Nước ngoài chi hơn 6,3 tỷ USD mua bất động sản Việt Nam

Admin

13/01/2025 06:00

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký rót vào bất động sản Việt Nam năm vừa qua đạt hơn 6,3 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2024.

Bất động sản Việt Nam tiếp tục hút vốn ngoại. Ảnh: Quỳnh Danh.

Báo cáo của của Tổng cục Thống kê cho biết tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bao gồm đầu tư mới, điều chỉnh vốn, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp,đăng ký vào Việt Nam trong năm 2024 đã đạt 38,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm liền trước.

Trong đó, tổng vốn FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản năm vừa qua đã đạt hơn 6,3 tỷ USD, tăng 35% và tiếp tục xếp thứ 2 trong nhóm lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất năm, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với gần 25,58 tỷ USD vốn thu thút.

Báo cáo cũng cho biết số vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong cả năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng hơn 9%. Riêng hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 1,84 tỷ USD, tăng 60% so với năm 2023.

Một báo cáo của Avison Young Việt Nam mới đây cũng nhận định rằng dòng vốn FDI có xu hướng chảy nhiều hơn vào lĩnh vực bất động sản trong bối cảnh sản xuất toàn cầu chưa hồi phục hoàn toàn và các thị trường bất động sản lớn trên thế giới khá ảm đạm.

Theo đơn vị nghiên cứu thị trường, điều này cho thấy sức hấp dẫn của bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

"Không chỉ đánh giá tích cực về các điều kiện chính sách, môi trường đầu tư, dân số hay đô thị hóa tại Việt Nam, nhà đầu tư còn nhìn thấy cầu vượt cung ở hầu hết phân khúc chủ đạo như công nghiệp và hậu cần (I&L), nhà ở, văn phòng và bán lẻ", báo cáo của Avison Young Việt Nam nêu.

Còn theo hãng dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield, Việt Nam vẫn là một thị trường mới nổi về thu hút đầu tư với tỷ suất sinh lời hấp dẫn. Hiện tỷ lệ sinh lời của các phân khúc bất động sản nhà ở đạt khoảng 8-10%/năm, cao hơn so với mức 2-3%/năm của một số nước trong khu vực.

Bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng bộ phận Môi giới và Đầu tư Savills Hà Nội, cho hay các nhà đầu tư từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc là các quốc gia có hoạt động tích cực tại Việt Nam. Trong khi nhà đầu tư Mỹ và các nước châu Âu cũng ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam.

Theo chuyên gia Savills, dòng vốn FDI có xu hướng chảy vào bất động sản nhà ở. Loại hình này tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm do việc đô thị hóa cùng nhu cầu về nhà ở tăng cao trong các thành phố lớn tại Việt Nam. Nguồn cung các dự án mới được ghi nhận ở mức thấp do hạn chế về pháp lý đã làm phân khúc này luôn nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, bất động sản công nghiệp cũng được quan tâm nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam. Sự gia tăng của phân khúc này được thúc đẩy bởi sự hiện diện của nhiều quỹ đầu tư và chủ đầu tư nước ngoài, tập trung vào các dự án nhà kho và xưởng hạng A, đáp ứng tiêu chuẩn và chất lượng cao trên thị trường.

Phân khúc bất động sản thương mại cũng hút đầu tư nhờ vào sự phát triển của thị trường bán lẻ và dịch vụ. Điều này phản ánh sự gia tăng nhu cầu tăng trưởng song song với loại hình bất động sản đô thị và được hỗ trợ bởi các yếu tố như sự chuyển đổi thói quen tiêu dùng của người dân, với việc ngày càng nhiều khách hàng ưu tiên trải nghiệm mua sắm tại các trung tâm thương mại và không gian dịch vụ đa chức năng khép kín.

Theo quan sát của vị chuyên gia này, các nhà đầu tư hiện nay có xu hướng ưu tiên các doanh nghiệp tư nhân hơn, nhờ vào tính linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh trong vận hành. Về quy mô và tổng mức đầu tư của các nhà đầu tư rất đa dạng và sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng phân khúc phát triển.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.