![]() |
OceanBank, CBBank, DongABank đều đã "khoác áo mới" sau khi được chuyển giao bắt buộc về các ngân hàng mẹ. Ảnh: Quang Thắng. |
Hiện tại, 4/5 ngân hàng yếu kém hoặc trong diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đã được chuyển giao bắt buộc về các ngân hàng thương mại có năng lực để thực hiện tái cơ cấu theo đề án nhà điều hành đưa ra.
Các ngân hàng được chuyển giao bắt buộc đến nay bao gồm CBBank chuyển giao về Vietcombank; OceanBank chuyển giao cho MB; GPBank chuyển giao cho VPBank và DongABank được giao cho HDBank tái cơ cấu.
Ngân hàng "khoác áo mới"
Trong thông báo mới nhất, Ngân hàng TNHH Một thành viên Đông Á (DongABank) đã chính thức đổi tên thành Ngân hàng TNHH Một thành viên Số Vikki (Vikki Bank). Ngân hàng đồng thời thay đổi địa chỉ trụ sở chính về số 72 Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Sự kiện này đánh dấu sự biến mất của thương hiệu Ngân hàng Đông Á sau hơn 30 năm hoạt động trên thương trường để khoác lên mình "tấm áo mới" Vikki Bank sau khi được chuyển giao bắt buộc về HDBank.
Trước DongABank (nay là Vikki Bank), một số ngân hàng yếu kém khác sau khi được chuyển giao bắt buộc cũng đã được "thay tên đổi họ" khoác lên mình thường hiệu mới. Trong đó, OceanBank đã được đổi tên thành Ngân hàng thương mại TNHH MTV Việt Nam hiện đại (MBV), còn CBBank được đổi tên thành Ngân hàng thương mại TNHH MTV Ngoại thương Công nghệ số (VCBNeo).
Như vậy, đến nay, 3/4 ngân hàng yếu kém hoàn thành chuyển giao bắt buộc đã được đổi thương hiệu, trường hợp duy nhất chưa đổi tên là GPBank hiện do VPBank thực hiện tái cơ cấu. Trong khi đó, SCB vẫn đang được NHNN đặt trong diện kiểm soát đặc biệt.
![]() |
DongABank "khoác áo mới" Vikki Bank sau khi được chuyển giao bắt buộc về HDBank. Ảnh: Vikki Bank. |
Trong nhóm ngân hàng yếu kém, CBBank và OceanBank là 2 nhà băng được thực hiện chuyển giao đầu tiên, cùng vào tháng 10/2024, bên nhận chuyển giao lần lượt là Vietcombank và MB.
Sau khi tiếp nhận, Vietcombank và MB trở thành ngân hàng mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ của CBBank và OceanBank, các ngân hàng này cũng lên kế hoạch cải tổ toàn diện ngân hàng yếu kém, từ hệ thống quản trị, tài chính đến mô hình kinh doanh.
Đến đầu năm nay, GPBank và DongABank chính thức được chuyển giao bắt buộc về VPBank và HDBank. Lãnh đạo VPBank cho biết sẽ hỗ trợ GPBank trong việc xử lý nợ xấu, cải thiện năng lực quản trị rủi ro và tái cơ cấu hoạt động kinh doanh để đảm bảo sự ổn định trong dài hạn. Trong khi lãnh đạo HDBank cũng đưa ra lộ trình cụ thể để tái cơ cấu DongABank, bao gồm tăng cường vốn, cải tổ hệ thống vận hành và mở rộng dịch vụ ngân hàng số.
Nhiều giải pháp vực dậy ngân hàng yếu kém
Quá trình chuyển giao bắt buộc không chỉ đơn thuần là việc thay đổi chủ sở hữu mà còn bao gồm cam kết hỗ trợ toàn diện từ các ngân hàng nhận chuyển giao. Để đảm bảo quá trình tái cấu trúc diễn ra hiệu quả, các ngân hàng nhận chuyển giao đã cử đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia tài chính sang trực tiếp điều hành, giám sát hoạt động của các ngân hàng yếu kém.
Cụ thể, sau khi tiếp nhận CBBank (nay là VCBNeo), Vietcombank đã cử đội ngũ lãnh đạo cấp cao sang hỗ trợ điều hành ngân hàng. Các nhân sự được “biệt phái” gồm ông Nguyễn Mạnh Hùng, Thành viên HĐQT Vietcombank kiêm nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV VCBNeo. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Vietcombank Thái Nguyên đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc VCBNeo.
Ngoài ra, Vietcombank còn điều động nhiều nhân sự chủ chốt như Trưởng phòng Công nợ VCB Nguyễn Thành Đô làm Trưởng ban kiểm soát VCBNeo; bổ nhiệm các ông Hoàng Bắc, bà Đặng Thị Vân Hòa, bà Nguyễn Minh Hường vào vị trí Phó tổng giám đốc VCBNeo cùng nhiều cán bộ cấp cao khác để phụ trách các lĩnh vực quản lý rủi ro, nhân sự và tín dụng.
Tương tự, sau khi tiếp nhận OceanBank (nay là MBV), MB đã cử ông Vũ Thành Trung, Phó chủ tịch HĐQT giữ chức Chủ tịch HĐTV MBV. Ông Lê Xuân Vũ, Thành viên Ban điều hành MB, được bổ nhiệm làm Thành viên HĐTV kiêm Tổng giám đốc MBV.
![]() |
MB đã cử hơn 80 nhân sự sang nhằm vực dậy OceanBank (nay là MBV). Ảnh: MBB. |
Chia sẻ tại sự kiện mới đây, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB, cho biết để vực dậy MBV, MB đã cử gần 80 nhân sự chất lượng cao, dày dạn kinh nghiệm, có phẩm chất đạo đức tốt sang hỗ trợ sắp xếp và đào tạo đội ngũ nhân sự MBV về nghiệp vụ, kỹ năng đồng thời đảm bảo thu nhập cho người lao động.
MB cũng bán dư nợ sinh lời cho MBV để ngân hàng dùng dư nợ đó vay Chính phủ và NHNN khoản tiền tương đối lớn với lãi suất 0%, từ đó tạo ra cơ chế sinh lời cho MBV. Ông Ánh nhấn mạnh việc bán dư nợ cho MBV không làm ảnh hưởng đến tài sản sinh lời của ngân hàng mẹ.
Kết quả bước đầu ghi nhận từ ngày 17/10-13/12/2024, tăng trưởng huy động vốn của MBV đạt 1.229 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng thêm 555 tỷ đồng. MB và MBV đã triển khai các khoản bán nợ quy mô gần 6.000 tỷ đồng. Quá trình hoạt động sau chuyển giao diễn ra suôn sẻ, an toàn, không có gián đoạn giao dịch hoặc sự cố.
Với GPBank, thông tin chi tiết nhân sự cụ thể được VPBank cử sang để hỗ trợ quản lý và điều hành ngân hàng yếu kém chưa được công bố. Tuy nhiên, lãnh đạo VPBank đã cam kết chuyển giao kinh nghiệm và kiến thức để hỗ trợ quá trình tái cấu trúc GPBank theo phương án đề ra.
VPBank cũng dự kiến góp vốn vào GPBank với giá trị không vượt quá 20% vốn điều lệ của ngân hàng mẹ, nhằm cung cấp thêm nguồn lực tài chính, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và cải thiện hiệu quả vận hành của ngân hàng yếu kém này.
Tương tự, cũng chưa công bố chi tiết về nhân sự được "biệt phái" sang để hỗ trợ quản lý điều hành Vikki Bank, nhưng lãnh đạo HDBank đã khẳng định sẽ tập trung nguồn lực, kinh nghiệm tái cấu trúc để đồng hành và hỗ trợ ngân hàng củng cố hoạt động, khắc phục tồn tại, hướng tới mục tiêu xây dựng ngân hàng có tài chính lành mạnh, an toàn và phát triển bền vững.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.