Nỗ lực chuyển đổi xanh trong phát triển vật liệu xây dựng vẫn đối mặt nhiều thách thức

Admin

14/05/2025 20:30

Dù được xem là hướng đi tất yếu để hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, quá trình chuyển đổi sang vật liệu xây dựng xanh tại Việt Nam vẫn gặp nhiều rào cản từ hạ tầng, công nghệ đến chính sách...

Vật liệu xanh là lựa chọn chiến lược trong quy hoạch đô thị

Tại hội thảo Phát triển vật liệu xây dựng xanh – Thực trạng, xu hướng tiếp cận diễn ra ngày 14/5 tại thành phố Đà Nẵng, ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, khẳng định định hướng phát triển của thành phố giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 là trở thành đô thị sinh thái, thông minh, hiện đại và đáng sống.

Nỗ lực chuyển đổi xanh trong phát triển vật liệu xây dựng vẫn đối mặt nhiều thách thức- Ảnh 1.

Ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng.

Để đạt được điều đó, vật liệu xây dựng (VLXD) đóng vai trò cốt lõi, không chỉ tạo nên chất lượng công trình mà còn góp phần trực tiếp vào việc giảm phát thải khí nhà kính – một cam kết Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP26.

Chiến lược phát triển VLXD Đà Nẵng không chỉ là phát triển sản phẩm, mà còn là chiến lược tổng thể về công nghệ, chuỗi cung ứng, và quản lý tài nguyên, ông Hoàng nhấn mạnh.

Thành phố đã ban hành Quyết định số 1790/QĐ-UBND phê duyệt chiến lược phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, trong đó ưu tiên công nghệ tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Chi hội VLXD miền Trung và Tây Nguyên, nhận định, hiện tượng nóng lên toàn cầu, ô nhiễm môi trường và quá trình đô thị hóa nhanh chóng đang thay đổi mạnh mẽ các loại hình nhà ở tại các đô thị.

Nỗ lực chuyển đổi xanh trong phát triển vật liệu xây dựng vẫn đối mặt nhiều thách thức- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Chi hội VLXD miền Trung và Tây Nguyên.

Nhu cầu đầu tư xây dựng không ngừng gia tăng về cả số lượng lẫn quy mô các dự án. Song song với sự phát triển này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy việc áp dụng vật liệu xây dựng xanh vào các công trình.

Tuy nhiên, mặc dù đã đạt được một số kết quả, việc phát triển vật liệu xây dựng xanh và công trình xanh vẫn gặp nhiều hạn chế. Cụ thể, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra hướng dẫn chi tiết về quy trình đánh giá và chứng nhận các sản phẩm vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Đồng thời, chưa có quy định bắt buộc về việc chứng nhận nhãn năng lượng đối với các thiết bị sử dụng năng lượng trong xây dựng.

Bên cạnh đó, trình độ công nghệ, nhân lực và điều kiện hạ tầng xây dựng, đặc biệt là tại khu vực miền Trung, còn nhiều bất cập. Điều này khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc xây dựng các công trình đạt tiêu chí "net zero", phát thải ròng bằng 0, điều này cũng đặt ra thách thức lớn đối với mục tiêu cam kết giảm phát thải vào năm 2050.

Cần hành lang pháp lý rõ ràng và thay đổi nhận thức từ gốc

Ông Nguyễn Cửu Loan, Phó Chủ tịch Chi hội Vật liệu xây dựng miền Trung, bổ sung rằng tâm lý e dè về chi phí đầu tư ban đầu khiến nhiều chủ đầu tư vẫn ngần ngại triển khai công trình xanh. Trong khi đó, thực tế cho thấy việc áp dụng giải pháp xanh ngay từ khâu thiết kế không chỉ không làm tăng chi phí mà còn giúp hoàn vốn nhanh, đồng thời giảm đáng kể chi phí vận hành trong dài hạn.

Nỗ lực chuyển đổi xanh trong phát triển vật liệu xây dựng vẫn đối mặt nhiều thách thức- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Cửu Loan đề xuất các cơ chế hỗ trợ để vật liệu xanh phát triển trong tương lai.

Ông Loan đề xuất cần có các cơ chế hỗ trợ cụ thể như: ưu đãi tài chính cho các dự án sản xuất vật liệu tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể cho từng loại vật liệu; đưa vật liệu xanh vào định mức đầu tư công và quy định bắt buộc dán nhãn sinh thái; đẩy mạnh truyền thông và đào tạo, nâng cao nhận thức cho chủ đầu tư, nhà thầu và người tiêu dùng.

"Hơn nữa, nhận thức của người tiêu dùng và cả một bộ phận doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Thị trường VLXD xanh chưa thực sự được hình thành mạnh mẽ. Người tiêu dùng ít quan tâm đến sản phẩm có nhãn sinh thái, còn doanh nghiệp thì thiếu động lực vì không có ràng buộc rõ ràng từ chính sách," ông Loan nêu.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, phát triển vật liệu xây dựng xanh không chỉ là một xu hướng nhất thời mà là hướng đi chiến lược để Việt Nam hiện thực hóa cam kết tại COP26 – đạt mức phát thải ròng bằng zero vào năm 2050. Để làm được điều này, không chỉ cần các chính sách nhất quán từ trung ương, mà còn cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. 

Xử lý 2 cơ sở ăn uống gây ô nhiễm tiếng ồn kéo dài tại "phố nhậu" mới nổi ở Đà NẵngHội Luật gia Đà Nẵng tổ chức kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí MinhĐà Nẵng nâng công suất khai thác mỏ đá Trường Bản phục vụ dự án cao tốc Hòa Liên – Túy Loan

Việt Nam hiện đã tham gia hơn 100 cam kết quốc tế liên quan đến khí hậu, sử dụng đất, điện than và chuyển đổi năng lượng. 

Vì vậy, việc đầu tư vào vật liệu xanh, từ nghiên cứu, sản xuất đến ứng dụng, chính là một bước đi thực chất, góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh, phát triển đô thị bền vững và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Bạn đang đọc bài viết "Nỗ lực chuyển đổi xanh trong phát triển vật liệu xây dựng vẫn đối mặt nhiều thách thức" tại chuyên mục CHUYỂN ĐỘNG 24H. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com; phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.