Phát triển văn hóa, dựa vào sức dân để bảo vệ môi trường

Admin

06/12/2020 08:55

Nhận thấy hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đang có tác động không nhỏ đến môi trường, hội thảo của trường Đại học Văn hóa TP.HCM đã phân tích, làm rõ điều này.

Trường đại học Văn hóa TP.HCM tổ chức hội thảo về “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao & du lịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa TP.HCM cho biết, ban tổ chức hội thảo đã nhận được 43 bài tham luận của các nhà khoa học, nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực.

Văn hoá - Phát triển văn hóa, dựa vào sức dân để bảo vệ môi trường

PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa TP.HCM.

PGS.TS Lê Đức Lương, nguyên Vụ trưởng vụ Khoa học, Công nghệ & Môi trường (bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) khẳng định, các hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ giá trị di tích, hoạt động thể thao là đối tượng dễ bị tổn thương khi phải đối mặt với những áp lực ô nhiễm môi trường.

Do đặc thù của lễ hội là mang tính mùa vụ, nhiều lễ hội có thời gian tổ chức chỉ diễn ra trong khoảng thời gian từ 1 – 3 ngày. Tiêu biểu là Đền Hùng, Đền Trần – Nam Định, Miếu Bà Chúa Xứ,…nên lượng du khách tập trung trong cùng một thời điểm rất lớn.

Dẫn đến áp lực lớn đối với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và nhân văn. Thể hiện rõ nhất là vấn đề thu gom xử lý rác thải, nhà vệ sinh, đốt vàng mã, đổi tiền lẻ, tệ nạn cờ bạc,…

Đơn cử như lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ (tỉnh An Giang), mặc dù đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh hiện đại với 20 phòng nhưng trong ngày lễ hội có hàng trăm nghìn tập trung, nhà vệ sinh không thể đáp ứng được.

Hay tại Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), việc thu gom và xử lý rác thải trong và sau lễ hội luôn là vấn đề nan giải cho ban tổ chức, chính quyền địa phương.

Văn hoá - Phát triển văn hóa, dựa vào sức dân để bảo vệ môi trường (Hình 2).

Bảo vệ môi trường trong văn hóa, cụ thế nhất là đảm bảo vệ sinh tại các lễ hội, di tích danh thắng.

Còn theo TS. Nguyễn Thị Nguyệt, đại học Văn hóa TP.HCM, hiện tượng nước biển dâng sẽ ảnh hưởng các bãi tắm ven biển. Một số bãi tắm có thể mất đi, một số khác bị đẩy sâu vào đất liền.

Ví dụ như ven biển và biển đảo Kiên Giang, mũi Cà Mau, các di tích danh thắng như hòn Trống Mái, Hòn Chồng, hòn Phụ tử, hang Thạch Động,...

“Du lịch là ngành nhạy cảm với khí hậu. Cho nên việc phát triển các sản phẩm du lịch phải rất thận trọng, cần có sự quan tâm đến biến đổi khí hậu”, TS. Nguyệt nhận định.

Ngành du lịch cần có nguồn nhân lực được đào tạo tốt về kiến thức tự nhiên và biến đổi khí hậu, hiểu biết để xây dựng phát triển bền vững, đảm bảo an toàn cho du khách trước thời tiết cực đoan.

Một trong những giải pháp được thảo luận là chính quyền địa phương dựa vào sự hỗ trợ, đồng lòng của người dân.

Khi đời sống người dân được cải thiện tốt hơn, kinh tế hộ gia đình ngày càng tăng cao thì họ mới có thể nghĩ đến việc bảo vệ môi trường xung quanh mà không cần bị thúc ép.

“Người dân địa phương là người am hiểu nhất về tình trạng môi trường nơi họ đang sinh sống. Vì vậy, chính quyền cần phối hợp chặt chẽ với họ để nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin, tìm ra phương cách bảo vệ môi trường tốt nhất”, TS. Lưu Tuấn Anh, trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM phát biểu.