Ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu

Admin

25/01/2025 06:30

Ngay trong ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rằng thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu không còn giá trị tại Mỹ.

Tổng thống Donald Trump ký các văn bản khi ông ban hành các lệnh hành pháp và lệnh ân xá tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng vào ngày nhậm chức. Ảnh: Reuters.

Động thái đáng chú ý này của ông Trump đồng nghĩa với việc Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt mà chính quyền ông Biden đạt được vào năm 2021 với gần 140 quốc gia, bao gồm các nền kinh tế lớn như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Ấn Độ, theo Reuters.

Thỏa thuận này cho phép các quốc gia nơi sản phẩm hoặc dịch vụ được tiêu thụ có quyền đánh thuế lên các công ty đa quốc gia, ngay cả khi họ không hiện diện trực tiếp.

Bằng một bản ghi nhớ tổng thống ban hành sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ chuẩn bị các biện pháp bảo vệ để đối phó với những quốc gia có chính sách thuế bất lợi hoặc có khả năng gây khó khăn cho các công ty Mỹ.

Trong khi Liên minh châu Âu, Anh và một số quốc gia khác đã áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%, Quốc hội Mỹ vẫn chưa phê duyệt các quy định cần thiết để Mỹ tuân thủ thỏa thuận này.

Hiện tại, Mỹ đang áp dụng mức thuế tối thiểu khoảng 10%, được đưa vào từ gói cải cách thuế năm 2017 do chính quyền ông Trump đề xuất.

Điều đáng chú ý là các quốc gia áp dụng mức thuế 15% này có thể thu thêm thuế bổ sung từ các công ty Mỹ đang trả mức thuế thấp hơn. Bản ghi nhớ của ông Trump gọi hành động này là “trả đũa”.

“Thỏa thuận thuế toàn cầu và các chính sách thuế không công bằng từ nước ngoài có thể khiến các công ty Mỹ đối mặt với những quy định thuế quốc tế trả đũa. Đây là lý do chúng ta cần hành động để bảo vệ chủ quyền kinh tế và năng lực cạnh tranh của quốc gia”, bản ghi nhớ nêu rõ.

Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu là sáng kiến của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhằm chấm dứt cuộc chạy đua giảm thuế doanh nghiệp giữa các quốc gia trên thế giới. Đây từng được coi là một bước tiến lớn khi cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đồng ý ký kết vào tháng 10/2021.

Tuy nhiên, ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính mới của ông Trump, ông Scott Bessent, nhận định rằng việc tiếp tục tuân thủ thỏa thuận này sẽ là “một sai lầm nghiêm trọng”.

Ngoài vấn đề thuế tối thiểu, các cuộc đàm phán trong OECD còn xoay quanh việc phân chia quyền đánh thuế đối với các tập đoàn lớn, đặc biệt là những công ty công nghệ khổng lồ như Facebook (Meta) hay Apple. Điều này nhằm thay thế các loại thuế kỹ thuật số đơn phương, vốn đã khiến các quốc gia như Italy, Pháp và Tây Ban Nha mâu thuẫn với Mỹ trước đây.

Dù vậy, khi các cuộc đàm phán này đình trệ, nhiều quốc gia có thể tái áp dụng thuế kỹ thuật số, đẩy căng thẳng thương mại với Washington lên một nấc thang mới.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.