nhất là khi Việt Nam sở hữu thị trường gần 100 triệu dân. Việc kết hợp tiêu dùng với các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch không chỉ giúp kích thích sức mua mà còn thu hút dòng khách quốc tế, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, xuất khẩu đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam cần tận dụng tối đa lợi thế từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị hàng hóa.

Xu hướng tiêu dùng xanh trên thế giới cũng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp cần chú trọng phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm xanh và xây dựng thương hiệu Việt có giá trị gia tăng cao để nâng cao sức cạnh tranh.

tang truong GDP anh 2

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025, đại biểu Quốc hội cho rằng cần khởi động nhanh 3 động lực mới là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Việt Linh.

Mặt khác, đại biểu nhấn mạnh cần khởi động nhanh 3 động lực mới theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, bao gồm phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần có chính sách đặc thù cho các khu vực trọng điểm như Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM và Đà Nẵng, cũng như hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM. Đây là những dự án chiến lược, không chỉ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực mà còn cải thiện đáng kể hạ tầng đô thị và hiệu quả kết nối kinh tế.

Trong điều hành kinh tế vĩ mô, 3 vấn đề quan trọng cần đặc biệt lưu ý là chính sách tài khóa, tiền tệ và công tác dự báo.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc tận dụng tài sản công, đất công - một nguồn lực có phần bị thất thoát và chưa được khai thác triệt để - cần được đẩy mạnh. Việc đưa các tài sản này vào sử dụng hoặc tổ chức đấu giá có thể tạo ra nguồn vốn đáng kể cho đầu tư phát triển, hạn chế tình trạng nợ công tăng nhanh, đảm bảo cân đối ngân sách.

Trước đó, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng đã giải trình rõ hơn về mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên năm nay, đồng thời nêu động lực quan trọng như đầu tư công, xuất khẩu, đầu tư đường sắt và đường cao tốc sẽ là giải pháp tăng trưởng lớn cho nền kinh tế.

Liên quan giải pháp hoàn thiện hạ tầng giao thông, với mục tiêu hoàn thành thêm 1.000 km đường cao tốc năm nay, hướng đến 5.000 km vào năm 2030.

Phó thủ tướng cho biết các dự án đường sắt quan trọng như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trị giá hơn 67 tỷ USD dự kiến nối xuống tận Cà Mau, thúc đẩy tuyến đường sắt từ TP.HCM xuống Cần Thơ để kết nối với các cảng và 3 tuyến đường sắt phía Bắc kết nối với Trung Quốc… Những dự án này được kỳ vọng thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng GDP.

Ngoài nguồn vốn đầu tư công, Phó thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của đầu tư tư nhân trong tăng trưởng kinh tế.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.