Nở rộ trợ lý ảo cho người dùng

19/07/2023 05:00

Trợ lý ảo giúp doanh nghiệp đổi mới, giúp nhân viên tập trung tư duy chiến lược, ra quyết định và giao tiếp

Với sự hỗ trợ của những tiến bộ công nghệ và được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) ở những cấp độ cao, như máy học, học sâu…, các dịch vụ tự động giờ đây đã mang lại nhiều tiện ích hơn so với những hệ thống trả lời tự động nhiều năm trước.

Rảnh tay thực hiện tác vụ

Ở Việt Nam, người Việt không chỉ tiếp cận những trợ lý ảo quốc tế nói được tiếng Việt mà còn có cả các trợ lý ảo do người Việt phát triển hay tham gia đóng góp chất xám phát triển.

Với những tiến bộ về xử lý ngôn ngữ tự nhiên, ngày càng có thêm nhiều trợ lý ảo có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ bản địa như tiếng Việt. Trợ lý ảo Google Assistant từ tháng 5-2019 đã chính thức hỗ trợ tiếng Việt. Nhờ khả năng tự học mà nó nhanh chóng khắc phục được những lỗi về phát âm vùng miền để bây giờ hầu như có thể giao tiếp như người Việt đa vùng miền. Những người lái ô tô nay đã quen với trợ lý tiếng Việt Kiki do Zalo AI - một thành viên chuyên sâu về AI của Zalo Group - phát triển. Kiki cũng là trợ lý ảo duy nhất của Việt Nam được giới thiệu đến tệp người dùng lớn khi được tích hợp vào dịch vụ nghe nhạc online Zing MP3. Sau hơn 2 năm ra mắt, tính tới giữa tháng 3, sản phẩm công nghệ Kiki cho ô tô đã đạt mốc 300.000 lượt cài đặt trên ô tô, trở thành bạn đường thông minh cho các tài xế.

Anh Nguyễn Hoàng Khánh Duy, người viết những dòng code đầu tiên cho Kiki, cho biết: "Với Kiki, người dùng dễ dàng thao tác bằng giọng nói, không cần nhìn vào màn hình hay rời tay khỏi vô-lăng". Về phía người dùng, theo anh Trần Tuấn Anh (ngụ TP Hà Nội), anh đã trải nghiệm sự khác biệt giữa 2 dòng ô tô - có tích hợp trợ lý giọng nói và không tích hợp. Theo anh Tuấn Anh, những xe được trang bị trợ lý giọng nói giúp người lái rảnh tay thực hiện tác vụ như tìm đường, mở nhạc… bằng các khẩu lệnh để tập trung điều khiển phương tiện an toàn hơn.

Nở rộ trợ lý ảo cho người dùng - Ảnh 1.

Trợ lý tiếng Việt Kiki trên ô tôẢnh: ZaloAI

Cách mạng năng suất và sáng tạo

Chưa bao giờ các trợ lý ảo lại nở rộ như hiện nay. Bên cạnh những trợ lý ảo phổ thông như Google Assistant của Google, Cortana của Microsoft, Siri của Apple, Alexa của Amazon, Bixby của Samsung…, người ta đang chứng kiến sự ra đời của rất nhiều trợ lý ảo chuyên ngành.

Trong đó, có thể kể đến các sản phẩm của Agent Foundry - nền tảng cung cấp trợ lý ảo AI chuyên ngành cho doanh nghiệp (DN) do Trusting Social (Singapore), công ty về AI trong lĩnh vực tài chính ở châu Á, phát triển với sự hợp tác của Microsoft (tích hợp các công nghệ đám mây và AI như Azure và OpenAI). Nền tảng này do một người Việt sáng lập vừa được ra mắt ở Việt Nam vào cuối tháng 6-2023.

Ông Nguyễn An Nguyên, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Trusting Social, cho biết: "Các trợ lý ảo sẽ giúp DN đổi mới, giúp nhân viên tập trung tư duy chiến lược, ra quyết định và giao tiếp, thay vì các công việc lặp đi lặp lại". Theo ông Nguyên, các trợ lý ảo trong Agent Foundry có trình độ ban đầu tương đương cử nhân hay thạc sĩ. Chúng được trang bị công nghệ AI, máy học nên có khả năng tự học liên tục từ những thành công và thất bại của mình để không ngừng nâng cao khả năng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dùng. Đặc biệt, các "nhân viên - agent" này được trang bị khả năng học hỏi để nhận biết, hiểu đối tượng mà mình phục vụ (tức khách hàng của DN) để có thể hiểu người đó muốn gì, cần gì, thậm chí biết được những vấn đề khách hàng đang gặp phải. Đại diện Trusting Social cho biết khi máy hiểu được ngôn ngữ của khách hàng và DN, sẽ mang lại sự cách mạng về năng suất và sáng tạo. Nguyên giám đốc vận hành một nhà hàng kể trước đây đã tốn nhiều thời gian để tìm một phần mềm có thể hiểu được trải nghiệm của khách hàng, vì chỉ như vậy mới có thể cải thiện được chất lượng phục vụ.

Tại sự kiện ra mắt ở Việt Nam, Trusting Social đã giới thiệu 3 nguyên mẫu của Agent Foundry, gồm Alice - trợ lý tiếp thị và chăm sóc khách hàng; Anansi - trợ lý phân tích dữ liệu; Alan - trợ lý lập trình phần mềm. Alan là trợ lý lập trình phần mềm dựa trên AI tổng quát - AGI. Các nhà phát triển phần mềm phải trải qua các bước: phân tích nhu cầu, phát triển các giải pháp, viết code, viết các trường hợp thử nghiệm, chạy thử và triển khai. Trợ lý Alan giờ đây có thể trợ giúp nhà phát triển tất cả các bước đó. Một dự án có khi huy động hàng trăm agent ảo. Mỗi kỹ sư có thể quản lý cả chục agent. Thay vì phải tốn rất nhiều thời gian để viết các code cơ bản, các kỹ sư nay chỉ cần kiểm tra, giám sát và dành tâm sức cho các phần việc sâu rộng hơn. Sau khi phát triển được Alan, Trusting Social đã huấn luyện trợ lý ảo này trở thành một "cỗ máy cái" phát triển ra những agent khác, cụ thể như Alice, Anansi… Trong đó, Alice có thể giao tiếp tự nhiên, hiểu biết từng khách hàng trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn, có thể gợi ý những sản phẩm phù hợp. 

Trợ lý giọng nói quyết định hành vi mua xe

Navigant Research dự báo trợ lý giọng nói dự kiến sẽ được tích hợp đến khoảng 90% số xe mới được bán trên toàn cầu vào năm 2028. Theo dữ liệu từ Voicebot, hơn 60% tài xế cho hay khi mua ô tô, việc có trợ lý giọng nói trên xe là một trong các yếu tố quyết định hành vi mua xe.

Tại Mỹ, năm 2022, ghi nhận hơn 70 triệu người dùng trợ lý giọng nói trên ô tô hằng tháng.

Bạn đang đọc bài viết "Nở rộ trợ lý ảo cho người dùng" tại chuyên mục CÔNG NGHỆ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.